Nghị quyết số 289-CP về chương trình hành động của Hội đồng Chính phủ nhằm triển khai việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 289-CP
Ngày ban hành 29/10/1977
Ngày có hiệu lực 13/11/1977
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

 HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
*********

Số : 289-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 10  năm 1977

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ NHẰM TRIỂN KHAI VIỆC TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ HAI CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG.

Hội đồng Chính phủ trong phiên họp cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm 1977 đã thảo luận và quyết định những việc chính phải làm nhằm quán triệt của Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng vào việc xây dựng kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980) và kế hoạch Nhà nước năm 1978, cũng như trong việc chỉ đạo thực hiện các kế hoạch đó. Đây là những việc mở đầu cho cả quá trình thực hiện nghị quyết của trung ương, giải quyết những vấn đề cấp bách nhằm tạo ra những điều kiện cơ bản để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lương thực, đồng thời tạo ra thế chủ động cho các năm sau, góp phần xây dựng nề nếp quản lý tốt. Những việc đó phải được chỉ đạo với tinh thần tập trung và khẩn trương nhất ngay từ IV năm 1977 và 6 tháng đầu năm 1978. Cuối quý II năm 1978, trên cơ sở kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết này, Hội đồng Chính phủ sẽ quyết định chương trình hành động tiếp theo, đi sâu hơn vào những nhiệm vụ lớn mà nghị quyết này mới đề cập một phần, như quản lý kinh tế nông nghiệp, quản lý khoa học và kỹ thuật nông nghiệp, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, con người mới, v.v… Riêng về hải sản, Thường vụ Hội đồng Chính phủ sẽ có kế hoạch làm việc chuyên đề.

Để tập trung cao độ lực lượng cả nước thực hiện bằng được các mục tiêu phát triển nông nghiệp mà nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng và nghị quyết của Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng đã đề ra, Hội đồng Chính phủ đòi hỏi các ngành, các cấp có sự chuyển biến cách mạng trên mọi lĩnh vực công tác của mình nhằm chỉ đạo và phục vụ tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp. Các ngành, các cấp phải quán triệt mấy quan điểm lớn sau đây :

a) Tư tưởng chiến lược của kế hoạch 5 năm mà Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra là phải tận dụng và phát huy đến mức cao nhất tiềm lực sẵn có của đất nước ta, trước hết là tiềm lực rất to lớn về lao động và đất đai. Để làm việc đó, phải có quy hoạch và kế hoạch phân bố lại lực lượng sản xuất, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn cả nước theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; đồng thời, phải gắn liền phát triển lực lượng sản xuất với cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam (cả về nông nghiệp, công thương nghiệp tư doanh) và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Tư tưởng chiến lược đó phải được quán triệt trong mọi lĩnh vực, trước hết là trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, vì ở đây tiềm lực về lao động và đất đai là vốn to lớn nhất, quý nhất, nhưng hiện nay phân bố không hợp lý. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ tạo ra những điều kiện cơ bản để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác.

Đây chính là con đường để đồng thời tiến hành ba cuộc cách mạng, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, kết hợp kinh tế và quốc phòng, xây dựng đất nước giàu mạnh.

b) Theo phương châm đã được xác định qua Đại hội lần thứ IV của Đảng: Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Hội đồng Chính phủ cũng như các ngành, các cấp phải thấy rõ trách nhiệm rất lớn của mình trong việc quản lý nền nông nghiệp và đưa nền nông nghiệp phát triển theo đường lối của Đảng. Từ nhận thức đó, trong phiên họp này, Hội đồng Chính phủ bàn kỹ vấn đề tổ chức thực hiện nghị quyết 2, chính là để thực hiện trách nhiệm to lớn của mình. Trong những phiên họp sau, Hội đồng Chính phủ sẽ bàn tiếp những vấn đề cụ thể để từng bước triển khai khẩn trương và vững chắc việc thực hiện nghị quyết 2 của Ban chấp hành trung ương Đảng (khi bàn về kế hoạch Nhà nước, Hội đồng Chính phủ cũng cần bàn kỹ và sâu thêm về nông nghiệp, bởi lẽ nông nghiệp là trung tâm của kế hoạch Nhà nước trong thời gian trước mắt của nước ta).

c) Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng và nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng đề ra những mục tiêu rất to lớn của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Việc tổ chức thực hiện những nghị quyết ấy trong tình hình chúng ta đang có những khó khăn trong nền kinh tế hiện nay, nhất là khó khăn về lương thực, vật tư, nguyên vật liệu, nhiên liệu; trong điều kiện thời gian (thời vụ nông nghiệp) còn lại không nhiều; trong khi bộ máy quản lý Nhà nước đang sắp xếp lại, tổ chức ở địa phương - nhất là cấp huyện – còn yếu (nhất là ở các địa phương ở miền Nam nước ta)… đòi hỏi sự nổ lực vượt bậc của các ngành, các cấp cho đến cơ sở, đòi hỏi chúng ta phải hết sức đề cao tinh thần tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, sử dụng có hiệu quả nhất tiềm lực hiện có về sức lao động, thiết bị, phương tiện, vật tư.

Hội đồng Chính phủ phải chỉ đạo rất tập trung và kiên quyết, huy động toàn bộ lực lượng có thể huy động được, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả nền kinh tế quốc dân, của bộ máy Nhà nước đi đôi với phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tạo nên những bước tiến vượt bậc trong nông nghiệp, quyết đạt và vượt các mục tiêu do Đại hội Đảng đã đề ra, Hội đồng Chính phủ yêu cầu các thành viên của Hội đồng Chính phủ, các thủ trưởng các ngành trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp làm tốt những công việc rất quan trọng sau đây :

I. PHÂN VÙNG, QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH

1. Công tác phân vùng và quy hoạch của ta lúc này nhằm thực hiện một bước cơ bản việc xây dựng phương án phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến (bước đầu có tính toán cân đối với các ngành công nghiệp lớn, với nhu cầu của các trung tâm công nghiệp...) và phát thảo sự phân bố các ngành công nghiệp lớn.

Quy hoạch các ngành và công tác phân vùng, quy hoạch các vùng gắn với nhau một cách hữu cơ: quy hoạch của mỗi ngành cần được thể hiện trên các vùng, các tiểu vùng cả nước, và phần quy hoạch của mỗi vùng là một bộ phận hợp thành của quy hoạch toàn ngành. Đây là công tác to lớn, phức tạp đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của tất cả các ngành kinh tế và văn hóa, nội chính và xã hội, đòi hỏi sự tham gia thiết thực và với tinh thần trách nhiệm rất cao của các cấp chính quyền địa phương nhằm xây dựng cho được phương án phân vùng trên phạm vi cả nước trong từng tỉnh.

Trước mắt, để phục vụ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, các tỉnh, thành phố phải khẩn trương làm ngay một bước việc quy hoạch huyện. Phải căn cứ trên phương án phân vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản và những dự kiến về phân bố các ngành công nghiệp lớn trong những năm trước mắt ở huyện, mà bố trí trên địa bàn huyện những cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống trạm, trại của nông nghiệp, lâm nghiệp và các ngành phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp (chủ yếu là thủy lợi, giao thông vận tải, cơ khí, điện xây dựng v.v… ) đồng thời quy hoạch những khu dân cư gắn với các cơ sở sản xuất sẽ xây dựng trên địa bàn huyện.

Để tiến hành một cách cụ thể việc phân vùng và quy hoạch, cần tập trung cán bộ của các ngành kinh tế, nhất là cán bộ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, xây dựng, giao thông vận tải, cơ khí v.v… giúp các tỉnh, các huyện thiết kế các nông trường, lâm trường, các vùng kinh tế mới.

Muốn làm phân vùng được tốt, phải quán triệt đường lối của Đảng, xử lý tổng hợp các tài liệu điều tra cơ bản và các kết luận về khoa học - kỹ thuật, hiểu biết thực tiễn của sản xuất và yêu cầu trước mắt và lâu dài của nền kinh tế quốc dân. Hiện nay, tài liệu điều tra cơ bản của ta có những mặt còn bị hạn chế mà ta phải tiếp tục bổ sung. Trên cơ sở tài liệu điều tra cơ bản được bổ sung, chúng ta sẽ điều chỉnh từng bước việc phân vùng ngày càng hợp lý. Điều đặc biệt quan trọng là phải tính toán và chỉ ra các bước cụ thể, thiết thực để vừa thực hiện được phương án phân vùng, vừa đáp ứng ngay các nhu cầu bức thiết của nền kinh tế quốc dân, trước hết là lương thực và các loại nông sản xuất khẩu, phù hợp với các điều kiện lao động, vốn, thiết bị, vật tư hiện có và sẽ có trong từng thời kỳ kế hoạch 5 năm. Khi đã vạch được bước đi cho từng vùng, phải thể hiện các bước đi đó bằng các chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch 5 năm về kế hoạch hàng năm, phải ban hành các chính sách và đề ra các biện pháp nhằm bảo đảm việc xây dựng các vùng đó thành hiện thực.

Để xúc tiến công tác phân vùng và quy hoạch theo tinh thần nói trên. Hội đồng Chính phủ quyết định:

a) Bắt đầu từ tháng 10 năm 1977, Hội đồng Chính phủ xét duyệt và ban hành phương án phân vùng chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, hải sản của cả nước và của từng tỉnh (có tính đến phục vụ và cân đối với các ngành công nghiệp, các khu công nghiệp, v.v… ) công tác này phải hoàn thành trong năm 1977. Trong thời gian đó sẽ đồng thời tiến hành việc lập quy hoạch các huyện trọng điểm.

b) Trên cơ sở phân vùng chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, hải sản của cả nước và của từng tỉnh, Ủy ban phân vùng kinh tế của Hội đồng Chính phủ phối hợp với các ngành chỉ đạo các tỉnh, thành phố và các huyện khẩn trương và có trọng điểm làm quy hoạch huyện, chủ yếu là quy hoạch nông-lâm nghiệp hoặc ngư nghiệp (có tính đến công nghiệp và các ngành khác, đồng thời tính đến việc xây dựng nông thôn mới, đến sự phát triển văn hóa giáo dục, xã hội của huyện).

Ở các tỉnh miền Bắc, phải làm xong một bước cơ bản quy hoạch của tất cả huyện vào giữa năm 1978.

Ở các tỉnh miền Nam, phải làm xong một bước cơ bản quy hoạch của các huyện thuộc vùng đất thuộc ở đồng bằng và các huyện trọng điểm thuộc vùng kinh tế mới vào giữa năm 1978; hoàn thành quy hoạch của tất cả các huyện ở miền Nam trong năm 1978.

Trong khi quy hoạch huyện chưa được duyệt, các tỉnh và các huyện có thể căn cứ vào phương án phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến của cả nước và của từng tỉnh đã được Chính phủ xét duyệt mà bố trí lực lượng sản xuất.

c) Ủy ban phân vùng kinh tế của Hội đồng Chính phủ chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch các vùng kinh tế; trên cơ sở đó xây dựng phương án phân vùng kinh tế của cả nước trình Hội đồng Chính phủ xét vào cuối năm 1979.

d) Căn cứ vào kiến nghị của Ban chỉ đạo phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp trung ương, trong quý IV năm 1977 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải vạch ra kế hoạch và bước đi của các vùng nông nghiệp trọng điểm và trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét duyệt. Các kế hoạch và bước đi này phải nhằm giải quyết các yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, nông sản xuất khẩu, nguyên liệu cho công nghiệp.

2. Cải tiến công tác kế hoạch theo tinh thần mới.

Toàn bộ nội dung nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng phải được thể hiện cụ thể và đồng bộ trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm 1976-1980 và kế hoạch năm 1978 của Nhà nước cũng như của từng ngành, từng địa phương.

Để xây dựng tốt kế hoạch 5 năm 1976-1980 và kế hoạch năm 1978, Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp quán triệt phương châm tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo, sớm khai thác và sử dụng tốt mọi khả năng tiềm tàng của đất nước, trước hết là tiềm lực về lao động và đất đai, rừng, biển, sử dụng cao nhất công suất các xí nghiệp, các phương tiện, thiết bị sử dụng tốt nhất và tiết kiệm nhấ nguồn vốn và vật tư hiện có. Cần khắc phục các khuynh hướng chờ đợi, ỷ lại vào máy móc hoặc vào giúp đỡ của nước ngoài, kiên quyết sửa đổi cách suy nghĩ và phương pháp lập kế hoạch của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở. Phải thực hiện một bước chuyển hướng mới trong công tác kế hoạch hóa thích ứng với nhiệm vụ mới và hoàn cảnh của nước ta. Phải tập trung những phương tiện có thể để sử dụng tốt nhất sức lao động dồi dào và tài nguyên phong phú chưa được khai thác nhằm tạo ra giá trị sử dụng mới, tạo ra sản phẩm nhiều để thỏa mãn nhu cầu của đời sống nhân dân. Đó là hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, phải nhằm hiệu quả kinh tế của toàn xã hội; hiệu quả kinh tế của từng đơn vị là rất quan trọng, nhưng không thể cục bộ chỉ tính đến hiệu quả kinh tế nhỏ hẹp của từng ngành, từng vùng, từng xí nghiệp.

Hội đồng Chính phủ đòi hỏi các ngành và các cấp đặt vấn đề cân đối sử dụng sức lao động và đất đai vào vị trí trung tâm trong toàn bộ hệ thống cân đối của kế hoạch. Mọi phương án phát triển và mọi mặt cân đối của kế hoạch  Nhà nước của các ngành và của địa phương đều phải xoay quanh trung tâm cân đối này, đều phải nhằm giải quyết cân đối sử dụng sức lao động và đất đai, rừng, biển trong phạm vi cả nước.

[...]