Nghị quyết 45/NQ-HĐND năm 2023 phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 do tỉnh Long An ban hành

Số hiệu 45/NQ-HĐND
Ngày ban hành 01/12/2023
Ngày có hiệu lực 01/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Nguyễn Văn Được
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/NQ-HĐND

Long An, ngày 01 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), các Ban của HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND), Tòa án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (VKSND), Cục Thi hành án Dân sự tỉnh (CTHADS) và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Cục thi hành án dân sự tỉnh năm 2023

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Cục thi hành án dân sự tỉnh trình tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa X. Giao các cơ quan trên tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu tham dự kỳ họp để bổ sung, hoàn chỉnh các báo cáo và tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 2. Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024

I. Đánh giá khái quát tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, cụ thể như sau:

Năm 2023, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường nhất là cuộc xung đột tại Ukraina và Dải Gaza, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát neo ở mức cao, nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính, tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vực hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, quy mô sản xuất thu hẹp, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống người dân. Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát của Tỉnh ủy; sự đồng hành, ủng hộ của Hội đồng nhân dân tỉnh; sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của người dân, doanh nghiệp; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực của Chính quyền các cấp nên đạt và vượt 21/23 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh năm 2023 đề ra, cụ thể là:

Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi; GRDP quý III tăng 7,78% so với cùng năm trước (quý I tăng 3,85%, quý II tăng 2,99%); tính chung 9 tháng tăng 4,93%[1], dự báo cả năm tăng trưởng GRDP đạt khoảng 5,77%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 8-8,5%) nhưng vẫn là mức khá so với cả nước (cả nước dự báo tăng trên 5%). Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn; các cây trồng chủ lực có diện tích tăng hơn so với cùng kỳ. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng và vật nuôi chủ lực. Chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện theo kế hoạch; góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang. Hoạt động sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi, nhất là trong quý III/2023; khu vực công nghiệp và xây dựng quý III tăng 12,4% (quý I tăng 4,7%, quý II tăng 2,46%); tính chung 9 tháng đầu năm tăng 6,42%, ước cả năm tăng trên 8%. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023; Long An là địa phương thứ 10 trên cả nước, là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Hoạt động xúc tiến đầu tư được tập trung thực hiện; định kỳ hàng tháng tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; tổ chức các chuyến xúc tiến đầu tư ở các nước Nhật, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,...; một số chỉ tiêu thu hút đầu tư tăng khá so với cùng kỳ như doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đầu tư trong nước, số dự án FDI. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển ổn định; hàng hóa cung ứng phong phú, dồi dào với giá cả ổn định; hoạt động xúc tiến thương mại, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, tỷ lệ giải ngân cao hơn so với cùng kỳ, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Các hoạt động văn hóa xã hội được tập trung triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, người có công. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh năm 2023 còn một số khó khăn, hạn chế; cụ thể như sau:

- Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước cả năm 2023 đạt khoảng 5,77% (thấp hơn cùng kỳ và kế hoạch năm 2023 đề ra là từ 8%-8,5%). Thu ngân sách nhà nước thấp hơn so với cùng kỳ do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn thu thuế giá trị gia tăng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sụt giảm mạnh,...

- Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ; xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm. Doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến (doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 38%). Một số doanh nghiệp giải thể dẫn đến nhiều công nhân mất việc làm. Mặt bằng lãi suất cho vay dù giảm nhưng các doanh nghiệp còn khó khăn trong cả tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng.

- Thị trường tiêu dùng trong nước, trong tỉnh phục hồi chậm; tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng và ước cả năm 2023 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước[2]. Thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần được theo dõi chặt chẽ. Ngành du lịch có phục hồi nhưng vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức; sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới. Tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả trên thị trường nội địa còn diễn biến phức tạp.

- Tình hình tiêu thụ một số nông sản chưa ổn định; giá vật tư đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và giảm lợi nhuận của người dân. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Mặc dù được tích cực hỗ trợ nhưng năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã còn thấp; các hợp tác xã ngưng hoạt động chậm được giải thể.

- Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng được quan tâm, chỉ đạo ngay từ đầu năm nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ bồi thường giải phóng mặt bằng còn thấp so với kế hoạch đề ra. Tình trạng vi phạm pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và trật tự đô thị chưa được xử lý dứt điểm.

- Tình trạng ô nhiễm môi trường mặc dù được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn còn xảy ra ở một số điểm, nhất là khu vực đông dân cư, khu-cụm công nghiệp gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của nhân dân.

- Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại một số nơi, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đáp ứng yêu cầu (chưa có thuốc để khám, chữa các loại bệnh thông thường cho người dân); xuất hiện tình trạng thiếu Vắc - xin để tiêm chủng cho trẻ em. Một số dịch bệnh gia tăng so với cùng kỳ; tình trạng thiếu Bác sĩ chuyên khoa tại y tế tuyến cơ sở đã làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

- Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn diễn ra ở một vài địa phương; cơ sở vật chất trường, lớp tại địa bàn có nhiều Khu - Cụm Công nghiệp chưa đảm bảo, gây khó khăn cho công tác quản lý của trường và giảng dạy của giáo viên; hoạt động giáo dục thường xuyên vẫn còn bất cập; công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học trình độ trung cấp, cao đẳng vẫn còn khó khăn.

- Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn chậm; triển khai Đề án đưa người lao động đi làm việc nước ngoài có tăng nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu; Một số chỉ tiêu về nhà ở xã hội, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện, tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn thấp.

- Tình trạng nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động và số người mất việc lãnh bảo hiểm thất nghiệp, BHXH một lần ngày càng tăng. Tình trạng chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

- Công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn. Việc phát triển du lịch có nâng lên nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

- Tội phạm ma túy được tập trung triệt xóa, tuy nhiên tội phạm ma túy diễn biến phức tạp đã phát hiện tăng 22,8%[3], cho thấy tội phạm về ma túy còn diễn biến phức tạp, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp (ma túy đá) diễn ra ở nhiều địa phương. Tuyến biên giới Long An - Campuchia vẫn là tuyến trọng điểm, các đối tượng lợi dụng để đưa ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam phát hiện được nhiều vụ vận chuyển với số lượng lớn.

- Tội phạm xâm hại tình dục về trẻ em chưa được kiềm chế[4], đáng chú ý là các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường có mối quan hệ quen biết, thậm chí có quan hệ họ hàng, thân thích với bị hại, do sự thiếu hiểu biết về pháp luật; một số vụ việc do bị hại ít được sự quan tâm, giáo dục giới tính từ các gia đình.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ