Nghị quyết 230/2010/NQ-HĐND về quy hoạch phòng chống lũ tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XVI, kỳ họp thứ 20 ban hành

Số hiệu 230/2010/NQ-HĐND
Ngày ban hành 14/12/2010
Ngày có hiệu lực 20/12/2010
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Ngô Đức Vượng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
---------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 230/2010/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 14 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÒNG CHỐNG LŨ CỦA CÁC TUYẾN SÔNG CÓ ĐÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Sau khi xem xét Tờ trình số 3984/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách, và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành thông qua Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm

- Quy hoạch phòng chống lũ phải phù hợp với Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh đã được phê duyệt.

- Quy hoạch phòng chống lũ phải đáp ứng cao nhất khả năng phòng chống lũ, giảm thiểu thiên tai; bảo đảm thoát được lũ thiết kế và lũ lịch sử đã xảy ra của tuyến sông.

- Quy hoạch phòng, chống lũ làm cơ sở cho việc lập, điều chỉnh quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, trong đó có xây dựng ở bãi sông.

- Xây dựng hệ thống công trình phòng chống lũ theo hướng đa mục tiêu gắn với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu

- Xác định mức độ bảo đảm chống lũ cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh.

- Xác định lũ thiết kế của từng tuyến sông có đê, gồm lưu lượng lũ thiết kế và mực nước lũ thiết kế.

- Xác định mức độ và quy mô xảy ra ngập lụt khi chậm lũ.

- Xác định giải pháp công trình, phi công trình để phòng, chống lũ đối với từng tuyến sông có đê.

- Tạo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để quản lý quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh.

3. Nội dung quy hoạch

a. Mức bảo đảm phòng, chống lũ cho các tuyến sông có đê

- Đối với các khu vực do đê sông Thao bảo vệ: Mức bảo đảm chống lũ ứng với tần suất P=0,6%.

- Đối với các khu vực do đê hữu sông Lô bảo vệ: Mức bảo đảm chống lũ ứng với tần suất P=0,6% có sự điều tiết của các hồ chứa: Thác Bà, Tuyên Quang.

- Đối với các khu vực do đê tả sông Đà bảo vệ: Mức bảo đảm chống lũ với lưu lượng 15.500 m3/s tại Hòa Bình tương ứng với trường hợp thủy điện Hòa Bình xả 8 cửa xả đáy cộng lưu lượng phát điện.

- Đối với các khu vực do đê sông Chảy, sông Bứa bảo vệ: Mức bảo đảm chống lũ ứng với tần suất P=2%.

- Đối với đê và khu vực chậm lũ Tam Thanh: Mức bảo đảm chống lũ thực hiện theo quy định của Chính phủ.

b. Mực nước và lưu lượng lũ thiết kế của từng tuyến sông (Chi tiết tại phụ biểu kèm theo).

c. Chỉ giới hành lang thoát lũ đối với từng tuyến sông có đê

- Tuyến hành lang thoát lũ phía bờ tả sông Đà: Từ K10A - K0 chỉ giới hành lang thoát lũ trùng với tuyến đê chính; từ K0 - K0,6 chỉ giới hành lang thoát lũ cách đê chính 120m; từ K0,6 - K8,1 chỉ giới hành lang thoát lũ trùng với tuyến đê chính; từ K8,1 - K8,8 chỉ giới hành lang thoát lũ cách đê chính 60 - 100m; từ K8,8 - K13 chỉ giới hành lang thoát lũ trùng với tuyến đê chính; từ K13 - K13,8 chỉ giới hành lang thoát lũ cách đê chính 330m; từ K13,8 - K20,2 chỉ giới hành lang thoát lũ cách đê chính 100 - 300m; từ K20,2 - K24 chỉ giới hành lang thoát lũ cách đê chính 500 - 700m; từ K24 - K28,8 chỉ giới hành lang thoát lũ cách đê chính 100 - 200m; từ K28,8

- K31 chỉ giới hành lang thoát lũ trùng với tuyến đê chính; từ K31 - K33 chỉ giới hành lang thoát lũ cách đê chính 100 - 300m.

[...]