Nghị quyết 24/2006/NQ-HĐND phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dạy nghề tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2006-2010 do Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVI, kỳ họp thứ 9 ban hành

Số hiệu 24/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 15/12/2006
Ngày có hiệu lực 25/12/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Hoàng Thương Lượng
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2006/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 15 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA, THỂ DỤC THỂ THAO VÀ DẠY NGHỀ TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2006-2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVI - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ- CP ngày 18 tháng 04 năm 2005 của Chính phủ về Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao và các văn bản pháp luật khác có liên quan;
Sau khi xem xét Tờ trình số 2139/TTr-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc đề nghị phê duyệt Đề án Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dạy nghề tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2006-2010; nghe báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh và tiếp thu các ý kiến tham gia của các vị đại biểu HĐND tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dạy nghề tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2006-2010, kèm theo Tờ trình số 2139/TTr-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái, với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm chỉ đạo và định hướng:

Thực hiện xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và dạy nghề là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, cá nhân và toàn xã hội. Thực hiện xã hội hóa là nhằm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ và tạo sự phát triển mạnh mẽ, bền vững trong lĩnh vực văn hóa xã hội. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; tạo nền tảng phát triển vững chắc để đưa Yên Bái thoát khỏi tình trạng nghèo, trở thành tỉnh phát triển toàn diện.

Xã hội hóa nhằm huy động mọi tiềm năng, trí tuệ và vật chất của toàn xã hội chăm lo cho hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và dạy nghề ngày càng cao của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ thành quả xã hội hóa ở mức độ ngày càng cao.

Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, dạy nghề. Chuyển các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp mang nặng tính hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ, cung ứng dịch vụ công ích, không bao cấp tràn lan và không nhằm lợi nhuận. Thực hiện đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức và quản lý; thực hiện đúng mục tiêu nhiệm vụ; hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi....; thường xuyên nâng cao hiệu quả và chất lượng dich vụ, sản phẩm; đảm bảo quyền lợi và cơ hội tiếp cận bình đẳng của người hưởng thụ. Đổi mới chế độ thu phí đi đôi với thực hiện chính sách ưu đãi, các đối tượng chính sách và trợ giúp người nghèo. Mức phí quy định theo nguyên tắc đủ trang trải các chi phí cần thiết, có tích luỹ để đầu tư phát triển và xoá bỏ mọi khoản thu khác. Người hưởng thụ có quyền lựa chọn cơ sở cung ứng dịch vụ phù hợp với từng lĩnh vực và khả năng. Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình: dân lập và tư nhân.

Các cơ sở ngoài công lập đều có thể hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận hoặc theo cơ chế lợi nhuận. Theo cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần được dùng để đảm bảo lợi ích hợp lý của các nhà đầu tư, phần để tham gia thực hiện các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, trợ giúp người nghèo, lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển. Theo cơ chế lợi nhuận thì lợi nhuận có thể được chia cho các cá nhân và phải chịu thuế. Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận.

Tiến hành chuyển đổi một số cơ sở thuộc loại hình công lập sang loại hình ngoài công lập để tập thể hoặc cá nhân quản lý và hoàn trả vốn cho Nhà nước. Khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của từng lĩnh vực. Các nhà đầu tư đảm bảo lợi ích hợp pháp về vật chất và tinh thần.

Nhà nước tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật pháp; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát các hoạt động dịch vụ. Tạo môi trường phát triển, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo luật pháp để thúc đẩy các cơ sở công lập và ngoài công lập phát triển cả về quy mô và chất lượng, xây dựng các cơ sở đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

2- Phương hướng, mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dạy nghề giai đoạn 2006- 2010:

- Về lĩnh vực Giáo dục: Chuyển phần lớn các cơ sở công lập và một phần các cơ sở giáo dục không đảm nhận nhiệm vụ phổ cập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Chuyển tất cả các cơ sở bán công và một số trường công lập ở các bậc học: mầm non, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp thuộc khu vực thành phố, thị xã và vùng kinh tế phát triển sang loại hình ngoài công lập. Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ học sinh ở các trường ngoài công lập so với tổng số học sinh đến trường đạt như sau: Nhà trẻ 60%; mẫu giáo 65%; tiểu học 0,6%; trung học cơ sở từ 1-1,5%; trung học phổ thông từ 25 đến 30%; trung học chuyên nghiệp 20%; đại học, cao đẳng 20%.

- Về lĩnh vực Y tế: Phấn đấu thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện chuyển hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị sự nghiệp y tế hoạt động công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Thí điểm chuyển sang ngoài công lập đối với Bệnh viện đa khoa thành phố Yên Bái. Phấn đấu có 70% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đưa số cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập tăng 30% so với các cơ sở đã có hiện nay. Tỷ lệ giường bệnh ngoài công lập chiếm từ 6 đến 8% so với tổng số giường bệnh. Củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của các Ban chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở cơ sở.

- Về lĩnh vực Văn hoá: Chuyển toàn bộ số cơ sở công lập hiện có thuộc ngành văn hoá sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Tiếp tục huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân xây dựng thiết chế văn hoá thôn, làng bản, khai thác có hiệu quả các công trình văn hoá đã được xây dựng phục vụ đời sống nhân dân. Thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND về phát triển văn hoá thông tin cơ sở, giai đoạn 2006 - 2010. Chuyển Trung tâm phát hành sách sang đơn vị cổ phần hoá, thành lập các đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng; chuyển bộ phận phát hành phim và Đoàn Nghệ thuật tỉnh sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.

- Về lĩnh vực Thể dục thể thao: Phấn đấu đạt 24 đến 25% dân số tập luyện thường xuyên, 14 đến 16% số hộ gia đình thể thao. Phấn đấu có từ 5 đến 10% các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập (hoặc hoạt động theo phương thức tự trang trải). Huy động vốn từ xã hội đạt 50% trở lên so với mức đầu tư cho các hoạt động thể dục thể thao (chủ yếu đối với hoạt động tổ chức thi đấu thể thao, đào tạo vận động viên và hoạt động các phong trào khác). Ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư cho các hoạt động đào tạo vận động viên năng khiếu thể thao thành tích cao, xây dựng các công trình lớn, Hội khoẻ Phù đổng toàn quốc. Các công trình thể dục thể thao khác phần lớn huy động trong nhân dân và các câu lạc bộ. Chuyển các cơ sở thể dục thể thao công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ; chuẩn bị các điều kiện để chuyển một số cơ sở công lập có điều kiện sang hoạt động ngoài công lập. 50% số môn thể thao có hiệp hội và liên đoàn cấp tỉnh.

 - Về lĩnh vực Dạy nghề: Nâng quy mô đào tạo nghề toàn tỉnh từ 5.000-6.000 người/năm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 30% trở lên, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề dài hạn đạt 15% trở lên. Tăng tỷ lệ học sinh được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề ngoài công lập lên 20%. Chuyển 100% các trung tâm dịch vụ và việc làm ra ngoài công lập. Chuyển tất cả các đơn vị dạy nghề sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

3- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

 Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự giám sát của HĐND, sự điều hành của UBND các cấp và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp trong việc thực hiện xã hội hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa, tạo sự chuyển biến về nhận thức của toàn xã hội về chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và dạy nghề.

Thực hiện đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở công lập theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Xây dựng quy chế hoạt động của các đơn vị ngoài công lập, quy rõ trách nhiệm mục tiêu hoạt động, nội dung chất lượng dịch vụ sản phẩm chế độ sở hữu, cơ chế hoạt động, chế độ tài chính, trách nhiệm thực hiện chính sách, nghĩa vụ xã hội của các tổ chức theo cơ chế phi lợi nhuận và áp dụng cơ chế doanh nghiệp đối với các cơ sở hoạt động theo cơ chế lợi nhuận.

Đơn giản các thủ tục hành chính trong việc thành lập các cơ sở ngoài công lập trên cơ sở quy định chặt chẽ hướng dẫn chi tiết điều kiện thành lập, điều kiện hành nghề và cơ chế hậu kiểm. Quy định thủ tục điều kiện chuyển từ loại hình công lập sang các loại hình ngoài công lập.

Thực hiện Nghị định 43/2006/ NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ về cơ chế tự chủ cho hầu hết các cơ sở công lập, vận dụng hợp lý cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và dạy nghề. Nhà nước hỗ trợ ban đầu có thời hạn cho các cơ sở công lập chuyển sang loại hình ngoài công lập, hỗ trợ khuyến khích các cơ sở ngoài công lập đăng ký hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận.

Thực hiện Nghị định 53/2006/NĐ-CP ngày 25/05/2006 của Chính phủ và Thông tư số 91/2006/TT-BTC ngày 02/10/ 2006 của Bộ Tài chính về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập, vận dụng linh hoạt đối với các loại hình dịch vụ; xây dựng chính sách khuyến khích của địa phương để hình thành hệ thống dịch vụ và tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển mạnh.

Tách bạch quản lý nhà nước khỏi việc điều hành công việc thường xuyên của đơn vị sự nghiệp. Hoàn thiện việc phân cấp quản lý tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các ngành, địa phương.

Xây dựng quy hoạch phát triển xã hội hóa: Các ngành, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng quy hoạch chuyển đổi các cơ sở công lập có đủ điều kiện phù hợp với yêu cầu mục tiêu xã hội hoá sang cơ chế cung ứng dịch vụ hoặc loại hình ngoài công lập với bước đi thích hợp, định rõ chỉ tiêu, giải pháp, lộ trình trong giai đoạn chuyển đổi của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Phổ biến rộng rãi dự báo phát triển mạng lưới các cơ sở nhu cầu huy động nguồn lực, thực hiện quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

4- Chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập:

[...]
13
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ