Nghị quyết 18/2020/NQ-HĐND về hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030

Số hiệu 18/2020/NQ-HĐND
Ngày ban hành 07/12/2020
Ngày có hiệu lực 01/01/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Lê Trường Lưu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2020/NQ-HĐND

Thừa Thiên Huế, ngày 07 tháng 12  năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC HỖ TRỢ ĐẦU TƯ BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI CÁC DI TÍCH ĐÃ ĐƯỢC XẾP HẠNG (NẰM NGOÀI QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP LẦN THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 7/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015

Căn cứ Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Xét Tờ trình số 10931/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

b) Đối tượng áp dụng

Các di tích được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố Huế.

Các cơ quan, tổ chức, địa phương được giao trực tiếp quản lý, phối hợp quản lý di tích (Danh mục 123 di tích và phân cấp quản lý di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế - Phụ lục I đính kèm).

2. Mục tiêu

Nâng cao hiệu quả, tính chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa tham gia vào công tác chống xuống cấp di tích (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế).

Xây dựng kế hoạch chi tiết và phân kỳ đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo quản di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) theo thứ tự ưu tiên, tính cấp thiết trên cơ sở hiện trạng xuống cấp của di tích, trong đó:

Giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi cho khoảng 66 di tích: 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia, 33 di tích cấp tỉnh; hoàn thành công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích;

Giai đoạn 2026 - 2030, tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi cho khoảng 57 di tích: 26 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh.

3. Nguyên tắc bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước

a) Các đơn vị, địa phương được giao trực tiếp quản lý di tích phải chủ động cân đối để bố trí kinh phí hỗ trợ hằng năm cho công tác bảo quản định kỳ, tu bổ, phục hồi di tích; kiểm kê, số hóa và bảo quản hiện vật thuộc di tích. Tổ chức huy động kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích do cộng đồng dân cư, dòng họ quản lý, sử dụng hoặc di tích phục vụ đời sống tâm linh.

b) Hỗ trợ cho công tác chuẩn bị đầu tư, tư vấn lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích và ưu tiên đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh; di tích lịch sử cách mạng quan trọng; di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc biệt, nổi bật; di tích khảo cổ; các di tích có tiềm năng phát huy giá trị, khai thác phát triển du lịch nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng.

c) Xem xét đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thông qua Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa và nguồn khác hàng năm để thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) đối với các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia.

d) Xem xét bố trí nguồn kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương tập trung nhiều di tích bị xuống cấp; các địa phương có điều kiện kinh tế còn khó khăn; các địa phương có các dự án tu bổ, tôn tạo di tích có quy mô đầu tư lớn nhưng không có khả năng huy động nguồn vốn theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện thực tiễn đối ứng, khả năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước hợp pháp của địa phương và nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trên tổng mức đầu tư của dự án.

đ) Đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải tập trung, không bố trí kinh phí phân tán, dàn trải cho tất cả các di tích. Trong đó, sử dụng nguồn vốn ngân sách sự nghiệp để hỗ trợ thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích dưới 1 tỷ đồng (sau khi đã cân đối trừ nguồn Trung ương hỗ trợ và nguồn huy động ngoài ngân sách nhà nước); sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn để hỗ trợ thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích từ 1 tỷ đồng trở lên (sau khi đã cân đối trừ nguồn Trung ương hỗ trợ và nguồn huy động ngoài ngân sách nhà nước).

[...]