Nghị quyết 14/1998/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 1998 do Chính phủ ban hành
Số hiệu | 14/1998/NQ-CP |
Ngày ban hành | 01/12/1998 |
Ngày có hiệu lực | 16/12/1998 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
CHÍNH
PHỦ
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Số: 14/1998/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1998 |
NGHỊ QUYẾT
Trong hai ngày 25 và 26 tháng 11 năm 1998, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 1998, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh thành Chương trình chung kèm danh mục đề án cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành trước ngày 15 tháng 12 năm 1998.
Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp quán triệt và tổ chức thực hiện thật tốt Chương trình hành động này, tạo ra sự thống nhất ý chí và hành động vì mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế - xã hội năm 1999, làm cơ sở để tiếp tục phát triển trong các năm sau. Cần đẩy mạnh việc rà soát, điều chỉnh và xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển; tập trung thực hiện các chương trình trọng tâm về phát triển công nghiệp, nông, lâm, thủy sản, xuất khẩu...; xây dựng và thể chế hóa các chính sách về các thành phần kinh tế, đất đai, khoa học công nghệ (nhất là công nghệ sinh học), công nghiệp chế biến, đầu tư, thị trường, tài chính; đặc biệt chú ý đến các vấn đề xã hội trong nông nghiệp, nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn... Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt các quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề của địa phương, cơ sở, doanh nghiệp, bảo đảm ổn định và phát triển sản xuất.
Trước mắt, các Bộ, ngành được phân công chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan tập trung xây dựng các đề án, văn bản để ban hành và triển khai chỉ đạo thực hiện ngay trong tháng 12 năm 1998 và chậm nhất là quý I năm 1999. Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng và thực hiện chương trình hành động cụ thể của mình, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch đề ra.
Giao Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp trung ương tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Quy chế, trình Thủ tướng ký ban hành trong tháng 12 năm 1998.
Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, khóa VIII về phát triển khoa học, công nghệ, cần phải gắn khoa học, công nghệ với sản xuất. Việc xây dựng các cơ chế và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tạo động lực phát triển sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường trong qúa trình hội nhập khu vực và quốc tế. Đồng thời, sản xuất phát triển sẽ tạo điều kiện đầu tư, đổi mới khoa học, công nghệ cả chiều rộng và chiều sâu. Theo tinh thần đó, Chính phủ khẳng định cần tập trung vào các chính sách và cơ chế tài chính như ưu đãi về thuế, tín dụng và các chính sách khuyến khích khác... cho các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động khoa học, công nghệ.
Giao Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, phối hợp với các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp chỉnh lý lại dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 12/1998.
Trong thời gian còn lại của năm 1998, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (1), khoá VIII về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1999, Chính phủ xác định cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08/1998/NQ-CP và Nghị quyết số 13/1998/NQ-CP của Chính phủ, tập trung khắc phục những yếu kém trong chỉ đạo, điều hành; tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, giải ngân nguồn vốn ODA; tích cực phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt, phấn đấu đến mức cao nhất để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 1998.
Trong thời gian qua, do tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 06/CP ngày 29 tháng 1 năm 1993 của Chính phủ và Chỉ thị 06/CT-TW ngày 30 tháng 11 năm 1996 của Bộ Chính trị, công tác phòng chống ma túy đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tệ nạn buôn bán và sử dụng ma tuý vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả mà đang có xu hướng tăng lên, trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội.
Chính phủ khẳng định đây là cuộc đấu tranh lâu dài và thường xuyên của tất cả các ngành, các cấp, của các tổ chức xã hội và của mỗi gia đình. Trước mắt, cần củng cố hệ thống tổ chức chỉ đạo, tăng cường lực lượng phòng chống ma tuý, đặc biệt là ở địa phương; bảo đảm kinh phí cho công tác phòng chống ma tuý; Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tập trung lực lượng, mở đợt tấn công truy quét tội phạm ma tuý từ nay đến hết năm 1999, tạo đà cho công tác này trong những năm sau; Uỷ ban Quốc gia phòng chống ma tuý phối hợp với các địa phương liên quan tiến hành kiểm tra và xử lý triệt để số diện tích còn trồng cây thuốc phiện, gắn việc triệt phá cây thuốc phiện với việc chuyển đổi cây trồng và phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống đồng bào; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu chính sách đồng bộ từ cai nghiện, dạy nghề đến giải quyết việc làm và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hai Trung tâm cai nghiện khu vực; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan dự thảo Quy chế phối hợp quản lý biên giới nhằm ngăn chặn ma tuý từ ngoài vào, đồng thời tăng cường sự hợp tác quốc tế, trước hết là phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng trong công tác phòng chống ma tuý.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |