Nghị quyết 13/2007/NQ-HĐND điều chỉnh Quy họach phát triển công nghiệp Khánh Hoà đến năm 2015, có tính đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa IV, kỳ họp chuyên đề lần thứ 2 ban hành

Số hiệu 13/2007/NQ-HĐND
Ngày ban hành 02/02/2007
Ngày có hiệu lực 12/02/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Mai Trực
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
 TỈNH KHÁNH HOÀ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 13/2007/NQ-HĐND

Nha Trang, ngày 02 tháng 02 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HỌACH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2015, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2020.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HOÀ
KHOÁ IV, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 2.

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 251/2006/QĐ-TTg ngày 31/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế họach tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đọan 2006-2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số:588/TTr-UBND ngày 29/01/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Điều chỉnh Quy họach phát triển công nghiệp Khánh Hoà đến năm 2015, có tính đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Điều chỉnh Quy họach phát triển công nghiệp Khánh Hoà đến năm 2015, có tính đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển.

- Coi phát triển công nghiệp là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá kinh tế - xã hội Khánh Hoà.

- Phát triển công nghiệp Khánh Hoà đặt trong tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, hướng vào những ngành có lợi thế so sánh và gắn kết với yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và cảnh quan du lịch của tỉnh.

- Phát triển công nghiệp Khánh Hoà trên cơ sở đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và nguồn vốn tư nhân. Chú trọng thu hút và hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn đa quốc gia nhằm tham gia vào hệ thống sản xuất và phân phối quốc tế.

- Phát triển công nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại.

- Quan tâm tới phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhất là các ngành, những sản phẩm truyền thống, sản phẩm phục vụ du lịch.

- Phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, du lịch; kết hợp với yêu cầu củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia; kết hợp, điều tiết thống nhất và trên cơ sở tăng cường phối hợp và hợp tác liên tỉnh trong khu vực cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát đến năm 2020:

Để có nhiều sản phẩm hội nhập thị trường ASEAN và thị trường thế giới, phát triển công nghiệp với nhịp độ tăng bình quân hàng năm thời kỳ 2006- 2020 tính theo giá trị gia tăng là 14-14,5%; theo giá trị sản xuất là 21-22%. Đến năm 2020, công nghiệp đóng góp khoảng 47% GDP của tỉnh. Tỷ trọng công nghiệp chế biến đạt 98-99% trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh; tỷ lệ hàng chế tạo trong xuất khẩu đạt 75-80%. Tỷ lệ nhóm ngành sử dụng công nghệ cao đạt 40%-50%.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2010 và 2015:

Về kinh tế ngành công nghiệp: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng theo giá trị sản xuất bình quân khoảng 20% thời kỳ 2006-2010, 21,4% thời kỳ 2011-2015 và 22,5% thời kỳ 2016-2020. Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2010 gấp 2,5, đến năm 2015 gấp 6,6 lần so với năm 2005 và đến năm 2020 gấp 7,27 lần so với năm 2010. Nâng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng trong GDP của tỉnh đạt 43,5% vào năm 2010, 45% vào năm 2015 và 47% vào năm 2020.

- Đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chiếm khoảng 93% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, năm 2015 khoảng 95% và giữ mức này đến năm 2020. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp bình quân 15- 16%/năm thời kỳ 2006-2015.

- Đến năm 2010 tỷ trọng công nghiệp chế biến đạt 75-80% nâng dần lên 85-90% vào năm 2015, 98-99% vào năm 2020 trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh; Tỷ lệ hàng chế tạo trong xuất khẩu đạt 65-70% nâng dần lên 70-75% vào năm 2015, 75-80% vào năm 2020. Tỷ lệ nhóm ngành sử dụng công nghệ cao đạt 30-40% nâng dần lên 40-45% vào năm 2015, 45-50% vào năm 2020.

- Đến năm 2015 đưa trình độ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ yếu đạt mức tiên tiến trong khu vực; thúc đẩy việc tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới ở một số lĩnh vực có thế mạnh; đổi mới cơ bản những công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Tin học hoá hệ thống thông tin trong sản xuất, thương mại, hoạt động khoa học công nghệ và quản lý ngành.

Mục tiêu xã hội: Đến năm 2015 thu hút thêm được 90- 100 nghìn lao động. Đội ngũ lao động khoa học, kỹ thuật trong ngành công nghiệp có đủ trình độ để tiếp nhận, vận hành và khai thác có hiệu quả các công nghệ tiên tiến. Khôi phục và phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống ở nông thôn.

Mục tiêu môi trường: Phát triển công nghiệp bền vững; hình thành và phát triển các khu công nghiệp thân thiện với môi trường. Phấn đấu 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo xử lý chất thải; Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ở tất cả các khu công nghiệp.

Đến năm 2010, 100% rác trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tại Nha Trang, Cam Ranh và các thị trấn trong tỉnh được thu gom, vận chuyển và xử lý. Phấn đấu trên 60% các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn về môi trường. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

3. Định hướng phát triển

- Tập trung và ưu tiên phát triển các ngành tạo ra sản phẩm có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; các ngành có lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu với 9 nhóm ngành sản phẩm: (1) Đóng mới tàu thuyền; sản phẩm cơ khí chế tạo (máy công cụ, lắp ráp- chế tạo ô tô, xe máy), các sản phẩm công nghiệp điện tử (máy tính, máy văn phòng, điện tử công nghiệp, điện tử y tế...); (2) Chế biến thủy sản; (3) Dệt, may, phụ liệu may; (4) Chế biến lâm sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.; (5) Chế biến nông sản.; (6) Sản xuất nước giải khát; (7) Khai thác chế biến khoáng sản- sản xuất vật liệu xây dựng; (8) Sản xuất điện; (9) Công nghệ thông tin.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ quản lý, tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng tiều dùng và xuất khẩu trên cơ sở đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và bảo vệ môi trường; phát triển các sản phẩm chế biến tinh và dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

- Phát triển mạnh công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp truyền thống, phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch và xuất khẩu, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động, giải quyết việc làm và từng bước hiện đại hóa nông thôn.

[...]