Nghị quyết số 27/1997/NQ-CP về ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hóa phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Chính phủ ban hành

Số hiệu 27/1997/NQ-CP
Ngày ban hành 28/03/1997
Ngày có hiệu lực 12/04/1997
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/1997/NQ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 1997

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TỰ ĐỘNG HOÁ PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

Công nghệ tự động hoá là tập hợp các phương pháp và kỹ thuật tiên tiến nhằm tạo ra các thiết bị, hệ thống thiết bị và quá trình sản xuất được điều khiển tự động để thay thế hoặc giảm nhẹ lao động trực tiếp của con người, đồng thời nâng cao năng suất lao động, chất lượng của sản phẩm và hiệu quả hoạt động của con người trong các loại hình công việc khác nhau.

Ngày nay, tự động hoá xâm nhập và phát triển mạnh mẽ vào tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, có vai trò to lớn thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.

Nghị quyết này khái quát tình hình ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá ở nước ta, khẳng định các quan điểm, mục tiêu và đề ra các chủ trương, biện pháp thực hiện để thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

I. TÌNH HÌNH VÀ YÊU CẦU PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TỰ ĐỘNG HOÁ Ở VIỆT NAM

1. Nền công nghiệp nước ta được hình thành và phát tiển từ một nước nông nghiệp lạc hậu lại phải trải qua nhiều năm chiến tranh nên mặc dù trong những năm qua đã được quan tâm đầu tư, đổi mới và gần đây có những sự thay đổi rõ rệt, nhưng nhìn chung vẫn còn là một nền công nghiệp chậm phát triển với công nghệ sản xuất lạc hậu, sản xuất thủ công và cơ khí nhỏ chiếm tỷ lệ lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế, mới có một số các dây chuyền sản xuất được bán tự động hoặc tự động hoá ở trình độ thấp và còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Nhằm tạo ra sự chuyển biến trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năm 1990 Chính phủ đã ra quyết định thành lập Ban điều hành Nhà nước về tự động hoá. Năm 1994 hội khoa học công nghệ tự động Việt Nam được thành lập để tập hợp và phát huy tiềm lực của đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực tự động hoá. Mấy năm nay công tác nghiên cứu triển khai phát triển công nghệ tự động hoá đã được quan tâm và đầu tư phát triển. Các chương trình nghiên cứu khoa học - công nghệ và các dự án thử nghiệm khoa học - công nghệ về tự đông hoá cấp Nhà nước giai đoạn 1986 - 1990; 1991 - 1995; 1996 - 2000 đã được triển khai thực hiện và đã thu được một số kết quả bước đầu trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng sản xuất. Nhưng nhìn chung, hiệu quả của các hoạt động này còn thấp và còn nhiều hạn chế.

3. Công tác đào tạo cán bộ về lĩnh vực tự động hoá đã có những chuyển biến, nội dung và hình thức đào tạo được hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tiến bộ kỹ thuật và yêu cầu sử dụng cán bộ, song cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo cán bộ về lĩnh vực tự động hoá vẫn còn nghèo nàn, không đồng bộ. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ sở đào tạo với các viện nghiên cứu và các cơ sở sản xuất để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chưa được quan tâm đúng mức. Lực lượng cán bộ, chuyên gia kỹ thuật tự động hoá hiện nay còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế đòi hỏi.

4. Gần đây, bên cạnh việc hình thành những khu công nghiệp, xí nghiệp liên doanh với nước ngoài có công nghệ sản xuất tự động hoá hiện đại, việc triển khai ứng dụng công nghệ mới, cải tiến, nâng cấp dây chuyền sản xuất của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp đã có bước phát triển. Tuy nhiên, công việc này mới mang tính chất cục bộ, tự phát, còn nhiều vấn đề tồn tại trong các khâu từ nhập khẩu đến làm chủ công nghệ, cần có sự quản lý và chỉ đạo thống nhất của Nhà nước.

Nhìn chung, trong nền công nghiệp nước ta đã có sự quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu triển khai ứng dụng các công nghệ sản xuất tự động hoá tiên tiến, nhưng công tác này còn chậm. Sự chậm phát triển và đổi mới ứng dụng công nghệ tự động hoá là một nguyên nhân làm cho năng suất, chất lượng sản phẩm của nhiều ngành kinh tế chậm được nâng cao, đang là một thách thức lớn đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

5. Việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong những năm tới đặt ra yêu cầu cấp bách phải tổ chức, thực hiện một chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá. Sự phát triển và đổi mới nhanh chóng công nghệ tự động hoá của các nước trong khu vực và thế giới tạo điều kiện cho chúng ta tiếp thu và áp dụng ngay các thành tựu mới của công nghệ tự động hoá hiện đại, tiên tiến. Tiềm năng vốn có của đội ngũ cán bộ kỹ thuật khi được tập hợp và sắp xếp lại, với những cơ chế, chính sách phù hợp và sự đầu tư thích đáng của Nhà nước sẽ trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy tiến trình tự động hoá các qua trình sản xuất.

Tình hình trên đây đòi hỏi nước ta phải có chiến lược riêng thông qua một chương trình quốc gia phát triển ứng dụng công nghệ tự động hoá nhằm góp phần nhanh chóng đưa nước ta vượt qua khỏi nguy cơ tụt hậu về kinh tế, vươn tới hội nhập vào cộng đồng thế giới và khu vực đang phát triển sôi động.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TỰ ĐỘNG HOÁ ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm ứng dụng và phát triển tự động hoá

a. Phát triển tự động hoá ở nước ta phải đồng thời đi theo cả hai hướng: Tiếp thu, ứng dụng những công nghệ tự động hoá tiên tiến của nước ngoài và nâng cao năng lực khoa học và công nghệ nội sinh để nghiên cứu nâng cao, sáng tạo công nghệ. Trong giai đoạn trước mắt, tiếp thu, ứng dụng công nghệ là hướng chủ yếu.

b. Kết hợp một cách hợp lý giữa việc đổi mới công nghệ (kể cả đổi mới từng phần, hiện đại hoá từng khâu, tùng bộ phận) với việc tận dụng các công nghệ hiện có nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác mọi tiềm lực vốn có phục vụ phát triển sản xuất.

c. Tranh thủ đi thẳng vào ứng dụng công nghệ tự động hoá hiện đại có chọn lọc, phù hợp đối với từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất và trong từng giai đoạn phát triển khác nhau. Chủ động trong chuyển giao công nghệ và nghiên cứu làm chủ công nghệ nhập để khai thác nâng cao hiệu quả ứng dụng, đồng thời làm cơ sở cho việc nghiên cứu sáng tạo nâng cao.

d. Triển khai ứng dụng công nghệ tự động hoá vào các lĩnh vực sản xuất, hoạt động dịch vụ kinh tế - xã hội, có phân giai đoạn thực hiện và đầu tư có trọng tâm vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp được lựa chọn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, vào các ngành then chốt phục vụ xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng.

đ. Các nội dung của công tác nghiên cứu khoa học công nghệ phải xuất phát trực tiếp từ nhu cầu thực tế sản xuất trên cơ sở thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa Nghiên cứu - Đào tạo - Sản xuất.

2. Mục tiêu ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá

a. Mục tiêu ngắn hạn đến năm 2000

- Lựa chọn, tiếp thu, giám định, làm chủ và khai thác có hiệu quả các công nghệ tự động hoá tiên tiến của nước ngoài được chuyển giao vào Việt Nam.

- Vận hành và khai thác có hiệu quả các thiết bị và dây chuyền công nghệ tự động hoá hiện có của các ngành sản xuất, đồng thời thực hiện việc cải tiến, nâng cấp hoặc đổi mới công nghệ trên cơ sở áp dụng công nghệ tự động hoá hoặc nâng cao mức độ tự động hoá.

- Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng ứng dụng các công nghệ, thiết bị tự động hoá tiên tiến trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp và các ngành then chốt như: Năng lượng, Dầu khí, Chế tạo máy, sản xuất Vật liệu xây dựng, Giao thông, Luyện kim, chế biến Nông - Lâm - Hải sản v.v...

- Tập hợp và xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia kỹ thuật chuyên ngành tự động hoá và từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu triển khai của đội ngũ này để có thể đảm đương được việc thực hiện các nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao trong những giai đoạn tiếp theo. Hình thành và đưa vào hoạt động các cơ sở thiết kế, chế tạo sử dụng công nghệ hiện đại (CAD, CAM).

- Xây dựng các định hướng chiến lược, chủ trương chính sách và quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ tự động hoá ở Việt Nam đến năm 2010 và 2020.

b. Mục tiêu dài hạn

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ