Nghị quyết 187/NQ-HĐND năm 2023 thông qua nội dung của Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 187/NQ-HĐND
Ngày ban hành 28/12/2023
Ngày có hiệu lực 28/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Mai Văn Huỳnh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/NQ-HĐND

Kiên Giang, ngày 28 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Tờ trình số 415/TTr-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết thông qua một số nội dung của Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra số 85/BC-BVHXH ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua một số nội dung của Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể như sau:

1. Quan điểm

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những chủ trương lớn, đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; phù hợp với Quy hoạch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Cân đối, hài hòa về cơ cấu giữa các ngành nghề; gắn chặt với 3 khâu: đào tạo, sử dụng và đãi ngộ; tạo môi trường thuận lợi để thu hút, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị và sử dụng lao động của toàn xã hội. Làm tốt công tác dự báo, định hướng nghề nghiệp, tư vấn và giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

2. Tầm nhìn và mục tiêu phát triển

a) Tầm nhìn phát triển đến năm 2050

Đến năm 2050, nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng lao động cho sự phát triển của tỉnh về số lượng và chất lượng, gắn với hình ảnh lao động chuyên nghiệp, năng suất và trình độ cao trong các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, Kiên Giang trở thành điểm đến cho nguồn lao động chất lượng cao trong nước và quốc tế.

b) Mục tiêu phát triển

- Mục tiêu đến năm 2030: Xây dựng nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng suất lao động, kỹ năng và văn hóa làm việc chuyên nghiệp theo hướng đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các hướng đột phá của tỉnh; tập trung các ngành quan trọng trong các lĩnh vực: kinh tế biển, du lịch, phát triển công nghiệp, kinh tế nông - ngư nghiệp và chuyển đổi số. Xây dựng nguồn nhân lực làm việc trong hệ thống cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo nhân sự vận hành Chính quyền Nhà nước năng động, quyết đoán, đáp ứng được mục tiêu phát triển của tỉnh đề ra. Xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo lao động phù hợp với cơ cấu lao động theo sự phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với cơ chế đặc thù vượt trội làm việc tại thành phố Phú Quốc và các cực phát triển trọng tâm của tỉnh.

- Mục tiêu giai đoạn 2030-2050: Tiếp tục nâng cao chất lượng các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030. Tạo đột phá trong thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, kết nối nhân tài. Nâng cao chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) từ năm 2031 trở đi luôn được cải thiện, phấn đấu tăng dần so với năm trước; các chỉ số về “thu hút nhân tài”, “giữ chân nhân tài” xếp hạng cao trong số các tỉnh có thu nhập trung bình cao.

3. Định hướng phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030

a) Phương hướng phát triển nguồn nhân lực khối Nhà nước theo lộ trình đến năm 2030

- Định hướng phát triển cán bộ công chức:

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn dự kiến giảm còn 28.000 người; trong đó: cán bộ, công chức cấp tỉnh và cấp huyện dự kiến khoảng 2.300 người; cán bộ công chức cấp xã được thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 dự kiến giảm còn 2.800-2.850 người.

Về định hướng cơ cấu phân theo các nhóm đối tượng: Số cán bộ nữ đạt tỷ lệ tối thiểu 40%; tỷ lệ cán bộ, công chức trình độ đại học trở lên đạt tối thiểu 90%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt tối thiểu 70%; tỷ lệ cán bộ có bằng cấp và chứng chỉ tin học đạt tối thiểu 92,5% để định hướng tốt và có khả năng vận dụng chuyển đổi số; tỷ lệ cán bộ trẻ có độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống đạt tối thiểu 30%. Đào tạo và tuyển dụng mới thay thế cán bộ công chức đến tuổi nghỉ hưu dự kiến 300 chỉ tiêu, ưu tiên trong các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo… và một số địa phương có lượng cán bộ công chức trên 50 tuổi số lượng lớn như: huyện An Minh, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, Hòn Đất, Vĩnh Thuận...

- Định hướng phát triển cán bộ viên chức ngành y tế:

Số lượng cán bộ, viên chức ngành y tế tối thiểu đạt 6.000 người, trong đó, tổng số viên chức do tỉnh trả lương khoảng 3.360 người. Số lượng viên chức ngành y đạt trình độ đại học trở lên (bằng đại học, bác sỹ chuyên khoa I, cấp thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II và cấp tiến sỹ) đạt tối thiểu 60% tổng lượng viên chức trong ngành. Trong đó, số lượng bác sỹ đạt tối thiểu 2.200 bác sỹ, hướng đến chỉ tiêu đạt 11,9 bác sỹ/vạn dân vào năm 2030. Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học tại các vùng có tỷ lệ đông người dân tộc, nâng cao số lượng bác sỹ có thể giao tiếp được bằng tiếng dân tộc (quy mô dự kiến đạt 100 viên chức). Tiếp tục đào tạo mới, gia tăng tỷ lệ bác sỹ có độ tuổi dưới 30 gia nhập ngành dự kiến trên 1.000 viên chức, tạo cơ sở thay thế cho đội ngũ viên chức đến tuổi nghỉ hưu dự kiến 650 người. Thu hút nhân tài trong ngành y dự kiến đạt quy mô khoảng 390-400 người, ưu tiên các bác sỹ công tác trong các chuyên ngành phong, lao, tâm thần, pháp y…

Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh phấn đấu mỗi đơn vị có từ 3-5 tiến sỹ, riêng bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt 10 tiến sỹ. Nâng tỷ lệ tự chủ các đơn vị sự nghiệp đạt trên 50%, riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt tỷ lệ tự chủ trên 95%.

- Định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục và đào tạo:

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức ngành đạt trên 22.500 người. Trong đó: tổng số cán bộ quản lý và giáo viên khối mầm non, phổ thông dự kiến khoảng 19.400 người; khối trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề tự chủ chi lương thường xuyên tối thiểu đạt 50%, số cán bộ công chức do tỉnh trả lương tối đa 600 người. Tăng chỉ tiêu đào tạo đội ngũ viên chức đạt từ cấp độ đại học trở lên nhằm bổ sung số lượng viên chức là cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, viên chức là giáo viên các cấp, đặc biệt tăng cường đội ngũ giáo viên tại các cơ sở dạy nghề. Trong đó, phấn đấu số lượng viên chức có học vị tiến sỹ đạt tối thiểu 60 người, có học vị thạc sỹ tối thiểu đạt 1.250 người.

- Định hướng phát triển viên chức trong khối ngành khoa học công nghệ, khoa học xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch và lĩnh vực khác:

Tổng số viên chức khoa học đạt trên 1.500 người, đào tạo mới và bổ sung khoảng 200 cán bộ công chức, viên chức. Nâng tổng số nhân lực khoa học công nghệ trên địa bàn đạt khoảng 8,37 người/vạn dân (chỉ xét riêng khối công chức, viên chức). Các lĩnh vực được ưu tiên đào tạo như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, khoa học về vật liệu xây dựng… phục vụ phát triển thế mạnh nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế biển và du lịch.

[...]