Nghị quyết 44/2017/NQ-HĐND về quy định mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ vốn thực hiện nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Số hiệu | 44/2017/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 19/10/2017 |
Ngày có hiệu lực | 30/10/2017 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Trà Vinh |
Người ký | Trần Trí Dũng |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2017/NQ-HĐND |
Trà Vinh, ngày 19 tháng 10 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ VỐN THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Xét Tờ trình số 3765/TTr-UBND ngày 12/10/2017 của UBND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ vốn thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nghị quyết này quy định mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ vốn thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu
- Giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
- Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế và cơ sở vật chất văn hóa; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
- Phấn đấu đến năm 2020 có 51% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Tiểu Cần đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,6 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 14 tiêu chí.
- Giai đoạn 2018 - 2020: có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số toàn tỉnh đến cuối năm 2020 có 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 51%; các xã còn lại phải đạt từ 14 tiêu chí trở lên trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (trong năm, mỗi xã đạt thêm ít nhất 01 tiêu chí) và giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn và trong số các xã đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi huyện, thị xã phải có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
2. Nhiệm vụ
- Huy động các nguồn lực, từng bước hoàn thành kết cấu hạ tầng - xã hội vùng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển mạng lưới trường học, trạm y tế, hệ thống bưu chính viễn thông,... phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và bộ mặt nông thôn. Ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục, tiêu chí gần đạt được tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và cho các xã có khả năng sớm đạt xã nông thôn mới. Công khai nguồn kinh phí đầu tư các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn để người dân thảo luận, tích cực tham gia đóng góp, tạo điều kiện, phát huy tính chủ động, tự chủ của Nhân dân.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các trạm y tế; làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân; rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường học tại các địa phương, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo Đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp học.
- Nâng cấp, cải tạo lưới điện trung áp trên địa bàn tỉnh, xây dựng các mô hình quản lý điện nông thôn, giảm thất thoát điện năng.
- Xây dựng và nạo vét các tuyến kênh để cấp nước phục vụ sản xuất, ưu tiên hoàn thành việc kiên cố hoá kênh mương, các công trình thủy lợi trọng điểm ở những vùng khó khăn về nguồn nước.
- Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bao gồm: huy động vốn từ ngân sách: thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; vốn đầu tư của doanh nghiệp; huy động đóng góp của dân; các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngoài nước cho các dự án đầu tư; nguồn vốn tín dụng; huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác.
3. Phương án phân bổ vốn
3.1. Vốn đầu tư phát triển
a) Ngân sách Trung ương
- Xác định dựa trên số xã của các địa phương đến cuối năm 2016 với hệ số ưu tiên phân bổ như sau:
+ Các xã đặc biệt khó khăn:
Các xã dưới 5 tiêu chí: Hệ số 5,0.
Các xã còn lại: Hệ số 4,0.
+ Các xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên: Hệ số 1,3.