Nghị quyết 38/2006/NQ-HĐND phê chuẩn nội dung thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) do Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XIV, kỳ họp thứ 10 ban hành

Số hiệu 38/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2006
Ngày có hiệu lực 18/12/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Hà Ngọc Chiến
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 38/2006/NQ-HĐND

Cao Bằng, ngày 08 tháng12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN NỘI DUNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN CỦA TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 (CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II);
Căn cứ Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 676/2006/TTLT-UBDT-BKHĐT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 8 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;
Xét Tờ trình số 1951/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Phê duyệt nội dung thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khoá XIV, kỳ họp thứ 10 nhất trí phê chuẩn nội dung thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II), có nội dung chi tiết kèm theo.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khoá XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hà Ngọc Chiến

 

NỘI DUNG

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN CỦA TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 (CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II)
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 38/2006/NQ-HĐND ngày 08 tháng12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng)

I- MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2010

1. Về phát triển sản xuất: Nâng cao trình độ sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất theo mô hình và gắn với thị trường. Phấn đấu lương thực bình quân đầu người đạt trên 400 kg/người/năm, trên 80% số hộ đạt được mức thu nhập bình quân đầu người trên 3,5 triệu đồng/năm vào năm 2010.

2. Về phát triển cơ sở hạ tầng: Phấn đấu 100% số xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa trong năm; trên 80% xã ĐBKK có đường giao thông nông thôn cho xe cơ giới (từ xe máy trở lên) từ trung tâm xã đến tất cả thôn, bản; trên 80% xã có công trình thuỷ lợi đủ năng lực tưới tiêu phục vụ sản xuất; 100% xã có đủ trường, lớp học kiên cố, có lớp bán trú ở nơi cần thiết; 100% xã có điện sinh hoạt; 80% số thôn, bản có điện sinh hoạt ở cụm dân cư; 100% xã có trạm y tế kiên cố đúng tiêu chuẩn; 100% xã được làm chủ đầu tư.

3. Về nâng cao đời sống văn hoá, xã hội cho nhân dân: Phấn đấu cơ bản các xã thoát khỏi tình trạng ĐBKK; giảm hộ nghèo xuống còn dưới 40%; xoá xong nhà tạm, dột nát; có ít nhất 80% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và điện sinh hoạt; tăng tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh lên trên 50%; giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu đất sản xuất, cơ bản hoàn thành công tác định canh định cư; 95 % số hộ được nghe Đài tiếng nói Việt Nam, trên 80% tỷ lệ dân số được xem truyền hình; 100% các xã ĐBKK đều có điểm bưu điện văn hoá; trên 60% tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; trên 95% số học sinh tiểu học, 75% học sinh Trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường; 50% người dân tộc thiểu số từ 16 - 25 tuổi được tham gia khoá đào tạo, dạy nghề ngắn hạn; 100% người nghèo được hỗ trợ dịch vụ công miễn phí khi có nhu cầu.

4. Về nâng cao năng lực: 100% cán bộ chủ chốt cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng đủ năng lực quản lý Chương trình 135 và 70% cộng đồng được bồi dưỡng nâng cao năng lực tham gia quản lý, giám sát Chương trình.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm tâm của Chương trình 135 giai đoạn II. Do đó, cần tập trung chỉ đạo:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện một số chương trình sản xuất tại chỗ, bao gồm: chương trình khuyến nông, khuyến lâm để nâng cao kỹ năng sản xuất; chương trình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao; chương trình phát triển trồng và chăm sóc bảo vệ rừng gắn với thị trường; hỗ trợ giống cây, giống con có giá trị cao; khai hoang tăng diện tích đất sản xuất; trợ giá, trợ cước các giống cây con, phân bón, thu mua sản phẩm; phát triển cơ sở chế biến và bảo quản sau thu hoạch theo quy mô nhóm hộ; nhằm thay đổi nhanh tập quán sản xuất lạc hậu, xây dựng tập quán sản xuất tiến bộ, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

- Xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế điển hình: kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, Hợp tác xã… là giải pháp quan trọng hàng đầu của kế hoạch giai đoạn 2006 - 2010.

- Xây dựng các liên kết năm nhà: nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học - Nhà nước - nhà tín dụng;

- Đào tạo, bồi dưỡng lao động: một số nơi nhân dân thiếu đất sản xuất, biện pháp tích cực là giải quyết tạo việc làm để người dân có cơ hội tham gia lao động. Những nơi có đủ đất sản xuất thì bồi dưỡng kỹ năng lao động nông nghiệp.

2. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

Xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu gắn với quy hoạch sản xuất và bố trí dân cư; những nơi quá khó khăn sẽ tiến hành quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển sản xuất. Ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng công trình phục vụ sản xuất, không quá tập trung công trình vốn đầu tư lớn. Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tăng cường vai trò cấp xã, vai trò của người dân; xác định lộ trình phân cấp xã làm chủ đầu tư, đảm bảo đến 2010 có 100% xã làm chủ đầu tư; những công trình kỹ thuật đơn giản: đường dân sinh từ thôn bản đến xã và liên thôn bản, nhà sinh hoạt cộng đồng, kênh mương cấp 1, cấp 2, nhà mẫu giáo…thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tỉnh hỗ trợ mức vốn nhất định để cộng đồng tự làm.

[...]