Nghị quyết 179/2009/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020

Số hiệu 179/2009/NQ-HĐND
Ngày ban hành 20/04/2009
Ngày có hiệu lực 25/04/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Ngô Đức Vượng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/2009/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 20 tháng 4 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 56/2003/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XV về xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin - thể thao tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2003 - 2010;

Sau khi xem xét Tờ trình số 750/TTr-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị thông qua quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng nền văn hóa trên địa bàn tỉnh đậm đà bản sắc vùng Đất Tổ, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ thành trung tâm văn hóa về cội nguồn của cả nước. Bảo tồn, phát triển di sản văn hóa đi đôi với xây dựng các thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân trong tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Về lĩnh vực văn hóa truyền thống:

+ Người xem trưng bày tại các bảo tàng và phòng truyền thống: Phấn đấu năm 2010 đạt 0,1 lần/năm; năm 2015 đạt 0,2 lần/năm; năm 2020 đạt 0,5 lần/năm; hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng Bảo tàng Hùng Vương vào năm 2010;

+ Số di tích xếp hạng được tu bổ: Năm 2010 đạt 30%, năm 2015 đạt 60% và năm 2020 đạt 80%, trong đó tập trung trùng tu, xây dựng các công trình tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các di tích liên quan đến thời đại Hùng Vương;

+ Năm 2010: Hoàn thành việc kiểm kê các loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; sưu tầm, phục dựng các loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu liên quan đến thời đại Hùng Vương. Đến năm 2011: Di sản văn hóa "Hát Xoan" được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đến năm 2015: 30% các loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu được điều tra, phục dựng lưu trữ tại ngân hàng dữ liệu của Bảo tàng Hùng Vương; 33 lễ hội truyền thống tiêu biểu được đầu tư phục dựng bảo tồn. Đến năm 2020: 70% các loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu được điều tra, phục dựng, lưu trữ.

- Về phát triển đời sống văn hóa cơ sở:

+ Đảm bảo mỗi người dân có 0,7 cuốn sách trong thư viện công cộng vào năm 2010; 1,5 cuốn sách vào năm 2015 và 02 cuốn sách vào năm 2020;

+ Người dân được xem phim nhựa: Đến năm: 2010 bình quân 0,8 lượt/người/năm, năm 2015 đạt 1,5 lượt/người/năm và năm 2020 đạt 3 lượt/người/năm;

+ Người dân xem biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: Đến năm 2010 đạt 0,4 lượt/người/năm (trong đó, vùng sâu, vùng xa đạt 0,2 lượt/người/năm); năm 2015 đạt 0,6 lượt/người/năm (trong đó, vùng sâu, vùng xa đạt 0,4 lượt/người/năm); năm 2020 đạt 01 lượt/người/năm (trong đó, vùng sâu, vùng xa đạt 0,8 lượt/người/năm);

+ Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa: Đến năm 2010 đạt trên 80%; năm 2015 đạt trên 82% và năm 2020 đạt trên 85%.

+ Làng, bản, khu dân cư đạt chuẩn văn hóa: Đến năm 2010 đạt trên 75%; năm 2015 đạt trên 80% và năm 2020 đạt 85%.

- Về xây dựng các thiết chế văn hóa:

+ Xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa đến năm 2010: Tập trung hoàn thành Bảo tàng Hùng Vương, Quảng trường Festival và các công trình tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Lạc Long Quân, sân trung tâm lễ hội, cổng Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đảm bảo 75% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa xã và 100% làng, bản, khu dân cư có nhà văn hóa;

+ Đến năm 2015: Hoàn thành xây dựng Trung tâm văn hóa - thông tin của tỉnh, Nhà thiếu nhi tỉnh, Quảng trường trung tâm thành phố Việt Trì, Bảo tàng ngoài trời - khu di tích Làng Cả và các công trình trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng theo Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ. Cải tạo, sửa chữa các rạp chiếu phim, nhà tập luyện các đoàn nghệ thuật. Đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh hiện đại hóa, tin học hóa, số hóa 20% tài liệu quý hiếm. 13/13 huyện, thành, thị hoàn thành xây dựng Trung tâm văn hóa - thông tin và thư viện đảm bảo theo tiêu chuẩn, 50% các huyện, thành, thị có Nhà thiếu thi; 100% các xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa.

+ Đến năm 2020: Hoàn thành xây dựng các thiết chế từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo đồng bộ, hiện đại, gồm: Hệ thống Nhà văn hóa (trung tâm văn hóa - thông tin), Thư viện, Bảo tàng: Bảo tàng Hùng Vương, Bảo tàng ngoài trời - di tích xóm Rền - xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, di tích Gò Mun - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Nhà hát nghệ thuật truyền thống, các rạp chiếu phim, hệ thống tượng đài, quảng trường (tượng đài biểu tượng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, tượng đài Chiến thắng Tu Vũ, tượng đài Chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản); Vườn tượng điêu khắc và Nhà thiếu nhi.

- Kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ:

[...]