Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị quyết số 149-CP về việc chỉ đạo cuộc vận động phát huy dân chủ, tăng cường chế độ làm chủ tập thể ở nông thôn, đẩy mạnh việc thực hiện Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 149-CP
Ngày ban hành 17/08/1970
Ngày có hiệu lực 01/09/1970
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 149-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 1970 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC CHỈ ĐẠO CUỘC VẬN ĐỘNG PHÁT HUY DÂN CHỦ, TĂNG CƯỜNG CHẾ ĐỘ LÀM CHỦ TẬP THỂ Ở NÔNG THÔN, ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN ĐIỀU LỆ HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

I. VỊ TRÍ CỦA CUỘC VẬN ĐỘNG

Sau khi nghiên cứu Nghị quyết của Bộ Chính trị. Hội đồng Chính phủ nhất trí nhận định rằng: “Vấn đề phát huy dân chủ, tăng cường chế độ làm chủ tập thể ở nông thôn là một cuộc vận động lớn nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, củng cố và phát triển phong trào hợp tác hoá và xây dựng nông thôn mới”.

Trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, công tác quản lý nền nông nghiệp tập thể trong những năm qua đã có những tiến bộ rõ rệt. Trên cơ sở quan hệ sản xuất mới được xác lập, trải qua 2 lần cải tiến quản lý và tiến hành các cuộc vận động khác ở nông thôn, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ngày càng được củng cố. Phương hướng sản xuất chuyên canh đang được hình thành; cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trong nông nghiệp đang được tăng cường từng bước; những biện pháp kỹ thuật tiên tiến đang được áp dụng một cách rộng rãi. Các tỉnh và các vùng sản xuất khác nhau đều có những hợp tác xã sản xuất giỏi, quản lý tốt và ngày càng tích luỹ thêm được nhiều kinh nghiệm. Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã trở thành những đơn vị sản xuất chủ yếu trên mặt trận nông nghiệp của miền Bắc nước ta. Nhờ có sức mạnh của quan hệ sản xuất mới, nền nông nghiệp tập thể xã hội chủ nghĩa đã vượt qua nhiều thử thách về thiên tai và dịch họa, đã đẩy mạnh được phong trào làm thuỷ lợi và kiến thiết đồng ruộng trên quy mô lớn; đã mở nhanh diện tích đạt 5 tấn trên phạm vi rộng. Trong những năm khói lửa của chiến tranh, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã đóng một vai trò xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và tổ chức đời sống ở nông thôn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, những khuyết điểm và nhược điểm nổi lên hiện nay là việc xây dựng và thực hiện các chế độ bảo đảm quyền làm chủ tập thể của quần chúng trong quản lý hợp tác xã chưa tiến kịp với yêu cầu của chế độ chính trị ở miền Bắc và quan hệ sản xuất mới.

Trong hợp tác xã do thiếu chế độ quản lý cụ thể, chặt chẽ nên ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của tập thể quản lý và sử dụng chưa tốt. Phương hướng sản xuất và quy mô hợp tác xã chưa ổn định. Việc định mức lao động và thực hiện chế độ 3 khoán cho các đội sản xuất nhiều hợp tác xã chưa làm được, việc sử dụng công điểm đang còn rất tuỳ tiện. Công tác quản lý tài vụ còn nhiều sơ hở. Phân phối còn mang nặng tính chất bình quân, chế độ thanh toán, quyết toán hàng năm thực hiện chưa tốt, vốn đọng khá nhiều; về ngành, nghề thì có nhiều nghề còn bị thua lỗ. Vốn đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngày một tăng nhưng sản xuất lại tăng rất chậm hoặc không tăng, chi phí cao, thu nhập ngày công giảm. Nguồn thu của xã viên từ kinh tế tập thể đang còn thấp. Tất cả những điều đó đã có ảnh hưởng không tốt tới việc phát huy nhiệt tình cách mạng và năng lực sáng tạo to lớn của quần chúng trong việc củng cố và phát triển các hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất và không ngừng mở rộng nền kinh tế tập thể và cũng do đó mà cuộc đấu tranh giữa tập thể với cá thể, giữa sản xuất lớn với sản xuất đang diễn ra phức tạp.

Về quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với các hợp tác xã cũng có những việc giải quyết chưa thích đáng, không sát với sản xuất nông nghiệp và củng cố hợp tác xã nên đã có ảnh hưởng không tốt tới việc thúc đẩy sản xuất phát triển, có khi còn gây trở ngại cho sản xuất, gây khó khăn cho hợp tác xã.

Vì vậy, sau khi Nhà nước ban hành Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc vận động này chính là nhằm phát động quần chúng đẩy mạnh việc cây dựng các quy chế đẻ tăng cường chế độ là chủ tập của quần chúng xã viên xã viên ở nông thôn về các mặt sản xuất, phân phối và tuyển cứ. Giải quyết những vấn đề đó không chỉ là vấn đề riêng của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp mà còn quan hệ đến nhiều ngành hoạt động kinh tế, nội chính, văn giáo của các cơ quan Nhà nước.

Làm tốt cuộc vận động này cũng chính là để bảo đảm quyền làm chủ của hợp tác xã và các xã viên một cách đầy đủ hơn, bảo đảm cho Điều lệ của hợp tác xã được thực hiện tốt, đẩy mạnh việc củng cố và không ngừng hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với hợp tác xã, thiết thực củng cố khối liên minh công nông, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển, tăng thu nhập cho hợp tác xã và xã viên, tăng nông sản hàng hoá cho Nhà nước.

II. NỘI DUNG CUỘC VẬN ĐỘNG

Trong Nghị quyết, Bộ Chính trị đã ghi rõ: “Vấn đề phát huy dân chủ, tăng cường chế độ làm chủ tập thể của quần chúng ở nông thôn bao gồm nhiều mặt: kinh tế, chính trị và xã hội nhưng phải lấy kinh tế là trọng tâm và trước hết phải làm tốt trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp”.

1. Trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải bảo đảm cho mọi xã viên có thể phát huy đầy đủ quyền làm chủ tập thể của mình trong việc quản lý nền kinh tế tập thể và không ngừng nâng cao năng suất lao động, thực hiện tốt cả 2 mặt nghĩa vụ và quyền lợi, bảo đảm cho hợp tác xã giữ vững tính chất là một tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa, đồng thời làm tốt nhiệm vụ của một đơn vị kế hoạch nông nghiệp cơ sở.

Muốn thực hiện tốt những vấn đề đó, điều quan trọng là phải đẩy mạnh việc thực hiện Điều lệ hợp tác xã, trước hết là phải bảo đảm cho các xã viên có thể phát huy đầy đủ quyền làm chủ tập thể của mình trên các mặt sản xuất, phân phối và tuyển cử. Đó là những vấn đề có ý nghĩa bức thiết đối với việc tăng cường quan hệ sản xuất mới trong nông thôn hiện nay và cũng trên cơ sở quán triệt Điều lệ và thông qua việc phát động quần chúng bàn bạc các mặt công tác quản lý mà cụ thể hoá thành các nội quy, chế độ của từng hợp tác xã, bảo đảm cho công tác quản lý trong mỗi hợp tác xã ngày càng chặt chẽ hơn và cũng qua đó mà đấu tranh khắc phục các tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lợi dụng, vi phạm quyền làm chủ tập thể của hợp tác xã và xã viên.

Để thực hiện 3 nội dung nói trên, các hợp tác xã phải đạt được những yêu cầu cụ thể sau đây:

a) Về sản xuất và lao động. Căn cứ vào những quy định trong Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, mỗi hợp tác xã phải chủ động xem xét lại từ việc quản lý và sử dụng toàn bộ tư liệu sản xuất của tập thể cho đến việc xác định phương hướng sản xuất, xây dựng kế hoạch sản xuất như thế nào là có lợi nhất cho việc phát triển kinh tế tập thể, đồng thời quan tâm đúng mức đến phần kinh tế phụ gia đình xã viên, bảo đảm tăng thu nhập cho hợp tác xã và xã viên, tăng nông sản hàng hoá cho Nhà nước, đều phải do toàn thể xã viên bàn bạc và quyết định một cách thật sự dân chủ, kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện sai trái, mệnh lệnh, gò ép, vi phạm tính chất kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa của hợp tác xã và vi phạm quyền làm chủ tập thể của xã viên.

Qua đó mỗi hợp tác xã phải rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh dần việc xây dựng các nội quy về quản lý tư liệu sản xuất; xác định phương hướng sản xuất đúng đắn, tổ chức và quản lý lao động, ổn định các đội sản xuất, xây dựng các định mức lao động, thực hiện 3 khoán cho đội và quy định các chế độ thưởng phạt một cách nghiêm chỉnh, thúc đẩy sản xuất phát triển.

b) Phân phối. Phân phối là vấn đề rất thiết thân đối với đời sống quần chúng. Từng hợp tác xã phải đi sâu rút kinh nghiệm và xây dựng những quy định cụ thể nhằm bảo đảm cho toàn thể xã viên có quyền bàn bạc và quyết định toàn bộ vấn đề phân phối trong hợp tác xã; bảo đảm thực hiện đúng các nguyên tắc thống nhất kinh doanh, thống nhất phân phối, thực hiện chế độ tài chính công khai, ngăn chặn các tệ tham ô, lợi dụng và lãng phí, thực hiện đúng đắn nguyên tắc phân phối theo lao động. Thông qua phân phối mà khuyến khích mọi người hăng hái lao động cho tập thể và không ngừng nâng cao năng suất lao động, khắc phục mọi biểu hiện ỷ lại và chây lười trong lao động, đồng thời đề cao tinh thần thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, tăng tích luỹ cho hợp tác xã và từng bước nâng cao dần thu nhập của xã viên.

c) Kiện toàn chế độ Đại hội hợp tác xã và thực hiện dân chủ trong tuyển cử.

Đây là vấn đề có ý nghĩa rất cơ bản đối với việc bảo đảm quyền làm chủ tập thể của các xã viên về mặt chính trị. Mỗi hợp tác xã phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định trong Điều lệ, bảo đảm cho Đại hội hợp tác xã thực sự là nơi tập trung trí tuệ của quần chúng, là cơ quan quyền lực cao nhất của hợp tác xã có quyền quyết định mọi việc quan trọng trong hợp tác xã; mặt khác, phải thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ trong các kỳ tuyển cử các cơ quan quản lý của hợp tác xã, bảo đảm cho các cơ quan đó bao gồm những người thực sự được quần chúng tin cậy, tuyệt đối không được gò ép bằng bất kỳ một hình thức nào.

2. Các cơ quan Nhà nước các cấp cần nhận rõ mỗi hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa, là một đơn vị kinh tế mới trong nền kinh tế quốc dân. Khác với nông trường quốc doanh, hợp tác xã có trách nhiệm phải thực hiện những chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước giao, nhưng đồng thời phải chịu trách nhiệm về đời sống mọi mặt của xã viên trong hợp tác xã. Thu nhập của xã viên cao hay thấp tuỳ thuộc vào kết quả kinh doanh khá hay kém của mỗi đơn vị. Do đó quyền làm chủ tập thể trong việc quản lý hợp tác xã phải thuộc về tập thể xã viên, không ai được xâm phạm. Hợp tác xã phải chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và Chính phủ , nhưng các cơ quan Nhà nước cũng phải thấy hết trách nhiệm của mình đối với hợp tác xã. Mỗi ngành có quan hệ đến nông thôn, nông nghiệp đều có trách nhiệm đóng góp phần xứng đáng của mình vào việc nâng cao năng lực quản lý của hợp tác xã, không ngừng mở rộng sản xuất trong các hợp tác xã và giúp Nhà nước quản lý khu vực kinh tế nông nghiệp tập thể xã hội chủ nghĩa ngày càng tốt hơn, thiết thực góp phần vào việc củng cố liên minh công nông ngày càng mạnh mẽ.

Các bộ và cơ quan ngang Bộ phải kiểm tra lại những chính sách, chế độ thể lệ đã ban hành đối với việc phục vụ hợp tác xã và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Căn cứ vào nghị quyết của Bộ Chính trị và những quy định trong Điều lệ hợp tác xã xem có những vấn đề gì không thích hợp cần được sửa đổi, bổ sung hoặc có những vấn đề mới thì phải khẩn trương nghiên cứu để trình trung ương Đảng và Chính phủ cho ban hành.

Trước mắt cần giải quyết gấp một số vấn đề sau đây để kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của cuộc vận dụng :

- Cần xác định rõ bản Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp mới được ban hành là một văn kiện có tính chất pháp lệnh của Nhà nước, không những bản thân mỗi hợp tác xã phải thực hiện nghiêm chỉnh mà các cơ quan Nhà nước các cấp cũng phải tôn trọng, chấp hành. Bất cứ cá nhân hoặc đơn vị nào vi phạm Điều lệ của hợp tác xã cũng là vi phạm pháp chế của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

- Về mặt quản lý kinh tế của hợp tác xã. Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp trung ương là cơ quan được Nhà nước giao trách nhiệm hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện những quy định trong Điều lệ. Các cơ quan khác nếu có việc liên quan đến các mặt công tác quản lý trong hợp tác xã cần thống nhất với Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp trung ương để giải quyết.

- Về mặt xây dựng kế hoạch của hợp tác xã thì Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng với Bộ Nông nghiệp và các Bộ có liên quan nghiên cứu và trình Chính phủ quyết định sớm vấn đề phân vùng nông nghiệp, vấn đề quản lý kinh doanh đất rừng, đất đồi và xác định phương hướng sản xuất của từng vùng để hợp tác xã có thể chủ động bố trí kế hoạch; vừa bảo đảm yêu cầu của Nhà nước, vừa bảo đảm lợi ích của hợp tác xã. Mặt khác, cần định rõ những chỉ tiêu nào thuộc pháp lệnh, những chỉ tiêu nào là hướng dẫn để bảo đảm cho các hợp tác xã vừa giữ vững được tính chất là một tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa, vừa làm tròn trách nhiệm là một đơn vị kế hoạch nông nghiệp cơ sở.

- Về thu mua nông sản, thực hiện hợp đồng 2 chiều thì Bộ Nội thương cùng các bộ có liên quan nghiên cứu và trình Chính phủ cho ban hành sớm chính sách thu mua nông sản của hợp tác xã và một phần thuộc kinh tế phụ gia đình của xã viên. Cần xác định rõ những loại nông sản nào thuộc quan hệ hợp đồng và định rõ những nguyên tắc, chế độ trong quan hệ hợp đồng giữa hợp tác xã với các cơ quan quốc doanh (kể cả sản xuất, thu mua, giá cả và chế độ cung cấp vật tư).

- Về việc nâng cao quyền lực của cấp huyện, cấp xã, phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng và ngăn ngừa mọi hành động vi phạm quyền làm chủ của hợp tác xã và xã viên :

[...]