Nghị quyết 15/NQ-HĐND năm 2023 thông qua quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 15/NQ-HĐND
Ngày ban hành 07/09/2023
Ngày có hiệu lực 07/09/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Hồ Thị Hoàng Yến
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/NQ-HĐND

Bến Tre, ngày 07 tháng 9 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỈNH BẾN TRE THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 10 (KỲ HỌP ĐỂ GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC PHÁT SINH ĐỘT XUẤT)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 916/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Báo cáo số 1091/BC-HĐTĐ ngày 20 tháng 02 năm 2023 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thẩm định Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Tờ trình số 5239/TTr-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh Bến Tre) với những nội dung chính như sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH TỈNH

Phạm vi, ranh giới Quy hoạch tỉnh Bến Tre bao gồm toàn bộ phận lãnh thổ đất liền tỉnh Bến Tre và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VÀ CÁC ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Quy hoạch tỉnh Bến Tre phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định; phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Phát triển về hướng Đông là định hướng và tầm nhìn xuyên suốt của quy hoạch, sắp xếp dân cư và lấn biển tạo quỹ đất sạch để mở rộng không gian phát triển mới. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông trục ven biển; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến - chế tạo; phát triển các khu đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng khu vực phía Đông của tỉnh Bến Tre trở thành khu kinh tế biển phát triển năng động và là khu vực động lực mới của tỉnh.

c) Phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt, nổi trội và lợi thế địa kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Không gian phát triển của tỉnh được tổ chức hợp lý, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; tập trung phát triển nhanh một số địa bàn có điều kiện thuận lợi, làm động lực phát triển chung toàn tỉnh, hỗ trợ các địa bàn khó khăn; phát triển hợp lý giữa khu vực đô thị và nông thôn.

d) Khơi dậy khát vọng phát triển và phát huy các giá trị văn hóa, con người để xây dựng tỉnh Bến Tre đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Phát huy nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng đào tạo, thu hút, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng.

đ) Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất, cát, nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; bảo vệ môi trường, giữ vững cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

e) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên cơ sở củng cố cơ sở vật chất và lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

[...]