Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 14/2022/NQ-HĐND quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Số hiệu 14/2022/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/07/2022
Ngày có hiệu lực 18/07/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Lò Văn Phương
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2022/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 08 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CƠ CHẾ LỒNG GHÉP NGUỒN VỐN TRONG THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2025, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ TÁM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Xét Tờ trình số 2010/TTr-UBND, ngày 01tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Nghị quyết này quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia các chương trình, dự án khác trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

2. Đối tượng áp dụng:

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến việc tổ chức, triển khai, thực hiện lồng ghép nguồn vốn, huy động nguồn vốn và quản lý nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điều 2. Nguyên tắc lồng ghép

1. Tuân thủ theo Luật ngân sách, Luật đầu tư công và các văn bản liên quan; Lồng ghép nguồn vốn để thực hiện một hoặc nhiều dự án đầu tư, hoạt động, nội dung có cùng mục tiêu và trên cùng một địa bàn của cấp xã, cấp huyện của các chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên lồng ghép nguồn vốn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các xã, các huyện phấn đấu hoàn thành mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Trong quá trình thực hiện lồng ghép các nguồn vốn khác nhau từ các chương trình, dự án phải đảm bảo không làm thay đổi các mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, dự án; thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án có tính lan toả, phát huy lợi thế của từng địa phương; giảm thiểu chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng nguồn vốn; đảm bảo hiệu quả đầu tư của các chương trình, dự án khi thực hiện lồng ghép; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

3. Quá trình lồng ghép và phân bổ các nguồn vốn phải được thực hiện đồng bộ từ khâu tổng hợp xây dựng kế hoạch, phân bổ, giao dự toán ngân sách. Lồng ghép gắn với lập kế hoạch 05 năm, có phân kỳ đầu tư hằng năm: trên cơ sở lập kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gắn liền với lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương tiến hành lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu/nhiệm vụ cụ thể của chương trình mục tiêu quốc gia và đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, hằng năm của địa phương.

4. Việc lồng ghép phải xác định rõ tỷ lệ huy động, đóng góp vốn từng chương trình, dự án được lồng ghép; thống nhất định mức chi theo từng nội dung, hoạt động được lồng ghép; quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn lồng ghép phù hợp với thực tế tại địa phương.

5. Các nguồn vốn huy động để thực hiện lồng ghép trên nguyên tắc tự giác, tự nguyện, công khai, minh bạch, huy động trên nhiều hình thức (đóng góp bằng tiền mặt, bằng hiện vật, bằng ngày công lao động, hiến đất...); đảm bảo theo dõi, thống kê, báo cáo chính xác, đầy đủ từng nguồn vốn được lồng ghép trong từng chương trình mục tiêu quốc gia.

6. Phân công, phân cấp làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp trong thực hiện hoạt động lồng ghép, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất. Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch trong quản lý, tổ chức thực hiện việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều 3. Các nguồn vốn thực hiện lồng ghép

Tùy theo đối tượng của từng Chương trình mục tiêu quốc gia, từng huyện, từng xã rà soát các nguồn vốn có thể khai thác, huy động để lồng ghép thực hiện hoàn thành các mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Các chương trình, dự án khi đầu tư ở địa bàn các huyện, xã trong tỉnh cần phải bám sát các mục tiêu và chỉ tiêu được giao để thực hiện đầu tư có hiệu quả, có tính khả thi cao. Gồm có các nguồn vốn cụ thể như sau:

1. Nguồn vốn ngân sách:

a) Nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp).

b) Nguồn vốn ngân sách địa phương: ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách xã (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp).

c) Vốn vay từ các tổ chức tín dụng (bao gồm: tín dụng ưu đãi, tín dụng thương mại).

[...]