Nghị quyết 28/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 28/NQ-HĐND
Ngày ban hành 18/07/2024
Ngày có hiệu lực 18/07/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/NQ-HĐND

An Giang, ngày 18 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 20

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất nội dung báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhu cầu đi lại, hoạt động văn hóa, xã hội nhộn nhịp, sôi động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội được tổ chức, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 6,60% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (6,50%). Giá trị sản xuất (theo giá so sánh) ngành Công nghiệp đạt 21.620 tỷ đồng, tăng 10,82% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 đạt 643 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ; doanh thu hàng hóa, dịch vụ tăng 14,32% so với cùng kỳ; nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt cao hơn so với cùng kỳ; các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh được đảm bảo.

2. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024

Nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

a) Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

b) Tập trung chuẩn bị công tác xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

c) Tập trung xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm tiền đề để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian tới.

d) Chủ động triển khai các giải pháp tổ chức sản xuất thắng lợi vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2024; các biện pháp phòng, chống thiên tai, giông lốc...; theo dõi sát tình hình sụt lún, sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Tập trung các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra thị trường thế giới.

đ) Tiếp tục thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Khẩn trương thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn các dự án được bố trí vốn từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

e) Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, đảm bảo theo dự toán; nghiên cứu mở rộng, phát triển nguồn thu mới. Bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ chi ngân sách. Quản lý các nguồn chi chặt chẽ, hợp lý, đúng quy định. Đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên.

g) Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Thường xuyên kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình trọng điểm và đặc biệt là Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận tỉnh An Giang và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Quá trình thực hiện phải đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.

Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện, tiến độ triển khai các dự án. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh.

h) Triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư vào 06 lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, có nhiều tiềm năng, thế mạnh đã xác định trong Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực; thực hiện các giải pháp cắt giảm và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tập trung thực hiện mọi giải pháp để cải thiện xếp hạng chỉ số môi trường cạnh tranh cấp tỉnh một cách thực chất, hiệu quả nhất. Nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội.

i) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khẩn trương lập hồ sơ, trình UNESCO công nhận Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và công nhận Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.

k) Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học. Xây dựng chương trình, kế hoạch và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng; chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có giải pháp xử lý kịp thời. Tập trung quyết liệt để nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, tạo thêm việc làm, thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động; bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

l) Đẩy mạnh công tác truyền thông trên các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh ra bên ngoài. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số song hành với đảm bảo an toàn thông tin mạng.

m) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính năng động sáng tạo của các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về hoàn thiện thể chế; tập trung triển khai có hiệu quả Đề án 06.

[...]