Nghị quyết 175/NQ-CP năm 2023 phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia do Chính phủ ban hành

Số hiệu 175/NQ-CP
Ngày ban hành 30/10/2023
Ngày có hiệu lực 30/10/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 175/NQ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân ngày 22 tháng 6 năm 2023;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành quy chế làm việc của Chính phủ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia (sau đây gọi tắt là Đề án), với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA

1. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với các quy hoạch, chiến lược phát triển quốc gia; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với sự phát triển của các cơ sở dữ liệu quốc gia và tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai Đề án phải có tính khả thi, bảo đảm việc xây dựng, quản lý, khai thác Trung tâm dữ liệu quốc gia hiệu quả, bền vững.

2. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, phù hợp với xu thế và xứng tầm thế giới. Công tác triển khai cần thực hiện nhanh nhằm tạo nền tảng để thay đổi một cách căn bản, toàn diện việc thu thập, lưu trữ, quản lý, cung cấp, tích hợp, chia sẻ thông tin, phân tích dữ liệu của Chính phủ bảo đảm mục tiêu quản lý xã hội, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công và tiện ích cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; sản phẩm tạo ra phải là công cụ giải quyết, tháo gỡ các điểm nghẽn, cũng như tạo đột phá trong phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống cơ sở dữ liệu khác hình thành trong tương lai. Trung tâm dữ liệu quốc gia phải trở thành một thành phần hạ tầng số quan trọng phục vụ phát triển kinh tế và quản lý xã hội phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.

3. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia phải ứng dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, có giá trị sử dụng lâu dài, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là phát triển hệ sinh thái các dịch vụ và công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... để nâng cao hiệu quả trong quản lý, vận hành và khai thác; tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa về hạ tầng kỹ thuật số, nền tảng kết nối; tận dụng tối đa và kế thừa có hiệu quả các dịch vụ, ứng dụng, hệ thống đã được triển khai trước đây và tối ưu, hiệu quả, bảo mật, chống lãng phí các dịch vụ, hệ thống dự kiến triển khai trong thời gian tới. Tối ưu hóa thời gian, chi phí đầu tư, nguồn nhân lực trong triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia.

4. Trung tâm dữ liệu quốc gia phải bảo đảm là một trụ cột quan trọng phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ đắc lực và hiện đại hóa công tác quản lý xã hội. Trung tâm dữ liệu quốc gia phải là nơi tập hợp các thông tin, dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và trở thành một trung tâm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ và điều phối thông tin, phân tích dữ liệu về con người và các dữ liệu tổng hợp quốc gia. Trung tâm này phải có tính sẵn sàng cao, hoạt động liên tục 24/7, sự ổn định cao; khả năng bảo đảm an toàn dữ liệu, an ninh thông tin, an ninh mạng ở cấp độ cao nhất; triển khai theo hướng mở, phát triển các dịch vụ tiện ích, giá trị gia tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về tích hợp, thu thập, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu.

5. Xác định rõ phạm vi, lộ trình triển khai Đề án; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đặc biệt về đầu tư, xây dựng, cấu hình, đấu thầu, chỉ định thầu, thanh toán, quyết toán, kiểm toán, giải ngân... để bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện đề án; đồng thời cần phân chia giai đoạn đầu tư phù hợp, đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lặp, chồng chéo, lãng phí đáp ứng yêu cầu đề ra; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng lãnh thổ.

II. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA

1. Vị trí

Trung tâm dữ liệu quốc gia là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp1 từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đồng thời cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

2. Vai trò của Trung tâm dữ liệu quốc gia

- Tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối tất cả các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu liên quan đến con người (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người có liên quan đến hoạt động kinh tế - xã hội tại Việt Nam) theo quy định của pháp luật để tạo dựng kho dữ liệu về con người; dữ liệu liên quan đến con người bao gồm các thông tin đã được số hóa có nội dung gắn với con người bao gồm: dữ liệu dân cư, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, cán bộ công chức, viên chức, căn cước, hộ tịch, hoạt động tài chính, và các hoạt động khác từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở dữ liệu khác.

- Sử dụng các dữ liệu đã được thu thập, đồng bộ để thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện sự phục vụ của cơ quan nhà nước cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tiến hành phân tích chuyên sâu nhằm hỗ trợ Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước; đưa ra các chính sách an sinh liên quan đến bảo hiểm, y tế, giáo dục,... góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ cho xã hội.

- Phân tích chuyên sâu các dữ liệu bảo đảm việc hỗ trợ công tác xây dựng các cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển quốc gia. Đồng thời tạo điều kiện phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ mới trên nền các dữ liệu số được khai thác từ các kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

[...]