Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 169/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2020

Số hiệu 169/NQ-CP
Ngày ban hành 11/11/2020
Ngày có hiệu lực 11/11/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 169/NQ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 10 NĂM 2020

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2020, tổ chức vào ngày 30 tháng 10 năm 2020,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về công tác ứng phó bão lũ, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống người dân

Vừa qua, tại các tỉnh miền Trung xảy ra liên tiếp tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”, riêng tháng 10 có tới 4 cơn bão lớn, trong đó cơn bão số 9 được đánh giá là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua đã gây mưa, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng và sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều điểm, ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân. Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, nhất là cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động ứng phó quyết liệt, kịp thời với phương châm “4 tại chỗ”; thành lập Sở chỉ huy tiền phương ngay tại tâm bão để chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ và tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; xuất cấp hàng chục nghìn tấn gạo và bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân; có biện pháp bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương khắc phục hậu quả. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, lãnh đạo các địa phương đã ngày đêm túc trực, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường; nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp đến khu vực bị bão, lũ để chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại.

Chính phủ chia sẻ mất mát, khó khăn của đồng bào miền Trung, đặc biệt là gia đình của những người bị nạn, các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Trong khó khăn, hoạn nạn, chúng ta càng thấy ngời sáng tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả nước cùng hướng về miền Trung ruột thịt. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, với tinh thần sẻ chia, tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã có nhiều việc làm thiết thực hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, thể hiện nét đẹp văn hóa, truyền thông và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Chính phủ đánh giá cao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương, các lực lượng quân đội, công an, nhất là các đơn vị trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, trong đó có hàng chục cán bộ, chiến sỹ, có những sỹ quan cao cấp đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các địa phương cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, chủ động xây dựng phương án, huy động lực lượng di dời kịp thời người dân đến nơi an toàn; chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân vùng bị thiên tai, bão lũ, sạt lở đất với tinh thần không để người dân bị đói rét, không có chỗ ở; bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; giúp người dân sửa chữa nhà cửa hư hỏng, khôi phục các cơ sở hạ tầng bị thiệt hại để sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng bị thiên tai; trong đó yêu cầu:

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo huy động phương tiện, lực lượng cần thiết, khẩn cấp triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân, người mất tích do bị sạt lở đất, ngư dân mất liên lạc trên biển; đồng thời có phương án bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ sớm ổn định đời sống và sản xuất.

- Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương khôi phục lại hoạt động của các cơ sở y tế bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; tập trung huy động nguồn lực cứu chữa những người bị nạn. Đồng thời, hướng dẫn, khuyến cáo cách xử lý nước sinh hoạt an toàn; bảo đảm vệ sinh môi trường và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các địa phương bị thiệt hại do thiên tai khắc phục khó khăn, bảo đảm các điều kiện cần thiết để học sinh sớm được đến trường; hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình dạy và học.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan và các địa phương liên quan khẩn trương tổng hợp đề xuất hỗ trợ thiệt hại do thiên tai của các địa phương. Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất tại vùng bị thiệt hại do thiên tai theo quy định.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên, báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vay vốn và thực hiện xử lý nợ vay bị rủi ro theo quy định.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan sớm rà soát, đề xuất và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai.

- Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức cung ứng đầy đủ các hàng hóa, vật tư thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương khôi phục hệ thống lưới điện, bảo đảm cung ứng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

- Bộ Giao thông vận tải khẩn trương có phương án khắc phục, khôi phục các cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là những khu vực giao thông bị chia cắt; bảo đảm an toàn giao thông vùng bị thiệt hại do thiên tai.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tiếp tục phát huy truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ nhân dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai bão lũ sớm vượt qua khó khăn, mất mát, ổn định đời sống. Các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để cộng đồng doanh nghiệp, người dân nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động để bù đắp, góp phần giảm bớt những tổn thất, thiệt hại do thiên tai, bão lũ đã gây ra đối với đồng bào miền Trung.

2. Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020

Chính phủ thống nhất đánh giá: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có chuyển biến tích cực. Chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, không để lây lan trong cộng đồng; tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục đã phục hồi và được các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao (Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm 2020 Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN-5, quy mô GDP đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á). Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục xu hướng giảm dần, bình quân 10 tháng tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tiếp tục là điểm sáng; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 69,8% kế hoạch cả năm. Tiếp tục thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Xuất khẩu tăng 4,7%; xuất siêu đạt kỷ lục 18,72 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tháng 10 có dấu hiệu khởi sắc, trong đó ngành chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng tăng, tháng 10 tăng 2,4% so với tháng trước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 tăng 18,4% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4% so với tháng trước. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng lên. Việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp đã tạo thêm niềm tin, khí thế mới trong toàn xã hội tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh kết quả đạt được và thời cơ, thuận lợi, nước ta vẫn phải đối mặt vẫn nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều nước phải áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội; căng thẳng thương mại và nguy cơ bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực. Trong nước, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, đe dọa tính mạng, đời sống của người dân và ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, nền kinh tế tuy đã từng bước phục hồi nhưng không đồng đều, ngành dịch vụ, nhất là hàng không, du lịch, lưu trú vẫn suy giảm sâu; ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là với một số đối tác lớn.

Để hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong thời gian còn lại của năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5 - 3%; tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng thực hiện một số nội dung sau:

[...]