Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững do Chính phủ ban hành

Số hiệu 10/2008/NQ-CP
Ngày ban hành 17/04/2008
Ngày có hiệu lực 10/05/2008
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 10/2008/NQ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÁC BIỆN PHÁP KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI VÀ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG

Tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Giá dầu và hầu hết các nguyên vật liệu cơ bản và lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới tăng cao; sự suy giảm của kinh tế Mỹ đã tác động mạnh và kéo theo sự suy giảm của nhiều nền kinh tế. Trong nước, đợt rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã gây tổn thất lớn về vật chất và tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Trong điều kiện kinh tế nước ta có sức cạnh tranh chưa cao lại mới bước đầu vận hành theo cơ chế thị trường và đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới thì những hệ quả nặng nề của thiên tai, dịch bệnh và những biến động bất lợi của kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng và đến mặt bằng giá trong nước.

Trước tình hình này, Chính phủ đã thống nhất xác định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của đất nước ta là: kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Để đạt được những nhiệm vụ và mục tiêu nêu trên, một mặt phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về điều hành kinh tế - xã hội năm 2008, mặt khác cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau đây:

I. THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CHẶT CHẼ

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng nhưng phải bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế và hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để giảm dần lãi suất huy động theo hướng thực hiện chính sách lãi suất thực dương. Tăng cường kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng thương mại để bảo đảm việc tuân thủ đúng các quy định về huy động, cho vay và chất lượng tín dụng. Kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

2. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sớm ổn định tổ chức, kịp thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tăng cường các công cụ giám sát theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để chủ động cảnh báo và xử lý tốt hơn những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ.

II. KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHI TIÊU CÔNG

1. Điều hành chính sách tài khóa theo hướng tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách; kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là đầu tư vào các dự án không thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp; phấn đấu giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách.

2. Thực hiện việc cắt giảm, sắp xếp lại vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2008 từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư nhà nước và đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, trước hết là các công trình đầu tư kém hiệu quả, các công trình chưa thực sự cần thiết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính triển khai nội dung này ngay trong việc rà soát lại và cân đối nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước. Các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện việc rà soát chặt chẽ các hạng mục đầu tư để cắt bỏ các công trình đầu tư kém hiệu quả, tập trung vốn cho những công trình sắp hoàn thành, những công trình đầu tư cho sản xuất hàng hóa thuộc mọi thành phần kinh tế để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sản xuất.

3. Các Bộ liên quan, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn chỉnh các văn bản về đầu tư xây dựng, kịp thời ban hành hướng dẫn xử lý các vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình sớm đưa vào khai thác phát huy hiệu quả.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì việc nghiên cứu để chuyển một số công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách sang hình thức đầu tư BOT từ nguồn vốn trong và ngoài nước hoặc bán, chuyển nhượng công trình có khả năng thu hồi vốn cho doanh nghiệp, tư nhân khai thác hoặc đầu tư tiếp để nâng cao hiệu quả đầu tư.

5. Bộ Tài chính chủ trì rà soát, đề xuất các biện pháp chấn chỉnh hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn. Sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính chuẩn bị để thực hiện trong quý IV năm 2008.

6. Thực hiện chính sách tiết kiệm đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm ngặt trong tất cả các cấp, các ngành, trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đưa nội dung thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, trong sản xuất và đời sống vào chương trình cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong năm 2008 và những năm tiếp theo. Năm 2008, ngoài việc tiết kiệm bình quân 10% chi phí hành chính (trừ tiền lương, phụ cấp lương, các khoản chi cho con người theo chế độ quy định) của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, thực hiện cắt giảm những khoản chi mua sắm chưa thật cần thiết, giảm tối đa các hội nghị toàn quốc, giảm chi phí đi lại (nhất là đi lại bằng máy bay); cắt giảm các khoản chi tiếp khách, các đoàn công tác nước ngoài bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách mà không thật thiết thực; tiết kiệm năng lượng, phương tiện triệt để hơn nữa. Giảm các chi phí cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua,... gây tốn kém, lãng phí. Bộ Tài chính chủ trì giao chỉ tiêu và hướng dẫn nội dung và tổ chức triển khai các đơn vị thực hiện.

7. Phấn đấu năm 2008 thu ngân sách thực hiện vượt dự toán đã được giao, tăng dự phòng để chi cho khắc phục thiên tai, an sinh xã hội, giảm thêm tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với mục tiêu mà Quốc hội đã giao cho năm 2008.

III. TẬP TRUNG SỨC PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP VÀ DỊCH VỤ, BẢO ĐẢM CÂN ĐỐI CUNG CẦU VỀ HÀNG HÓA

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:

a. Phối hợp với các địa phương khắc phục nhanh hậu quả của thiên tai và dịch bệnh để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tập trung chỉ đạo phát triển trồng rau màu, chăn nuôi, tăng nguồn cung thực phẩm nhằm sớm ổn định giá cả lương thực, thực phẩm, chuẩn bị đủ giống cho sản xuất vụ mùa, hè thu;

b. Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp để phát hiện sớm, chủ động thực hiện và hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn và dập tắt một cách tích cực, kiên quyết, có hiệu quả dịch cúm gia cầm, lơn tai xanh, lở mồm long móng ở trâu, bò và cúm A (H5N1) ở người;

c. Chỉ đạo triển khai việc tu bổ các công trình hồ chứa, đê điều, công trình thủy lợi nhằm chủ động đối phó với thiên tai trong mùa bão, lũ sắp tới để đảm bảo an toàn lao động cho sản xuất và đời sống.

2. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính để giải quyết nhanh việc tiếp cận, sử dụng vốn, đất đai, mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển. Đồng thời, chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn do biến động giá làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trước hết là giá dự toán các công trình đang triển khai có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì việc tiếp tục rà soát, xóa bỏ các quy định không phù hợp gây cản trở cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.

4. Bộ Công Thương chủ trì làm việc với các Bộ liên quan, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp kinh doanh về việc bảo đảm nguồn hàng; đồng thời, có trách nhiệm cùng Chính phủ kiềm giữ giá cả các mặt hàng thiết yếu, như: lương thực, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón,... Chủ động đề ra và áp dụng phương án khắc phục tình trạng thiếu điện và bảo đảm điện cho sản xuất.

IV. ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU, KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ NHẬP KHẨU, GIẢM NHẬP SIÊU

1. Bộ Công Thương chủ trì:

a. Đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất khẩu để giảm chi phí cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam đi đôi với việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp nhập khác phù hợp với các cam kết quốc tế của nước ta để giảm nhập siêu, kể cả việc tăng thuế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu.

b. Hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại đối với hàng xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới để tăng xuất khẩu;

[...]