Nghị quyết 46/NQ-HĐND năm 2021 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 46/NQ-HĐND
Ngày ban hành 03/12/2021
Ngày có hiệu lực 03/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Thào Hồng Sơn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/NQ-HĐND

Hà Giang, ngày 03 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHÓA XVIII - KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang;

Trên cơ sở xem xét các Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; Ý kiến tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang, các cơ quan hữu quan và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu tổng quát:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH với các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục thực hiện quan điểm, định hướng về phát triển KTXH của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các Nghị quyết chuyên đề giai đoạn 2021-2025 của Tỉnh ủy. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,5%. Nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị bền vững gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh. Phục hồi và phát triển ngành du lịch. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng theo mục tiêu đột phá. Cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chú trọng phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm. Quản lý chặt chẽ, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện đồng bộ, hiệu quả chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Chủ động hội nhập và hợp tác phát triển; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội, đường biên, mốc giới.

Điều 2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Chỉ tiêu kinh tế

(1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP giá so sánh) 7,5%.

(2) Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người 33 triệu đồng.

(3) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 13.500 tỷ đồng.

(4) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.800 tỷ đồng.

(5) Thu hút khách du lịch đạt 1,5 triệu lượt người.

(6) Giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 55 triệu đồng.

(7) Tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 32%.

(8) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5%.

(9) Tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 230 triệu USD.

(10) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,0%.

(11) Tăng trưởng tín dụng đạt 8,0%

(12) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 20,13%.

b) Chỉ tiêu xã hội

(13) Số tiêu chí nông thôn mới tăng trong năm 34 tiêu chí.

(14) Tỷ lệ thôn biên giới có điện đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 85%.

(15) Tỷ lệ thôn biên giới có đường đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 44%.

[...]