Nghị quyết 138/2010/NQ-HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2010 tỉnh Hải Dương

Số hiệu 138/2010/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/07/2010
Ngày có hiệu lực 18/07/2010
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Bùi Thanh Quyến
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138 /2010/NQ-HĐND

Hải Dương, ngày 08 tháng 7 năm 2010

VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, THU CHI NGÂN SÁCH 6 THÁNG ĐẦU NĂM, MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP 6 THÁNG CUỐI NĂM 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 17

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày 02 tháng 4 năm 2005;

Sau khi xem xét các báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và một số giải pháp 6 tháng cuối năm 2010, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành với các báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và một số giải pháp bổ sung 6 tháng cuối năm 2010, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:

I. Kế hoạch năm 2010 của tỉnh được triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, trong nước đang trong đà phục hồi tích cực sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; các chính sách, giải pháp điều hành vĩ mô của Chính phủ có tác động tích cực tới nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều yếu tố khó khăn mới nảy sinh, có mặt rất gay gắt như: thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài, dịch tai xanh trên đàn lợn tái phát trên diện rộng, tình hình thiếu điện diễn ra nghiêm trọng... song với sự quyết tâm phấn đấu cao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế , xã hội tỉnh ta trong 6 tháng đầu năm tiếp tục có bước tăng trưởng khá, văn hoá – xã hội phát triển toàn diện; đời sống nhân dân ổn định, trật tự an toàn xã hội, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường.

Một số chỉ tiêu chủ yếu đạt được so với 6 tháng đầu năm 2009 như sau:

1. Tổng sản phẩm (GDP) trong tỉnh tăng 10,6%.

2. Giá trị sản xuất Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 2,5%.

3. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 17,8%, trong đó GTSX công nghiệp tăng 18,5%.

4. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 13,2%.

5. Giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt 467 triệu USD, tăng 68%.

6. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 2.126 tỷ 235 triệu đồng, bằng 57% dự toán năm, tăng 26,9%, trong đó thu nội địa 1.776 tỷ 740 triệu đồng, bằng 51,1% dự toán năm, tăng 19,6%. Chi cân đối ngân sách 6 tháng đầu năm ước thực hiện 2.291 tỷ 747 triệu đồng, đạt 58% dự toán năm, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.

7. Tạo thêm việc làm cho 1,3 vạn lao động.

8. Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác do địa phương quản lý là 1.348 tỷ 657 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh quản lý là 1.091,807 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết 713,6 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện của các dự án trong kế hoạch vốn ngân sách tỉnh quản lý (từ tất cả các nguồn vốn) ước đạt 469,4 tỷ đồng; vốn giải ngân 5 tháng đạt 303,9 tỷ đồng, bằng 42,5% kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án.

II. Một số hạn chế, khó khăn:

1. Kinh tế tăng trưởng chưa ổn định. Chưa nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả cao, bền vững trong nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi tập trung gặp khó khăn. Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giá giống vụ chiêm xuân và vụ đông năm 2009 - 2010 ở một số địa phương còn chậm. Phần lớn các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trình độ công nghệ thấp; tăng trưởng còn chủ yếu dựa vào một số sản phẩm như: xi măng, điện, ô tô. Chưa tạo được sự bứt phá trong phát triển các ngành dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm cao, dịch vụ phục vụ sản xuất.

2. Chất lượng thu hút đầu tư chưa cao, còn ít các dự án có quy mô lớn, trình độ công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến. Tiến độ đầu tư của nhiều chương trình, dự án còn chậm.

3. Một số vấn đề xã hội chuyển biến còn chậm, có mặt còn diễn biến phức tạp như: khiếu kiện đông người, kéo dài, ô nhiễm môi trường, an toàn hành lang lưới điện, tệ nạn xã hội, mất cân bằng giới tính khi sinh…

4. Cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn rườm rà, chồng chéo.

B. Một số giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2010

I. Lĩnh vực kinh tế

1. Chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch sản xuất lúa vụ mùa và rau màu vụ đông năm 2010 - 2011. Làm tốt công tác phòng chống lụt, bão, úng và phòng trừ sâu bệnh. Sớm xác định danh mục dự án và hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công các công trình phục vụ công tác PCLB, úng năm 2011. Phê duyệt và triển khai thực hiện các đề án trong Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh. Thống kê, rà soát thực trạng và xây dựng Đề án phát triển nông thôn mới theo các tiêu chí tại Quyết định 491, Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ. Củng cố, hoàn thiện mạng lưới nhân viên khuyến nông cơ sở, đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có sản xuất nông nghiệp có 01 khuyến nông viên được hưởng phụ cấp từ ngân sách, mức phụ cấp tối đa 540.000đ/người/tháng, thời gian thực hiện từ 01/7/2010.

2. Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm đưa một số dự án sản xuất kinh doanh lớn đi vào hoạt động. Xây dựng Quy chế phối hợp quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đảm bảo mức cung cấp điện tối đa, trong đó đặc biệt ưu tiên cho sản xuất, gia công hàng xuất khẩu và công tác phòng chống lụt bão, úng. Đẩy mạnh tuyên truyền, đi đôi với kiểm tra việc sử dụng tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh.

3. Tập trung phát triển hệ thống chợ nông thôn. Khai thác tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống; tích cực mở rộng các thị trường mới có tiềm năng; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu của các sản phẩm chế biến. Hoàn thành Đề án phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2011 - 2020.

Theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình biến động giá cả trên thị trường, nhất là các mặt hàng nhạy cảm, có tác động lớn đến đầu vào sản xuất và phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các vi phạm quy định về: niêm yết giá, buôn lậu và gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng trái phép.

4. Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách, rà soát nguồn thu, đánh giá sát khả năng thu ngân sách 6 tháng còn lại, tập trung vào các doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra tài chính, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng ngân sách còn lãng phí, không đúng chế độ chính sách quy định. Rà soát tình hình thực hiện dự toán chi xây dựng cơ bản, đặc biệt là tiến độ thực hiện các dự án, công trình từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn đã bố trí trong dự toán ngân sách để triển khai thực hiện, tránh dồn vào cuối năm. Hạn chế tối đa các khoản bổ sung kinh phí giải quyết các công việc chưa thực sự cần thiết phát sinh ngoài dự toán. Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các chức danh và kinh phí hoạt động của các đoàn thể, chi hội ở thôn, khu dân cư với mức 1.500.000 đồng/chi hội/năm. Thời gian thực hiện từ 01/7/2010.

[...]