Nghị quyết 22/NQ-HĐND năm 2018 về nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tuyển sinh, đào tạo, sử dụng kinh phí đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc tỉnh Quảng Nam quản lý

Số hiệu 22/NQ-HĐND
Ngày ban hành 19/07/2018
Ngày có hiệu lực 19/07/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Ngọc Quang
Lĩnh vực Giáo dục

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/NQ-HĐND

Quảng Nam, ngày 19 tháng 7 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG CÔNG TÁC TUYỂN SINH, ĐÀO TẠO, SỬ DỤNG KINH PHÍ ĐÀO TẠO CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP THUỘC TỈNH QUẢN LÝ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 04 tháng 12 năm 2015;

Sau khi xem xét Báo cáo số 17/BC-ĐGS ngày 09 tháng 7 năm 2018 của Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát công tác tuyển sinh, đào tạo, sử dụng kinh phí đào tạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc tỉnh quản lý và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất nội dung Báo cáo số 17/BC-ĐGS ngày 09 tháng 7 năm 2018 của Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát công tác tuyển sinh, đào tạo, sử dụng kinh phí đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc tỉnh quản lý với các nội dung chủ yếu sau:

1. Những năm qua, công tác đào tạo nghề luôn được xác định là khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là các cơ chế chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, cả tỉnh có 34 cơ sở giáo dục (02 cơ sở giáo dục đại học và 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp) với đa dạng về ngành nghề đào tạo; chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu lao động kỹ thuật của tỉnh và thị trường lao động, tạo cơ hội cho người lao động học nghề, lập nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực, góp phần giảm nghèo bền vững, nhất là khu vực nông thôn, miền núi.

2. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc giao chỉ tiêu đào tạo hàng năm của cấp có thẩm quyền chưa phù hợp nhu cầu học nghề của người lao động và thực tế sử dụng nguồn nhân lực của xã hội. Công tác tuyển sinh không đạt chỉ tiêu giao (chỉ tiêu đào tạo trong ngân sách) và có xu hướng ngày càng giảm. Việc mở rộng ngành nghề vượt khả năng và không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hiện có của đơn vị, chưa phát huy hết thế mạnh của mỗi cơ sở; công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường và kỹ năng lao động, dẫn đến thiếu - thừa lao động cục bộ, chưa có sự đột phá về chất lượng đào tạo. Bộ máy tổ chức còn cồng kềnh với nhiều khoa, phòng, trung tâm trực thuộc. Biên chế viên chức giao hằng năm chưa sát thực tế. Số giáo viên đạt chuẩn về kỹ năng nghề còn thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư chưa đồng bộ, thiếu trọng tâm, nhất là đối với các nghề phục vụ cho sự phát triển của vùng, ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Việc quản lý, sử dụng ngân sách chưa chặt chẽ; công tác dự báo, tuyển sinh, duy trì sĩ số học sinh chưa thật tốt. Nhiều bất cập trong thực hiện chính sách nội trú cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số…

3. Những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu do các nguyên nhân: Nhiều ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và người dân chưa nhận thức đúng mức về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nhân lực kỹ thuật có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề còn hạn chế như: Chất lượng tuyển sinh đầu vào, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình dạy nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho dạy nghề chưa tương xứng với tốc độ tăng quy mô và yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo…

Điều 2. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyển sinh, đào tạo, sử dụng kinh phí đào tạo trong thời gian đến, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Chương trình 15-CTr/TU ngày 27/02/2018 của Tỉnh ủy Quảng Nam theo hướng về cơ bản chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập (trừ Trường Cao đẳng Y tế, trường đào tạo nghề đặc thù đang trong lộ trình nâng cấp lên Đại học) nhằm ổn định bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực quản trị và phát huy thế mạnh từng phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khắc phục tình trạng thiếu, thừa cục bộ đội ngũ giáo viên, trang thiết bị đào tạo; từng bước tinh gọn bộ máy, giảm khung đội ngũ quản lý, bộ phận gián tiếp; xây dựng lộ trình giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành, đảm bảo tính cạnh tranh, khuyến khích xã hội hóa. Trước mắt, các cơ sở đào tạo nghề cần rà soát, sắp xếp lại các khoa, phòng, bộ phận trực thuộc phù hợp với vị trí việc làm, tinh gọn bộ máy trong nội bộ từng đơn vị.

2. Xây dựng đề án trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ thôi việc cho công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi sắp xếp lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp nhằm động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ công chức, giáo viên có nhiều năm tham gia cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh.

3. Rà soát để giao chỉ tiêu biên chế viên chức sự nghiệp giáo dục gắn với chỉ tiêu tuyển sinh và định mức giáo viên/học sinh theo từng cấp đào tạo.

4. Tăng cường công tác dự báo nhu cầu lao động, thị trường việc làm và công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi. Hằng năm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, tham mưu giao chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp giữa ngành nghề cần đào tạo và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với chức năng nhiệm vụ và thế mạnh từng đơn vị, hạn chế đến mức thấp nhất việc giao chỉ tiêu ảo dẫn đến sử dụng kinh phí lãng phí, không hiệu quả. Nhà nước giao chỉ tiêu tuyển sinh, kết hợp đầu tư vào một số ngành trọng tâm, chủ lực của tỉnh. Kể từ năm 2018, không giao chỉ tiêu trong ngân sách đối với đào tạo giáo viên trình độ trung cấp, cao đẳng.

5. Mở rộng, trao đổi liên kết với doanh nghiệp để đào tạo theo mục tiêu, yêu cầu chất lượng đào tạo; xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia đào tạo nghề kỹ thuật bằng cách tạo khung pháp lý minh bạch; khuyến khích doanh nghiệp nhận học viên thực tập, tạo cơ hội để người học nghề được tích lũy kinh nghiệm tại nơi làm việc.

6. Chỉ đạo thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2020” theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học và sa vào tệ nạn xã hội; chú trọng các giải pháp đổi mới phương thức tuyển sinh để mở rộng qui mô đào tạo, đảm bảo chiến lược phát triển dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng tại các cơ sở giáo dục.

7. Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu thực tế của đơn vị sử dụng lao động và theo hướng tiếp cận năng lực người học; đổi mới phương thức đào tạo theo tín chỉ; chú trọng công tác tự kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học đảm bảo yêu cầu dạy và học; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi, cập nhật số học sinh, sinh viên sau đào tạo có việc làm nhằm đề ra giải pháp điều chỉnh công tác tuyển sinh, mở mã ngành đào tạo phù hợp nhu cầu thị trường lao động.

8. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn liên quan xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và lý luận chính trị cho giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đến năm 2020, có 100% giáo viên đạt chuẩn giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

9. Tăng cường công tác quản lý tài chính, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách đào tạo; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng liên quan trong xác định chỉ tiêu đào tạo gắn với định mức phân bổ ngân sách; thực hiện đúng cơ cấu ngân sách theo quy định tại Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; kịp thời bổ sung kinh phí theo quy định cho các cơ sở đã chuyển sang giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, nhất là cơ sở giáo dục chuyên biệt, nghề trọng điểm theo quy hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian đến.

10. Xây dựng đề án trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (thay thế Quyết định 15/2010/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh), trong đó lưu ý chính sách hỗ trợ nội trú theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghề được tiếp tục thụ hưởng sau khi gia đình thoát khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết; báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2019 về kết quả thực hiện các nội dung tại Điều 2 Nghị quyết này.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng đề án về “chính sách hỗ trợ thôi việc cho công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi sắp xếp lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp” và “chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (thay thế Quyết định 15/2010/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh), trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định tại các kỳ họp trong năm 2018, 2019.

3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh theo dõi, giám sát và phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ được giao, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị qua giám sát tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2019.

4. Các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa IX, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2018./.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ