Nghị quyết 20/NQ-HĐND về tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh Long An ban hành

Số hiệu 20/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/07/2023
Ngày có hiệu lực 12/07/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Nguyễn Văn Được
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/NQ-HĐND

Long An, ngày 12 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TIẾP TỤC PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND), các Ban của HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (VKSND), Cục Thi hành án Dân sự tỉnh (CTHADS) và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, UBND, TAND, VKSND và CTHADS tỉnh

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với báo cáo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, UBND, TAND, VKSND và CTHADS tỉnh trình tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa X. Giao các cơ quan trên tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu tham dự kỳ họp để bổ sung, hoàn chỉnh các báo cáo và tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 2. Về tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất với đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023 theo Báo cáo số 1746/BC-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh trình tại kỳ họp.

1. Đánh giá khái quát tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2023

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, cụ thể như sau:

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, biến động phức tạp, khó lường và bất ổn. Cuộc chiến giữa Nga và Ucraina vẫn diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt làm nhiều quốc gia, khu vực bị ảnh hưởng; lạm phát toàn cầu ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia; lãi suất tăng... dẫn đến khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp mất thị trường hoặc giảm đơn hàng dẫn đến giảm quy mô sản xuất. Trước tình hình đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, của Tỉnh ủy; sự giám sát của HĐND tỉnh; sự điều hành tích cực, chủ động của UBND tỉnh; tinh thần trách nhiệm, thực thi nhiệm vụ của các ngành, các cấp, nhất là sự đồng lòng ủng hộ, nỗ lực của người dân, doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:

Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện nhiều thuận lợi, tăng trưởng khá so cùng kỳ. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có tăng trưởng, phát huy vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển nhờ triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, dịch Covid-19 được kiểm soát; các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nội tỉnh tới các tỉnh/thành và thế giới được đẩy mạnh. Tiếp tục tập trung thực hiện 03 công trình trọng điểm, 03 chương trình đột phá, tiến độ nhìn chung đạt yêu cầu đề ra. Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là địa phương đầu tiên khu vực phía Nam được phê duyệt. Tăng cường kết nối, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 cải thiện đáng kể, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành trong cả nước; vốn đăng ký mới của dự án đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh so với củng kỳ. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ giải ngân đạt khá (Đến hết tháng 5/2023, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đứng thứ 05/63 tỉnh, thành trong cả nước). Văn hóa - xã hội phát triển ổn định; công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận và biểu đương sự điều hành tập trung, linh hoạt của Ủy ban nhân dân tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn không ít khó khăn:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm tương đối thấp (thấp hơn cùng kỳ và thấp so với kế hoạch tăng trưởng năm 2023 đã đề ra là từ 8%-8,5%) do khó khăn chung từ tình hình kinh tế thế giới, trong nước, trong tỉnh dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp.

- Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm; hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn; xung đột Nga và Ucraina kéo theo nhiều quốc gia lớn bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, lạm phát tăng mạnh, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia... làm cho thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống bị thu hẹp, đơn hàng ít; trong nước chi phí sản xuất vẫn ở mức cao, lãi suất tín dụng cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Công tác thu ngân sách thấp hơn so với cùng kỳ do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, nguồn thu thuế giá trị gia tăng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sụt giảm mạnh,... Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng được quan tâm, chỉ đạo ngay từ đầu năm nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.

- Dịch bệnh trên vật nuôi còn xảy ra, ảnh hưởng đến việc tái đàn và phát triển đàn; tình hình tiêu thụ một số nông sản chưa ổn định; giá vật tư đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và giảm lợi nhuận của người dân. Mặc dù được tích cực hỗ trợ nhưng năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã còn thấp; các hợp tác xã ngưng hoạt động chậm được giải thể.

- Dịch bệnh sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng đã giảm so với cuối năm 2022 nhưng số ca mắc còn nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; trong những tháng đầu năm xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế nhưng đã có giải pháp dần được khắc phục. Công tác tuyển dụng giáo viên còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương; cơ sở vật chất trường, lớp một số nơi chưa đảm bảo, gây khó khăn cho công tác quản lý của trường và giảng dạy của giáo viên. An ninh, trật tự, an toàn xã hội có mặt chưa đảm bảo.

2. Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Ủy ban nhân dân tỉnh trình bày tại kỳ họp, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bám sát Nghị quyết Tỉnh ủy, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 để tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện đạt kết quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Hội đồng nhân dân tỉnh lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm, cụ thể như sau:

2.1. Tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc Hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đề ra là 8 - 8,5%/năm.

2.2. Theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời về thời tiết, khí hậu, thủy văn; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tập trung sản xuất thắng lợi vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2023. Tăng cường xử lý đối với tình trạng chuyển đổi vật nuôi, cây trồng không phù hợp với quy hoạch, gây ảnh hưởng đến môi trường. Tiếp tục hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao năng lực chủ động liên kết tiêu thụ đầu ra, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất có địa chỉ, truy xuất nguồn gốc; duy trì, nhân rộng diện tích doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tập trung triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đúng thực chất của từng tiêu chí, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản đồng bộ, đa mục tiêu; trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục tập trung thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh; các dự án cấp nước tại các xã vùng sâu, vùng xa. Triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh.

[...]