Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết số 20/2008/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm 2008 theo kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị và kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) do Chính phủ ban hành

Số hiệu 20/2008/NQ-CP
Ngày ban hành 29/08/2008
Ngày có hiệu lực 30/09/2008
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 20/2008/NQ-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI VÀ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2008 THEO KẾT LUẬN SỐ 25-KL/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀ KẾT LUẬN CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHOÁ X)

Triển khai thực hiện Kết luận số 25-KL/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Bộ Chính trị và Kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2008, nhằm hoàn thành tốt nhất các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Chính phủ đã thống nhất đánh giá tình hình thực hiện 7 tháng đầu năm 2008 và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cho những tháng còn lại của năm 2008, cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2008

Trong 7 tháng đầu năm 2008, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn do những biến động của kinh tế thế giới và khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế, song với sự phấn đấu quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, tình hình kinh tế - xã hội đất nước đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Sản xuất nông nghiệp phát triển tốt. Diện tích gieo cấy lúa cả nước đạt 7,33 triệu ha, tăng 130 ngàn ha so với năm 2007; sản lượng thu hoạch ước đạt 37,6 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn so với năm 2007. Sản lượng thủy sản tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng cao; so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng 37,7%; thị trường tiếp tục được mở rộng. Nhập khẩu có xu hướng giảm dần; nhập siêu 7 tháng ở mức 15 tỷ USD, bằng 40,7% kim ngạch xuất khẩu.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 29,8% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 73,2% dự toán năm, tăng 45,6% so với cùng kỳ; chi ngân sách nhà nước đạt 62,4% dự toán năm, tăng 29,1%, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 56% dự toán năm, tăng 13,5%; bội chi ngân sách nhà nước bằng 18,3% dự kiến cả năm.

Chính sách tiền tệ thắt chặt được thực hiện có hiệu quả nên đã kiềm chế tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 7 năm 2008 tăng ở mức thấp, chỉ tăng 5,6% so với 31 tháng 12 năm 2007 (cùng kỳ năm trước tăng 22,2%). Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo thị trường và yêu cầu cân đối kinh tế vĩ mô.

Kiểm soát và có biện pháp xử lý kịp thời, giữ ổn định hệ thống tài chính, tín dụng, bảo đảm được khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Thị trường chứng khoán thời gian gần đây đã có dấu hiệu phục hồi.

Giá tiêu dùng tháng 7 năm 2008 tăng 1,13% so với tháng 6 năm 2008, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Tuy vậy, so với tháng 12 năm 2007 tăng 19,78%, vẫn là mức cao.

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước thực hiện đạt 48,6% kế hoạch năm, là mức thấp so với cùng kỳ năm 2007 mặc dù tháng 6 và tháng 7 đã tăng khá hơn. Tiến độ giải ngân còn chậm (mới đạt 23% kế hoạch), nhất là đối với các dự án, công trình giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu là các vướng mắc trong việc điều chỉnh, bổ sung định mức, dự toán các dự án, công trình do giá cả tăng cao còn chậm, kéo dài.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 4 lần, mức thực hiện tăng 42,9% so cùng kỳ. Mức giải ngân thuộc nguồn vốn ODA ước đạt 63% kế hoạch năm.

Đồng thời với kiềm chế lạm phát, ổn đinh kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đời sống người nghèo, người có thu nhập thấp, đặc biệt là đồng bào bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài ở các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua, chú trọng việc hỗ trợ vốn cho người nghèo vay để sản xuất và tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo.

Công tác kiểm soát tốc độ tăng dân số và nâng cao chất lượng dân số, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm,... được tăng cường và triển khai mạnh mẽ nên đã có một số chuyển biến tích cực.

Trật tự an toàn giao thông có tiến bộ, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2007.

An ninh, quốc phòng tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Lĩnh vực đối ngoại tiếp tục đạt được những kết quả tốt. Trong tháng 7, Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách của tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, được dư luận đánh giá cao.

Công tác thông tin, tuyên truyền đã hiệu quả hơn, cung cấp khá đầy đủ, kịp thời thông tin cần thiết, gắn với yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, gây tác động tiêu cực trong xã hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn bộc lộ những tồn tại, yếu kém. Tuy lạm phát bước đầu đã được kiềm chế, tốc độ tăng giá tiêu dùng hai tháng gần đây đã giảm so với những tháng đầu năm nhưng xu hướng giảm chưa vững chắc. Nhập siêu đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao. Lãi suất còn cao, ảnh hưởng đến việc tiếp cận các nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác rà soát, cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước còn chậm trễ và hiệu quả chưa cao. Tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội ở một số địa phương còn chưa đồng bộ, thủ tục còn phức tạp, làm cho các khoản hỗ trợ chậm đến được các đối tượng thụ hưởng.

Tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là giá dầu thô, tỷ giá đồng đô la Mỹ và tính ổn định của một số thị trường tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam,... sẽ là những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2008.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỰC HIỆN TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2008

Để triển khai thực hiện Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị và Kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2008 và các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2008, Nghị quyết số 20/2008/QH12 của Quốc hội về một số vấn đề kinh tế - xã hội năm 2008 trong tình hình mới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung và giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2008 đã nêu tại Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2008 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; trong đó, cần tập trung thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:

1. Tiếp tục thực hiện giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt trong điều hành để tiếp tục kiềm chế lạm phát, đồng thời bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế đạt mức kế hoạch đề ra; điều hành lãi suất theo hướng thực dương; điều hành tỷ giá linh hoạt, theo tín hiệu thị trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh ngoại tệ.

[...]