Nghị quyết 19/NQ-HĐND về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, phòng chống dịch bệnh Covid-19 những tháng cuối năm 2021 của thành phố Hà Nội

Số hiệu 19/NQ-HĐND
Ngày ban hành 23/09/2021
Ngày có hiệu lực 23/09/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Thể thao - Y tế

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, THU CHI NGÂN SÁCH, PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2021 CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Xét các báo cáo của UBND Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố, Viện kim sát nhân dân Thành phố; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố; ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố; ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND Thành phố tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, dự toán thu, chi ngân sách, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong 8 tháng đầu năm; thông qua nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 của thành phố Hà Nội như các báo cáo của UBND Thành phố trình.

HĐND Thành phố nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô cần tập trung phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch năm 2021, trọng tâm là ưu tiên đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội. Cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của năm đã được xác định trong Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 7/12/2020 của HĐND Thành phố và các giải pháp, nhiệm vụ đã được UBND Thành phố xác định tại các báo cáo với HĐND Thành phố, những tháng cuối năm 2021 cần đặc biệt quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Trong công tác phòng chống dịch Covid-19: Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp phù hợp với diễn biến tình hình để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố; đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết tâm bảo vệ an toàn, bảo đảm ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thống nhất quan điểm xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”, phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tổ chức tiêm vắc xin kịp thời, an toàn theo kế hoạch, đồng thời nghiên cứu mở rộng tiêm vắc xin cho đối tượng dưới 18 tuổi khi đủ điều kiện; nâng cao hiệu quả công tác cách ly, điều trị; đảm bảo nguồn lực phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ"; đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh, thực hiện thành công “mục tiêu kép”; chủ động chuẩn bị các phương án cao hơn, đảm bảo công tác khám chữa bệnh và ứng phó nếu tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; đặc biệt triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng và không để xảy ra trục lợi chính sách. Căn cứ vào khả năng huy động nguồn lực của Thành phố, tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác phòng chống dịch Covid-19; bổ sung các chính sách hỗ trợ, động viên các lực lượng tham gia phòng chống dịch, chính sách hỗ trợ người lao động, đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh “không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch Covid-19”.

2. Xây dựng các kịch bản cụ thể trên cơ sở rà soát khả năng, nguồn lực phát triển, xác định các nhóm giải pháp cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh; phân công nhiệm vụ đến từng ngành, đơn vị để triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, triển khai kịp thời có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể nhằm ổn định duy trì hoạt động, lưu thông cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, đáp ứng đầy đủ nguyên vật liệu đầu vào và tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Thực hiện có hiệu quả và đảm bảo tiến độ kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2021; hoàn thành chỉ tiêu tăng thêm 14 xã nông thôn mới, 20 xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng cường công tác quản lý đất đai và khai thác tài nguyên khoáng sản; kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đôn đốc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tập trung thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch; giải quyết tồn tại về cấp đất dịch vụ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp còn tồn tại.

3. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô; đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin Thành phố năm 2021; tập trung triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng và các dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn. Triển khai chương trình giáo dục và các nhiệm vụ năm học mới 2021-2022 phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19. Thực hiện hiệu quả kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2021. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của 5 sàn giao dịch việc làm và 8 điểm giao dịch việc làm vệ tinh; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh. Thực hiện các giải pháp đồng bộ giảm nợ bảo hiểm xã hội, mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người dân.

4. Hoàn thành nhiệm vụ Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; xác định các đồ án trọng tâm, cấp thiết thực hiện trong năm 2021, phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp và đầu tư xây dựng. Đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục trồng cây tạo cảnh quan, không gian đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng. Đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch hạ ngầm đã được phê duyệt. Hoàn chỉnh phê duyệt Đề án cải tạo xây dựng mới chung cư cũ; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch; đôn đốc hoàn thành đầu tư xây dựng các dự án xử lý nước thải trong cụm công nghiệp; duy trì tốt hệ thống quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường tự động.

5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc Thành phố; điều chỉnh Đề án vị trí việc làm. Khai thác cơ sở dữ liệu dân cư tập trung để rà soát, cắt giảm, rút gọn các thủ tục hành chính; tập trung cải thiện các chỉ tiêu thành phần các chỉ số SIPAS, PAPI. Triển khai đánh giá Luật Thủ đô và đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện theo chủ trương của Chính phủ để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo; phấn đấu giải quyết trên 85% số vụ việc thuộc thẩm quyền, tổ chức thực hiện trên 90% quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo; chú trọng những vụ việc tồn đọng, khiếu kiện tập trung đông người tiềm ẩn mất an ninh, trật tự.

Thực hiện tốt chính sách dân tộc; xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ca các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, các chức sắc, nhà tu hành thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

6. Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị trên địa bàn. Tổ chức hiệu quả các đợt tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội. Đảm bảo an ninh nông thôn, không để xảy ra điểm nóng. Đảm bảo công tác quốc phòng thường xuyên; củng cố lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ gắn với thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy.

7. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nêu bật hình ảnh Thủ đô thân thiện, an toàn, có trách nhiệm gắn với các kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung hiệp định CPTPP, EVFTA, EVIPA. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong những vấn đề liên quan thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố.

8. Tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 2. Tán thành những nhiệm vụ, giải pháp điều hành ngân sách những tháng cuối năm 2021 do UBND Thành phố trình và nhấn mạnh nội dung sau:

1. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước được giao ở mức cao nhất. Thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ưu đãi về thuế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; miễn - giảm thuế, hoàn thuế...theo đúng quy định; đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường khai thác nguồn thu ngân sách từ thuế, phí. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ thu từ đất (nhất là vướng mắc về quy trình, thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai). Thực hiện thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa kịp thời theo quy định của Chính phủ.

2. Quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, tiếp tục có phương án điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, đảm bảo đủ nguồn và kịp thời bố trí dự toán cho các khoản chi đầu tư, chi thường xuyên cấp thiết và dự phòng cho việc phòng chống dịch bệnh, thiên tai. Thường xuyên cập nhật tình hình, đánh giá, dự báo sát khả năng thu để có phương án điều chỉnh dự toán chi, điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách phù hợp, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tế, đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các chế độ, chính sách Thành phố mới ban hành. Kiểm tra, đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

3. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Khẩn trương xây dựng quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, trình HĐND Thành phố quyết định tại kỳ họp cuối năm 2021 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 3. Tán thành với đề xuất của UBND Thành phố về các nội dung:

1. Điều chỉnh cơ cấu nguồn sử dụng để chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) tại Phụ lục số 04 kèm theo Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố Hà Nội năm 2021, cụ thể:

1.1- Chi ngân sách địa phương:

a) Chi đầu tư XDCB từ nguồn cải cách tiền lương là 1.464.806 triệu đồng (tăng 764.806 triệu đồng).

b) Chi đầu tư XDCB từ nguồn thu thuế, phí là 13.626.325 triệu đồng (giảm 764.806 triệu đồng).

[...]