Nghị quyết 19/2018/NQ-HĐND về tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ, chính sách đối với người lao động tại khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 19/2018/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/12/2018
Ngày có hiệu lực 01/01/2019
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Xuân Sơn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2018/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 12 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI KHU KINH TẾ, CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP VÀ DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật an toàn vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Xét Tờ trình số 744/TTr-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; trên cơ sở xem xét Báo cáo số 291/BC-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ, chính sách đối với người lao động của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2018 và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát số 291/BC-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Thường trực HĐND tỉnh việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động, chế độ, chính sách đối với người lao động của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2018 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT), an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chế độ chính sách (CĐCS) cho người lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã ban hành nhiều chương trình, Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo để tăng cường thực hiện Luật BVMT, Luật ATVSLĐ và đảm bảo CĐCS cho người lao động; cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, ATVSLĐ, triển khai kịp thời các văn bản, chế độ chính sách cho người lao động trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực môi trường, an toàn vệ sinh lao động và chế độ chính sách cho người lao động; thông qua đó đã góp phần chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; Sự phối hợp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về BVMT, ATVSLĐ, CĐCS cho người lao động của các cấp, các ngành đã có nhiều chuyển biến rõ nét; Công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật BVMT tại các khu công nghiệp đã được triển khai khá tốt; Hạ tầng môi trường các cụm công nghiệp đã được chỉ đạo và ban hành chính sách hỗ trợ; Một số nội dung nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp được quan tâm, thường xuyên như: quan trắc môi trường, vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ…Chính quyền các cấp đã tập trung vào cuộc xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm bức xúc như: Các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quản lý các chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường; Các hoạt động sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây mất an toàn lao động được kiểm tra thường xuyên và theo dõi quản lý; Các vụ việc tai nạn nghiêm trọng được điều tra, xử lý và khắc phục kịp thời; Các vụ việc tranh chấp lao động, các vụ đình công được tập trung chỉ đạo xử lý; Đơn thư khiếu nại và kiến nghị cử tri về ô nhiễm môi trường, an toàn lao động, chế độ, chính sách cho người lao động đã được quan tâm giải quyết.

Việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp trong công tác BVMT, ATVSLĐ, CĐCS cho người lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), có kế hoạch bảo vệ môi trường và quyết định phê duyệt ĐTM, đề án bảo vệ môi trường; phương án phục hồi môi trường thực hiện tốt hơn; Cơ bản, các doanh nghiệp đã có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải, tiếng ồn; phương án xử lý các chất thải tại một số công ty, nhà máy có quy mô sản xuất lớn được thu gom, phân loại, xử lý tương đối khoa học; Các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đã quan tâm khá tốt đến công tác an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ việc thành lập tổ ATVSLĐ, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trang cấp dụng cụ bảo hộ cho người lao động, công tác phòng chống cháy nổ. Đa số doanh nghiệp thực hiện tương đối tốt chế độ hợp đồng lao động; chế độ tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động được chi trả cơ bản kịp thời, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người lao động, thực hiện tốt các chế độ an sinh xã hội.

2. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về BVMT, ATVSLĐ, CĐCS cho người lao động: Chưa có các VBQPPL chỉ đạo điều hành tập trung những vấn đề bức xúc nhất về môi trường, an toàn lao động, chế độ chính sách cho người lao động trong hoạt động của doanh nghiệp, KCN, CCN; một số văn bản chậm ban hành; sự phân công, phân nhiệm cho các cấp, các ngành để thực hiện một số nội dung còn chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu cơ chế ràng buộc, quy trách nhiệm; Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về nâng cao ý thức BVMT, ATLĐ, CĐCS cho người lao động chưa thực sự hiệu quả. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành nhiều cuộc chưa hiệu quả. Một số doanh nghiệp chấp hành kết luận thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm nhưng chưa được xử lý kịp thời. Các cấp chính quyền cơ sở chưa thường xuyên quan tâm phát huy vai trò QLNN trong công tác BVMT, VSATLĐ và CĐCS cho người lao động tại các CCN, Các doanh nghiệp trên địa bàn ; Ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường chưa đảm bảo theo quy định; Công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường một số KCN, CCN còn nhiều hạn chế.

Việc chấp hành pháp luật về BVMT, ATVSLĐ, CĐCS cho người lao động tại các doanh nghiệp nhìn chung chưa nghiêm; Một số khu công nghiệp và cụm công nghiệp, một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; một số doanh nghiệp theo quy định phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục nhưng chưa thực hiện; Kết quả quan trắc định kỳ ở một số doanh nghiệp mặc dù các thông số về môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định nhưng chưa đảm bảo khách quan. Thực trạng khai thác mỏ, ký quỹ phục hồi môi trường và việc hoàn thổ sau khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh ở một số công ty thực hiện chưa tốt; Tình trạng một số nhà máy, một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm về khói bụi và tiếng ồn chậm xử lý; Các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chậm được giải quyết dứt điểm. Một số doanh nghiệp chưa trang cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động; chưa quan tâm đầy đủ tới công tác khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp; Tình trạng tai nạn lao động tại các nhà máy, các cơ sở sản xuất khai thác đá xẩy ra còn nhiều, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; Tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng lao động ký hợp đồng chưa thực hiện nghiêm luật lao động, Luật BHXH, BHYT để trốn nộp bảo hiểm cho người lao động còn nhiều; thu nhập tiền lương của người lao động còn thấp; Số doanh nghiệp nợ BHXH còn khá phổ biến; Một số doanh nghiệp chưa thực hiện đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động, nhất là tiền lương, chế độ BHXH nên vẫn xẩy ra tình trạng đình công tại một số doanh nghiệp, KCN.

3. Những hạn chế bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân: Hệ thống văn bản trung ương từ Luật, các văn bản dưới luật về BVMT, ATVSLĐ, CĐCS cho người lao động chưa đồng bộ; Tổ chức bộ máy nhà nước các cấp huyện, xã về BVMT, ATVSLĐ chưa đáp ứng yêu cầu; Nguồn lực ngân sách các cấp đảm bảo cho công tác BVMT, ATVSLĐ còn hạn chế; Công tác chỉ đạo của UBND các cấp về công tác BVMT, ATVSLĐ, CĐCS cho người lao động chưa quyết liệt thường xuyên; sự vào cuộc và phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác BVMT, ATVSLĐ, CĐCS cho người lao động chưa đồng bộ; việc xử lý đối với các sai phạm trong lĩnh vực BVMT, ATVSLĐ, CĐCS cho người lao động chưa nghiêm; Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ATVSLĐ, CĐCS cho người lao động của các chủ doanh nghiệp còn hạn chế. Hoạt động của các tổ chức công đoàn, đoàn thể ở một số công ty, doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả, tổ chức đối thoại với người lao động chưa được quan tâm thường xuyên.

Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Về công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp, KKT, KCN, CCN.

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác bảo vệ môi trường; tăng cường phổ biến chính sách, pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

- Xây dựng quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường; Quy hoạch và cấp phép các dự án SXKD phải gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt chú ý siết chặt, kiểm soát ngay từ khâu cho chủ trương đầu tư đối với các dự án có nguy cơ cao về gây ô nhiễm môi trường được triển khai tại địa phương; Tập trung quan tâm quy hoạch, xây dựng các dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đáp ứng được yêu cầu; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ tiến tiến trong xử lý môi trường; không đưa vào quy hoạch, xây dựng các khu xử lý chất thải ở gần khu dân cư, đầu nguồn nước; Quy hoạch và bố trí các khu chức năng trong KCN, CCN đảm bảo khoa học gắn với công tác BVMT. Thực hiện nghiêm công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch các dự án đầu tư. Việc quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án, KCN, CCN phải đảm bảo yêu cầu về quy hoạch hạ tầng BVMT theo đúng quy định.

- Hoàn thiện hệ thống văn bản thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan cấp tỉnh:

+ Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện có hiệu quả hệ thống văn bản của trung ương, Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 08/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường;

+ Ban hành quy chế phối hợp giữa các cấp và các ngành, trong đó có sự phối hợp trong quản lý môi trường giữa Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam với Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã có Khu công nghiệp đóng trên địa bàn; Xây dựng quy chế quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

+ Rà soát việc phân cấp, ủy quyền cho các cấp, các ngành và một số nhiệm vụ được quy định trong Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 07/4/2016 quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Kế hoạch 99/KH-UBND ngày 09/02/2018 về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU và Quyết định số 4955/QĐ-UBND ngày 12/10/2016 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An phù hợp, sát thực tế hơn; xác định rõ các cơ chế ràng buộc, quy trách nhiệm.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường và việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra; Tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất; Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện ĐTM, KH quản lý môi trường, KH bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; Tăng cường quản lý nhà nước đối với các đơn vị có chức năng quan trắc môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm nghiêm trọng về môi trường.

- Điều tra, lập danh sách các cơ sở chưa được phê duyệt ĐTM, đề án bảo vệ môi trường; thống kê, phân loại nguồn thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, thực hiện phân loại theo mức độ gây ô nhiễm môi trường để có biện pháp xử lý hiệu quả; rà soát đánh giá chất thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các loại hình có tổng lượng thải lớn.

- Tăng cường chỉ đạo việc phân loại và thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại đảm bảo quy định tại các doanh nghiệp, KKT, KCN, CCN; giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đảm bảo an toàn môi trường; Quản lý chặt chẽ biên lai, chứng từ xác nhận xử lý chất thải nguy hại.

- Tập trung chỉ đạo xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý những vấn đề nổi cộm về ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, hải sản và các cơ sở sản xuất có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường như sản xuất xi măng, bia, đường, tinh bột sắn, giấy…; chủ động các phương án đề phòng các sự cố về môi trường.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ