Nghị quyết 19/2007/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 doTỉnh Trà Vinh ban hành

Số hiệu 19/2007/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2007
Ngày có hiệu lực 18/12/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Nguyễn Thái Bình
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2007/NQ-HĐND

Trà Vinh, ngày 08 tháng 12 năm 2007

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 của Tỉnh ủy Trà Vinh;

Trên cơ sở xem xét báo cáo của UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan; ý kiến thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 15 - khóa VII,

Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh nhất trí cao với đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2007, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 cùng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh và báo cáo của các cơ quan hữu quan; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

Năm 2007 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006- 2010. Với sự nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp trong tỉnh, đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh năm 2007 đạt nhiều kết quả quan trọng: kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển đạt mức tăng trưởng khá, giá trị tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 13,74%; thu ngân sách 329 tỷ đồng đạt 103,3% kế hoạch, tăng 18,69%; huy động vốn đầu tư toàn xã hội 2.970 tỷ đồng đạt 89,86% kế hoạch, tăng 22,22%; kim ngạch xuất khẩu 72 triệu USD, đạt 90% kế hoạch, tăng 32,27%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất nông nghiệp phát triển đúng hướng, tạo được nhiều mô hình tốt, năng suất, chất lư­ợng, hiệu quả sản xuất tăng; nuôi trồng và khai thác thủy - hải sản có sự phát triển về số lượng và quy mô; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là các ngành chế biến thủy sản, chế biến l­ương thực, thực phẩm,...; thư­ơng mại - dịch vụ mức luân chuyển hàng hóa tăng khá, mạng lư­ới thông tin liên lạc phát triển theo hướng hiện đại, đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc trong nư­ớc và quốc tế; hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục đư­ợc đầu tư phát triển. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao, báo chí, phát thanh truyền hình có nhiều tiến bộ; các chư­ơng trình quốc gia về y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc bảo vệ trẻ em đư­ợc triển khai thực hiện có hiệu quả; thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; quan tâm thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đời sống nhân dân tiếp tục đ­ược cải thiện. Tình hình chính trị - xã hội được giữ vững và ổn định.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra; tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực chưa cao, không ổn định, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao, tác động bất lợi đến sản xuất. Thủy sản phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; triển khai các công trình phục vụ phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản còn chậm; chưa có giải pháp khai thác năng lực đánh bắt xa bờ đã được đầu tư; công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi thực hiện chưa tốt, vẫn còn tình trạng cây, con giống kém chất lượng lưu thông trên địa bàn tỉnh. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thu hút đầu tư còn hạn chế; nhiều sản phẩm phải tiêu thụ qua trung gian, hiệu quả sản xuất không cao. Giá cả thị trường biến động làm ảnh hưởng đến sức mua và đời sống nhân dân; hoạt động du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chậm đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới chợ đầu mối; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; kim ngạch xuất khẩu chưa đạt kế hoạch đề ra, chưa có nhiều sản phẩm mới; dịch vụ ngân hàng, vốn hoạt động còn hạn chế. Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm và đạt thấp so với kế hoạch, còn tồn đọng khá lớn các dự án đầu tư đã đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán. Việc cấp quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà cho dân thực hiện còn chậm. Lực lượng lao động, nhất là ở nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu về tay nghề của các doanh nghiệp, công tác đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn còn thực hiện chậm, lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm còn thấp. Đội ngũ giáo viên tay nghề và năng lực sư phạm còn hạn chế; phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa có bước chuyển biến tích cực; tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn xảy ra ở mức khá cao; tiến độ xây dựng các trường chuẩn quốc gia còn chậm. Việc quá tải trong khám chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh chưa được khắc phục, chất lượng khám chữa bệnh chưa tốt; tiến độ xây dựng, nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên khoa và tuyến cơ sở triển khai thực hiện chậm; dịch sốt xuất huyết vẫn còn xảy ra, tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS, tệ nạn nghiện ma túy, mại dâm có chiều hướng gia tăng; công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh chưa được thực hiện thường xuyên và đồng bộ. Tình hình an ninh, trật tự xã hội, từng lúc từng nơi có những diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng còn ở mức cao. Việc giải quyết khiếu nại ở một số ngành, địa phương chưa được tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết đã có hiệu lực chưa kiên quyết.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2008

1. Mục tiêu, nhiệm vụ

Phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững hơn năm 2007; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - ngư - lâm nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cùng cả nước hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; phát triển đồng bộ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo....; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, kéo giảm phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông. Cải cách đồng bộ và toàn diện nền hành chính đi đôi với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và môi trường

a. Các chỉ tiêu kinh tế:

Tổng giá trị GDP tăng 14,5- 15% so với năm 2007; trong đó:

- Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng 3 - 3,5%;

- Giá trị tăng thêm của ngành lâm nghiệp tăng 9 - 10%;

- Giá trị tăng thêm của ngành thủy sản tăng 19- 20%;

- Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 21 -22%;

- Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng tăng 20 - 21%;

- Giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ tăng trên 24%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD, tăng 38,89% so với năm 2007.

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng 34,7% so với năm 2007.

Tổng thu ngân sách nhà nước 400 tỷ đồng tăng 21,58% so ước năm 2007, thu XSKT 144 tỷ đồng; ước tổng chi ngân sách 1.723,625 tỷ đồng.

b. Các chỉ tiêu xã hội:

- Tỷ lệ sinh giảm 0,40%o.

- Tạo việc làm mới cho 15.000 lao động.

- Tỷ lệ học sinh đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 98%; tỷ lệ học sinh đi học trung học cơ sở đúng độ tuổi đạt 89%.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%.

[...]