Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND quy định về phân cấp quản lý ngân sách các cấp chính quyền địa phương thuộc tỉnh Bắc Ninh năm 2022

Số hiệu 17/2021/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2021
Ngày có hiệu lực 01/01/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Quốc Chung
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2021/NQ-HĐND

Bắc Ninh, ngày 08 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ NGÂN SÁCH CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG THUỘC TỈNH BẮC NINH NĂM 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XIX KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 822/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý ngân sách các cấp chính quyền địa phương thuộc tỉnh Bắc Ninh năm 2022; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu,

QUYẾT NGHỊ:

Ban hành “Quy định phân cấp quản lý ngân sách các cấp chính quyền địa phương thuộc tỉnh Bắc Ninh năm 2022” như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định chi tiết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; thưởng vượt thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương. Các nội dung khác liên quan đến quản lý ngân sách thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Quy định về phân cấp quản lý ngân sách các cấp chính quyền địa phương áp dụng cho năm ngân sách 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

1. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh;

2. Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao;

3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến ngân sách tỉnh.

Điều 3. Nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương:

1. Ngân sách mỗi cấp chính quyền địa phương được phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với từng lĩnh vực và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư, trình độ quản lý;

2. Ngân sách tỉnh giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh; bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới;

3. Nguyên tắc phân cấp nguồn thu

a) Chú trọng khả năng đáp ứng nhu cầu chi tại chỗ, khuyến khích khai thác thu và phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng vùng. Nguồn thu gắn liền với vai trò quản lý của cấp chính quyền nào thì phân cấp cho ngân sách cấp chính quyền đó;

b) Phân cấp tối đa nguồn thu trên địa bàn để bảo đảm nhiệm vụ chi được giao trừ các nguồn thu không ổn định hàng năm; hạn chế bổ sung từ ngân sách cấp trên;

c) Ngân sách cấp xã được phân chia nguồn thu từ các khoản: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Lệ phí môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh; thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình;

d) Không phân cấp cho ngân sách cấp xã 100% các khoản thu không ổn định như các khoản thu liên quan đến đất (thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất; lệ phí trước bạ nhà, đất) để tránh mất cân đối khi nguồn thu này tăng, giảm bất thường;

đ) Hạn chế phân cấp cho nhiều cấp ngân sách đối với các nguồn thu có quy mô nhỏ.

[...]