Nghị quyết 17/2020/NQ-HĐND về Kế hoạch tài chính giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Nam

Số hiệu 17/2020/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2020
Ngày có hiệu lực 18/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Phạm Sỹ Lợi
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
 TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2020/NQ-HĐND

 Hà Nam, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH GIAI ĐOẠN 2021-2025 TỈNH HÀ NAM

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
 KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI TÁM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;

Căn cứ Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23/3/2017 của Chính phủ ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm.

Căn cứ Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;

Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025.

Xét Tờ trình số 3641/TTr-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết về Kế hoạch tài chính giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Nam; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận, thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Kế hoạch tài chính giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Nam với một số nội dung chính sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và cơ chế tài chính địa phương; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng hợp lý; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đầu tư hợp lý cho con người và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Về thu ngân sách nhà nước: Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 62.356 tỷ đồng, tăng khoảng 1,62 lần so với giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 14,1% GRDP, trong đó thu từ thuế, phí, lệ phí khoảng 10,8% GRDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 83-84% trong tổng thu ngân sách nhà nước, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bình quân chiếm khoảng 16-17% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Đến năm 2025, dự kiến thu ngân sách nhà nước khoảng 16.063 tỷ đồng.

2.2. Về chi ngân sách địa phương: Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tích cực, hợp lý. Tổng chi ngân sách địa phương cả giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 50.808 tỷ đồng.

2.3. Về bội chi ngân sách nhà nước và nợ công: Đảm bảo hạn mức dư nợ vay tối đa của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.

3. Một số nhiệm vụ trọng tâm

3.1. Nhiệm vụ thu ngân sách: Đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì ổn định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu ngân sách nhà nước, chủ động xử lý các tác động đến nguồn thu ngân sách. Đảm bảo tỷ trọng thu nội địa không thấp hơn mức quy định trên, phù hợp với sự phát triển của đất nước và địa phương. Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, giảm mạnh nợ đọng thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đa việc đề ra các chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước.

3.2. Nhiệm vụ chi ngân sách: Bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội và chi quốc phòng, an ninh. Tăng cường kỷ luật tài chính, điều hành ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. Từng bước cơ cấu lại ngân sách gắn với sắp xếp, tinh gọn bộ máy hoạt động trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Đầu tư xây dựng cơ bản có trọng tâm, trọng điểm; các chương trình dự án đầu tư công phải gắn liền với việc thực hiện các chỉ tiêu chính để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, gắn với giảm nghèo bền vững.

3.3. Về bội chi NSNN và nợ công: Chủ động xây dựng kế hoạch trả nợ, bố trí nguồn để trả nợ. Đồng thời xây dựng kế hoạch xử lý nợ xây dựng cơ bản đến năm 2025 và quản lý, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và hiệu quả.

4. Các giải pháp chủ yếu

4.1. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thu, chi ngân sách, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4.2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, chủ động xử lý các tác động đến nguồn thu ngân sách, quyết tâm phấn đấu thu NSNN đạt và vượt dự toán giao. Quyết liệt chỉ đạo chống thất thu thuế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đất đai, tài nguyên khoáng sản. Phát huy tốt nguồn lực đất đai để tăng thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

4.3. Thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước đảm bảo theo mục tiêu, định hướng đã đề ra. Từng bước quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ (kết quả đầu ra). Bố trí chi ngân sách theo hướng tích cực, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, ưu tiên bố trí chi lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế; lồng ghép nguồn lực của địa phương cùng với nguồn lực của ngân sách trung ương thực hiện các chính sách xóa đói, giảm nghèo... đảm bảo các chính sách ưu đãi của nhà nước đến người dân.

4.4. Đẩy mạnh cải cách khu vực sự nghiệp công, kết hợp với xã hội hóa; thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí góp phần nâng cao tính tự chủ của các đơn vị, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương.

4.5. Tiếp tục việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương, thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam, triển khai Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; kiện toàn, sắp xếp bộ máy các đơn vị hành chính cấp xã được sáp nhập theo Nghị quyết số 829/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hà Nam.

[...]