Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 27/2009/NQ-HĐND về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài do Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 27/2009/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2009
Ngày có hiệu lực 19/12/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Nguyễn Thị Thu Thủy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2009/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 09 tháng 12 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO VÀ THU HÚT NHÂN TÀI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 18

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định 60/2003/NĐ-CP, ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ quy định về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3090/TTr-UBND, ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc đề nghị sửa đổi, bổ sung Chính sách đào tạo và thu hút nhân tài của tỉnh; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, với các nội dung chủ yếu sau:

I. Chính sách đào tạo

1. Đối tượng

- Cán bộ, công chức, công chức dự bị, viên chức trong biên chế từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn.

- Cán bộ không chuyên trách là đối tượng quy hoạch để thay thế cho cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã.

- Dự nguồn cán bộ, công chức.

- Cán bộ, công chức ngành dọc, cán bộ, công chức thuộc cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tây Ninh.

2. Điều kiện và tiêu chuẩn

- Các đối tượng đi học phải được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, hoặc ủy quyền cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ ký quyết định. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự đi học chuyên môn lấy bằng tốt nghiệp đại học sẽ do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.

- Các đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp của tỉnh theo chính sách này, phải có cam kết hoàn thành khóa đào tạo và thực hiện đủ thời gian phục vụ theo quy định (thời gian phục vụ theo quy định gấp 03 lần so với thời gian đào tạo). Nếu tự ý nghỉ việc hoặc xin nghỉ việc, xin thuyên chuyển công tác ra ngoài tỉnh và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận thì phải bồi thường gấp 03 lần số tiền trợ cấp của tỉnh.

- Về độ tuổi cử đi đào tạo: không quá 45 tuổi đối với đào tạo trình độ từ cao học trở lên; trường hợp đặc biệt do Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Chế độ trợ cấp

a) Đào tạo về lý luận chính trị, quản lý nhà nước

- Tiền học phí theo thông báo chiêu sinh (nếu có)

- Hỗ trợ thêm theo chế độ khoán cho thời gian thực học (bao gồm tiền ăn, ở, tài liệu, tàu xe, trang phục chống rét), cụ thể như sau:

+ Học tại Hà Nội: được hỗ trợ bằng 02 lần mức lương tối thiểu /tháng/người (mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ).

+ Học tại thành phố Hồ Chí Minh: được hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu /tháng/người (mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ).

- Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể mức hỗ trợ thêm tiền đi thực tế và viết luận văn tốt nghiệp.

- Học viên học Trường Chính trị tỉnh được hỗ trợ tiền đi thực tế, viết luận văn tốt nghiệp và được hỗ trợ theo quy định tại Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW, ngày 30 tháng 3 năm 2005 của Ban Tổ chức Trung ương.

[...]