Nghị quyết 25/2022/NQ-HĐND sửa đổi Quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách tỉnh Thái Nguyên năm 2022 kèm theo Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND
Số hiệu | 25/2022/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 08/12/2022 |
Ngày có hiệu lực | 01/01/2023 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thái Nguyên |
Người ký | Phạm Hoàng Sơn |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2022/NQ-HĐND |
Thái Nguyên, ngày 08 tháng 12 năm 2022 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ MƯỜI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;
Căn cứ Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Xét Tờ trình số 185/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách tỉnh Thái Nguyên năm 2022; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
1. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 như sau:
“d) Định mức phân bổ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này không bao gồm:
d1) Tiền lương và các khoản có tính chất tiền lương;
d2) Tiền lương, tiền công lao động và chi hoạt động cho các đối tượng hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp (viết tắt là Nghị định số 68/2000/NĐ-CP) và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (viết tắt là Nghị định số 161/2018/NĐ-CP);
d3) Xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục
1. Định mức phân bổ được xác định theo tỷ lệ phần trăm % giữa tổng quỹ tiền lương, phụ cấp (bao gồm phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung), các khoản đóng góp theo lương và chi hoạt động thường xuyên của biên chế có mặt, biên chế chưa tuyển dụng (biên chế chưa tuyển dụng được phân bổ bằng mức lương viên chức bậc 1 của từng cấp học, cơ sở giáo dục phổ thông công lập có nhiều cấp học thì phân bổ theo định mức biên chế của từng cấp học) để đảm bảo các hoạt động thường xuyên, cụ thể như sau:
STT |
Lĩnh vực |
Tiêu chí phân bổ |
Định mức |
1 |
Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Trung học cơ sở (bao gồm cả các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở) |
Cơ cấu (%) chi lương và chi hoạt động thường xuyên |
81/19 |
2 |
Giáo dục trung học phổ thông, Trường phổ thông dân tộc nội trú Thái Nguyên, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên |
Cơ cấu (%) chi lương và chi hoạt động thường xuyên |
80/20 |
2. Nguyên tắc thực hiện:
a) Đối với các trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo: Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên sau khi các trường đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu học phí để thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước nhưng chưa bảo đảm chi thường xuyên. Đối với chi các hoạt động chung, Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ nhiệm vụ thực tế năm học lập dự toán gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định;
b) Đối với các trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: Định mức trên là cơ sở để xác định tổng chi thường xuyên của ngân sách cho sự nghiệp giáo dục. Căn cứ định mức trên Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện phân bổ dự toán cho các trường trực thuộc, hỗ trợ chi thường xuyên sau khi các trường đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu học phí để thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước nhưng chưa bảo đảm chi thường xuyên;
Căn cứ nhiệm vụ năm học, điều kiện thực tế, khả năng ngân sách, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện phân bổ dự toán cho các trường theo số lượng học sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt để chi cho các nội dung phục vụ học tập như: Vệ sinh, nước uống học sinh, giấy thi, phô tô đề thi khảo sát và kiểm tra định kỳ, thẻ học sinh, sổ liên lạc điện tử, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh và các nhiệm vụ chuyên môn khác theo quy định, tối đa không quá 300.000 đồng/học sinh/kỳ học. Chủ động bố trí kinh phí thực hiện các đề án, dự án đã được phê duyệt và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường;
Đối với chi các hoạt động chung, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện căn cứ nhiệm vụ thực tế năm học lập dự toán gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định;
c) Đối với lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP: Đảm bảo đủ tiền lương, tiền công lao động theo thực tế của các trường và phù hợp với vị trí việc làm đã được phê duyệt. Đối với chi hoạt động thường xuyên hỗ trợ căn cứ theo khả năng ngân sách;