Nghị quyết 40/2012/NQ-HĐND thông qua Chương trình và Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông năm 2013

Số hiệu 40/2012/NQ-HĐND
Ngày ban hành 20/12/2012
Ngày có hiệu lực 30/12/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Điểu K'ré
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2012/NQ-HĐND

Đắk Nông, ngày 20 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH VÀ QUỸ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2013

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA II, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm;

Căn cứ Thông tư số 73/2008/TT-BTC ngày 01 tháng 8 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm;

Sau khi xem xét Tờ trình số 4600/TTr-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc đề nghị thông qua Chương trình và Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông năm 2013; Báo cáo thẩm tra số 85/BC- HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2012 của Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Chương trình và Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông năm 2013 (có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông được bố trí 03 tỷ đồng từ nguồn dự toán ngân sách địa phương trong năm 2013.

Điều 3. Giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo HĐND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện.

Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa II, kỳ họp thứ 5 thông qua./..

 

 

CHỦ TỊCH




Điểu K’ré

 

CHƯƠNG TRÌNH VÀ QUỸ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2013
 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 40/2012/NQ-HĐND ngày 20/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông

Phần I

CHƯƠNG TRÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH ĐẮK NÔNG

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

1. Đặc điểm tình hình

Tỉnh Đắk Nông nằm ở Tây Nam vùng Tây Nguyên, có Quốc lộ 14 nối Đắk Nông với Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực kinh tế có động lực phát triển phía Nam, có Quốc lộ 28 nối Đắk Nông với Lâm Đồng và Bình Thuận, đồng thời nằm trong tam giác phát triển của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có cửa khẩu Bu Prăng và cửa khẩu Đắk Per là cửa ngõ giao thông, buôn bán với các nước láng giềng. Với thế mạnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát huy các thế mạnh nông nghiệp gồm các sản phẩm chủ lực như: Cà phê, tiêu, cao su, điều và chế biến các mặt hàng nông sản khác…, công nghiệp khai khoáng có quặng bauxit.

Dân số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông khoảng 526.000 người, phân bố trên 7 huyện, 01 thị xã. Bao gồm 39 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 60.490 người, chiếm 11,5% dân số toàn tỉnh; các dân tộc thiểu số nói chung 173.580 người, chiếm 33% dân số toàn tỉnh. Lao động trong độ tuổi 318.200 người, chiếm 60,49% dân số; lao động tham gia trong nền kinh tế 274.000 người, chiếm 52,09% dân số, chia theo nhóm ngành như sau: Công nghiệp – Xây dựng 26.900 người, chiếm 9,82%; Nông, lâm, ngư nghiệp 186.300 người, chiếm 67,99%; Thương mại – Dịch vụ 60.800 người, chiếm 22,19%. Trong đó lao động ở khu vực thành thị 42.700 người, chiếm 15,58%; lao động ở khu vực nông thôn 231.300 người, chiếm 84,42%.

Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn tăng từ 85,5% năm 2011 và ước thực hiện cuối năm 2012 lên 85,75%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 1,25% vào cuối năm 2012.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng chậm khoảng 32%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề 24%, còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

[...]