Nghị quyết 32/2006/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2006-2010 tỉnh Kiên Giang
Số hiệu | 32/2006/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 14/07/2006 |
Ngày có hiệu lực | 24/07/2006 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kiên Giang |
Người ký | Trương Quốc Tuấn |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2006/NQ-HĐND |
Rạch Giá, ngày 14 tháng 7 năm 2006 |
VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI 5 NĂM 2006 - 2010 TỈNH KIÊN GIANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI MỘT
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Trên cơ sở xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo của các cơ quan hữu quan, báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành đánh giá kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2001-2005 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 với các chỉ tiêu chủ yếu, các giải pháp được nêu trong kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và các báo cáo của các cơ quan hữu quan, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện như sau:
1. Mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội:
“Phấn đấu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, phát triển kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội và đảm bảo bền vững về môi trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung đầu tư có trọng điểm, những ngành và lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như nông- lâm-thủy sản, công nghiệp chế biến và du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đầu tư theo chiều sâu để tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa làm chuyển biến một bước quan trọng về sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng với tăng trưởng kinh tế tiếp tục phát triển văn hóa -xã hội, đổi mới sự nghiệp giáo dục-đào tạo, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đạo lý của dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập”.
Theo mục tiêu chung nói trên, giai đoạn 2006-2010 phấn đấu thực hiện được các chỉ tiêu chủ yếu như sau:
Tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt từ 13% trở lên. GDP bình quân đầu người đến năm 2006 đạt 660-700 USD và năm 2010 đạt 1000-1.100 USD (theo giá 1994).
GDP ngành nông-lâm-thủy sản tăng bình quân hàng năm 8-9%; công nghiệp-xây dựng 17-18%, dịch vụ 15-16%.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, đến năm 2006 tỷ trọng khu vực I; II; III là 44%; 28%; 28%. Năm 2010 là 35%; 35%; 30%.
Sản lượng lúa ổn định 3 triệu tấn trở lên từ năm 2006 đến năm 2010. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2006 đạt 371.600 tấn, năm 2010 là 465.850 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 265 triệu USD năm 2006 và 500 triệu USD năm 2010. Tổng mức hàng hóa bán ra tăng bình quân 13-14%/năm.
Phấn đấu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển đạt 46% GDP, tỷ lệ huy động ngân sách so với GDP đạt 6-7% GDP. Hàng năm giải quyết việc làm cho 24.000-25.000 lao động. Tăng dân số trung bình 1,2%/năm, quy mô dân số vào năm 2010 dưới 1,8 triệu người. Huy động học sinh từ 6-14 tuổi đến trường đạt 95% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 6% (theo tiêu chí mới). 80% đường liên xã, trục xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa, 90% dân số được sử dụng nước sạch, 95% số hộ được sử dụng điện.
a) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự đột phá về kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững:
Đầu tư phát triển nông-lâm-thủy sản theo chiều sâu, chuyển đổi giống cây con có chất lượng cao, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tăng giá trị và áp dụng đồng bộ khoa học, công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh nông sản hàng hóa.
Ổn định diện tích đất trồng lúa khoảng 200.000 ha, chuyển 50.000 ha đất lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản. Hình thành vùng lúa xuất khẩu chất lượng cao 100.000 ha tại các huyện Hòn Đất, Rạch Giá, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao. Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu mía 5.000-6.000 ha, vùng nguyên liệu khóm 10.000-11.000 ha, vùng cây ăn trái. Ổn định diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng vùng tiêu Phú Quốc. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nhanh đàn heo. Mở rộng mô hình chăn nuôi công nghiệp đảm bảo phòng trừ dịch bệnh và hiệu quả sản xuất cao hơn.
Thực hiện tốt chương trình phát triển giống cây trồng, vật nuôi với năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường. Mở rộng tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học-công nghệ với nhiều hình thức thích hợp. Phát triển mô hình kinh tế hộ, đồng thời khuyến khích phát triển kinh tế trang trại đi đôi với củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của người sản xuất, chú trọng công tác đào tạo, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật từ tỉnh đến cơ sở. Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, làm tốt công tác dự báo thị trường cho nông dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi đa mục tiêu và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiệu quả hơn.
Điều chỉnh quy hoạch tổng quan lâm nghiệp, làm tốt công tác trồng, bảo vệ rừng, đảm bảo tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt 20% so với diện tích tự nhiên. Thực hiện tốt bảo tồn Vườn Quốc gia Phú Quốc và U Minh Thượng khi đưa vào khai thác du lịch.
Đầu tư phát triển nâng tỷ trọng ngành thủy sản chiếm 40% GDP của khu vực nông-lâm-thủy sản năm 2010. Thực hiện có hiệu quả chương trình đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, năng lực khai thác thủy sản đạt 1.292.000 CV, bình quân 170 CV trên 1 phương tiện, đầu tư hoàn chỉnh các cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa, công nghệ hóa nghề nuôi, đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến xuất khẩu và phục vụ phát triển du lịch. Diện tích nuôi tôm 128.000 ha trong đó nuôi tôm công nghiệp 12.000 ha, tăng quy mô và hiệu quả nuôi cá đồng, nuôi cá lồng bè, nghêu, sò, hến biển ở vùng Bãi Triều.
Để đạt được mục tiêu như trên, cần tập trung huy động mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thủy lợi cho các vùng nuôi trồng thủy sản, xây dựng các cơ sở sản xuất tôm, cá giống tại Kiên Lương, Phú Quốc, vùng bán đảo Cà Mau; các cơ sở kiểm dịch bệnh tại Phú Quốc, Kiên Lương, bán đảo Cà Mau, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến ngư đáp ứng tốt yêu cầu nghiên cứu, chuyển giao, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật nuôi thủy sản, tổ chức sản xuất và kiểm tra con giống, làm dịch vụ thức ăn cho nuôi trồng thủy sản.
Đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông - thủy sản. Đa dạng hóa các sản phẩm, nâng lên chất lượng và giá trị sản phẩm chế biến truyền thống, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh. Tiếp tục đổi mới công nghệ các nhà máy sản xuất xi măng hiện có, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo môi trường. Đầu tư xây dựng nhà máy nung Clinker 450.000 tấn/năm, dây chuyền xi măng 1.260.000 tấn/năm của Công ty Xi măng Hà Tiên II và Công ty Xi măng Holcim xây dựng thêm 01 dây chuyền Clinker 1.400.000 tấn/năm. Đến năm 2010 công suất xi măng trên địa bàn tỉnh 4,150 triệu tấn/năm; Clinker là 5,784 triệu tấn/năm với sản lượng xi măng là 5,850 triệu tấn/năm; nâng cao công suất các cơ sở khai thác đá để đạt 1 triệu m3 vào năm 2010.
Cùng với đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, tập trung đầu tư đổi mới công nghệ các nhà máy chế biến nông - hải sản hiện có đi đôi với áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản với công nghệ hiện đại ở Tắc Cậu và một số khu công nghiệp để đến năm 2010 đạt công suất chế biến 67.900 tấn/năm, đầu tư xây dựng và đổi mới thiết bị, công nghệ các cơ sở chế biến gạo để đạt công suất 2,250 triệu tấn vào năm 2010, đầu tư xây dựng dây chuyền khóm đông lạnh 10.000 tấn/năm và nâng công suất dây chuyền khóm hộp lên 10.000 tấn/năm. Mở rộng nhà máy bột cá, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn cho tôm và phục vụ chăn nuôi. Khuyến khích và tạo điều kiện các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu thuyền, máy nông nghiệp, gia dụng, phục vụ sản xuất và đời sống. Đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp ở Châu Thành, Gò Quao…, tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo môi trường. Đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông - thủy sản của tỉnh đến 2010.
Tập trung đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Trong 5 năm tới và những năm tiếp theo, tập trung đầu tư Phú Quốc thành khu du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước và khu vực, đồng thời phát triển đồng bộ các vùng du lịch trọng điểm: Kiên Lương, Hà Tiên, Rạch Giá, chú trọng phát triển các vùng phụ cận liên hoàn như Hòn Đất, Hòn Tre, U Minh Thượng. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đa dạng hóa các loại hình du lịch, mở rộng liên doanh liên kết, hình thành các tour du lịch liên hoàn trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch. Tăng cường giới thiệu tiềm năng và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, phấn đấu đến năm 2010 hoàn thành các dự án xây dựng điểm, khu du lịch trọng điểm của tỉnh, như khu du lịch lâm viên Hòn Đất, du lịch sinh thái chất lượng cao Phú Quốc, du lịch sinh thái U Minh Thượng, Hà Tiên. Phấn đấu đến năm 2010 mỗi năm lượng khách du lịch đến địa bàn tăng từ 18 đến 20%, thời gian lưu trú bình quân của khách trên 2 ngày. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách. Phát triển các loại hình dịch vụ về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính-viễn thông, khoa học - kỹ thuật... hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí và mức sống dân cư, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện các mục tiêu phát triển, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh.