Nghị quyết 16/2007/NQ-HĐND về chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2007 - 2010 do Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XIV, kỳ họp thứ 10 ban hành

Số hiệu 16/2007/NQ-HĐND
Ngày ban hành 04/07/2007
Ngày có hiệu lực 09/07/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Trịnh Đình Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 16/2007/NQ-HĐND

Vĩnh Yên, ngày 04 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26-11-2003;

Căn cứ Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08-7-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05-02-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010;

Theo đề nghị tại Tờ trình số 58/TTr-UBND ngày 9-6-2007 của UBND tỉnh về chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2007 - 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2007 - 2010 với những nội dung sau:

I - Mục tiêu:

- Mỗi năm giảm ít nhất 2% tỷ lệ hộ nghèo (theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08-7-2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010).

- Đến hết năm 2008 không còn hộ chính sách nghèo; không còn hộ nghèo do nguyên nhân thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm; xoá cơ bản nhà tạm cho hộ nghèo.

- Giải quyết việc làm từ 24 đến 25 nghìn người/năm.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 45% vào năm 2010, trong đó đào tạo nghề 34,5%.

II - những giải pháp chủ yếu.

1. Về giảm nghèo.

1.1- Nâng cao nhận thức và năng lực:

Tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo. Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin cho nông dân; phát hiện, nhân rộng các mô hình giảm nghèo thành công; biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến về giảm nghèo. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá chất lượng giảm nghèo ở các cấp; xây dựng phần mềm quản lý danh sách hộ nghèo ở cấp huyện và tỉnh; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chương trình hàng năm.

1.2- Cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất đối với hộ nghèo và các đối tượng xã hội:

- Hộ nghèo dân tộc thiểu số ở 17 xã thuộc vùng khó khăn có thu nhập bình quân đầu người dưới 60.000đ/tháng, tổng giá trị tài sản không quá 3 triệu đồng (không kể nhà, đất ở) được vay một hoặc nhiều lần, mỗi lần không quá 5 triệu đồng với lãi suất cho vay bằng 0%.

- Trích ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất cho vay hàng tháng đối với các đối tượng:

+ Hỗ trợ 100% lãi suất đối với hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng.

+ Hỗ trợ 50% lãi xuất đối với những hộ nghèo còn lại, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, THCN và dạy nghề.

+ Hỗ trợ 50% lãi suất (theo lãi suất cho vay hộ nghèo) đối với người đã hết thời hạn chấp hành hình phạt tù; người vi phạm các tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm) đã cai nghiện chữa khỏi bệnh hoà nhập cộng đồng, không vi phạm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và được chính quyền địa phương xác nhận.

1.3- Hướng dẫn cách làm khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đối với người nghèo:

Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, huấn luyện nghề ngắn hạn, cung cấp thông tin cho nông dân về: Kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh doanh dịch vụ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và một số ngành nghề khác trong nông nghiệp.

1.4- Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ nghèo dân tộc thiểu số:

Tiếp tục thực hiện Quyết định 134/2004/TTg ngày 20-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

[...]