Nghị quyết 22/2015/NQ-HĐND thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020 tỉnh Đắk Nông

Số hiệu 22/2015/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2015
Ngày có hiệu lực 20/12/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Điểu K’ré
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2015/NQ-HĐND

Đắk Nông, ngày 10 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2016-2020 TỈNH ĐẮK NÔNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA II - KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Xét Báo cáo số 516/BC-UBND, ngày 25/11/2015 của UBND tỉnh, về Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 69/BC-HĐND, ngày 04/12/2015 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua "Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020 tỉnh Đắk Nông" (có kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho HĐND tỉnh.

Giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội, Chính phủ;
- UB Kinh tế của Quốc hội;
- Văn phòng: Quốc hội; Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Các Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Trường Chính trị tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND và UBND các huyện, thị xã;
- Báo Đắk Nông, Đài PT-TH, Công báo tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Chi cục Văn thư -Lưu trữ;
- Lưu: VT, LĐ và CV Phòng CT.HĐND, HSKH (Bảo).

CHỦ TỊCH




Điểu K’ré

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 22/2015/NQ-HĐND, ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông)

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM, GIAI ĐOẠN 2011-2015

Nghị quyết số 30/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đắk Nông được xây dựng và triển khai thực hiện trong bối cảnh cả nước có nhiều thuận lợi: Kinh tế vĩ mô đạt được nhiều thành tựu, nước ta chính thức bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng loạt, thu hút đầu tư tăng cao, thế và lực của đất nước ngày càng được khẳng định. Trong tỉnh sau giai đoạn đầu tái lập, được Trung ương ưu tiên đầu tư, kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, nguồn nhân lực dịch chuyển về tỉnh, thị trường và sức mua tăng, các chỉ số kinh tế - xã hội đều đạt cao. Trên cơ sở những kết quả đạt được và chưa lường hết những khó khăn, thách thức nên nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu đề ra là khá cao như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 15%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng bình quân trên 30%, thu ngân sách tăng bình quân trên 23%.

Tuy nhiên, tình hình vĩ mô diễn biến khó lường, nhiều khó khăn, thách thức đồng thời ảnh hưởng đến tình hình nội tỉnh: Kinh tế vĩ mô có những thời điểm rơi vào bất ổn, diễn biến xấu, lạm phát kéo theo lãi suất tăng cao, bất động sản đóng băng, sản xuất, kinh doanh đình trệ, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, tạm ngưng kinh doanh, hệ thống ngân hàng bất ổn vì nợ xấu, căng thẳng gay gắt ở Biển Đông. Trong tỉnh, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thu ngân sách còn thấp, nguồn lực xã hội suy giảm do suy thoái, các dự án lớn tạm ngưng đầu tư, chậm tiến độ, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Những khó khăn vĩ mô cộng hưởng với những hạn chế của nền kinh tế nội tỉnh đã gây rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra từ đầu giai đoạn.

Trước tình hình đó, dưới sự quan tâm giúp đỡ và đổi mới chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo linh hoạt và sáng tạo của Tỉnh uỷ, sự giám sát có hiệu quả của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo, triển khai quyết liệt của UBND tỉnh: Kế hoạch phát triển được rà soát và điều chỉnh hằng năm phù hợp với tình hình cụ thể; ban hành và thực hiện thành công nhiều chính sách đột phá như: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, phát triển công nghiệp khai khoáng và chế biến,... Đồng thời, nhờ sự nỗ lực vượt qua những khó khăn của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh, phát triển kinh tế của tỉnh tuy không đạt kế hoạch, nhưng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, sản xuất kinh doanh dần ổn định và phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư khá, kêu gọi được các dự án ODA lớn, thu hút được các dự án đầu tư lớn của các doanh nghiệp tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội, các chỉ số kinh tế xã hội đều được cải thiện và tăng khá… duy trì được tốc độ phát triển và tạo cơ sở vững chắc để tăng trưởng cho giai đoạn sắp tới.

I. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội

1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP giá 1994) bình quân là 12,62%, duy trì tốc độ khá và ổn định. Quy mô nền kinh tế đến năm 2015 tăng 1,43 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế những chuyển biến tích cực. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 35 triệu đồng.

2. Sản lượng công nghiệp tăng trưởng khá, ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng chung, từng bước trở thành ngành kinh tế động lực cho phát triển và chuyển dịch kinh tế của tỉnh. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Thu hút và triển khai đầu tư một số dự án công nghiệp lớn, tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế xã hội.

3. Ngành nông nghiệp đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế. Quy mô và sản lượng cây trồng và vật nuôi tăng. Năng suất tăng nhờ vào việc cải thiện chất lượng giống, áp dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất và một số chính sách định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh phát huy hiệu quả. Phương thức sản xuất chuyển biến rõ rệt, chuyển sang sản xuất quy mô hàng hoá và gắn với thị trường. Công tác phòng chống dịch bệnh thực hiện tương đối tốt. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đổi mới, đời sống và thu nhập người nông dân từng bước được cải thiện.

4. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, dịch vụ tăng bình quân 20%/năm. Cung cầu hàng hoá ổn định, mặt hàng phong phú, các loại hình dịch vụ đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Hạ tầng thương mại có bước phát triển, mạng lưới mở rộng, góp phần ổn định thị trường, giá cả. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá, tăng bình quân 20,6%/năm. Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 21,5%/năm. Du lịch bước đầu phát huy được thế mạnh về cảnh quan, văn hóa của tỉnh.

5. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 17%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng thu bình quân 10,3%/năm, tổng chi ngân sách tăng chi bình quân 7,04%/năm. Kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị bước đầu được đồng bộ. Mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh đã được nâng cấp hoàn thiện, hoàn thành chỉ tiêu nhựa hóa theo kế hoạch. Xây dựng và triển khai quy hoạch các đô thị hạt nhân, một số đô thị được Trung ương công nhận chuẩn đô thị loại III, IV.

[...]