HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
115/2014/NQ-HĐND17
|
Bắc Ninh, ngày 24
tháng 4 năm 2014
|
NGHỊ QUYẾT
V/V
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT
CHUYÊN MÔN TRONG NGÀNH Y TẾ TỈNH BẮC NINH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày
25/04/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện
nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động,
cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám
bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập;
Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày
21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh
phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Căn cứ Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày
11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với
hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Sau khi xem xét Tờ trình số 27/TTr-UBND ngày
11/4/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị “V/v quy định một số chế độ, chính
sách hỗ trợ đào tạo phát triển kỹ thuật chuyên môn trong ngành y tế Bắc Ninh”,
báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ đào tạo
phát triển kỹ thuật chuyên môn trong ngành y tế tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể như sau:
1. Đối tượng, phạm vi được hỗ trợ:
Công chức, viên chức, lao động (sau đây gọi chung
là người làm công tác y tế) thuộc các đơn vị công lập trong ngành y tế Bắc Ninh
từ tuyến tỉnh đến tuyến xã được cử đi đào tạo để triển khai kỹ thuật hoặc gói kỹ
thuật chuyên môn trong phân tuyến kỹ thuật đơn vị chưa thực hiện được hoặc các
kỹ thuật vượt tuyến theo quy định của Bộ Y tế.
2. Chế
độ hỗ trợ đối với cán bộ đào tạo trong tỉnh: (tuyến xã đào tạo tại tuyến huyện,
tuyến tỉnh; tuyến huyện đào tạo tại tuyến tỉnh).
2.1. Đào tạo theo hình thức mở lớp:
Đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp lập dự toán kinh
phí trong đó có kinh phí hỗ trợ cho học viên theo quy định về đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tài chính và UBND tỉnh.
2.2. Đào tạo không theo hình thức
mở lớp (đơn lẻ hoặc theo kíp kỹ thuật):
Người được cử đi học được hỗ trợ như sau:
- Hỗ trợ 20.000 đồng/người/ngày đi học.
- Hỗ trợ tiền lưu trú hoặc chi phí đi lại với số tiền
không quá 500.000 đồng/người/tháng.
- Hỗ trợ tiền mua tài liệu với số tiền không quá
500.000 đồng/người.
3. Chế độ hỗ trợ đối với cán bộ tuyến huyện và tuyến tỉnh được
cử đi đào tạo tại các đơn vị tuyến trung ương:
3.1. Định mức hỗ trợ:
Ngoài chi phí đào tạo trả cho cơ sở đào tạo, người
được cử đi học còn được hỗ trợ như sau:
- Hỗ trợ 20.000 đồng/người/ngày đi học.
- Hỗ trợ tiền lưu trú với số tiền không quá 500.000
đồng/người/tháng.
- Hỗ trợ tiền mua tài liệu với số tiền không quá
1.000.000 đồng/người.
- Thanh toán 01 lượt tiền tầu xe đi, về trong cả
khóa học theo chế độ công tác phí.
3.2. Hình thức thanh toán:
- Đối với cơ sở đào tạo đã công khai mức thu bằng văn
bản thì thực hiện hỗ trợ chi phí đào tạo theo phiếu thu của cơ sở đào tạo trên
cơ sở mức thu đã được thông báo.
- Đối với cơ sở đào tạo chưa công khai mức thu bằng
văn bản thì thực hiện hỗ trợ chi phí đào tạo theo hợp đồng ký giữa đơn vị có
cán bộ cử đi và cơ sở đào tạo.
4. Chế
độ hỗ trợ đối với hình thức mời chuyên gia tuyến trên về đào tạo, chuyển giao kỹ
thuật tại chỗ:
4.1. Hình thức chuyển giao:
- Chuyên gia tuyến Trung ương về chuyển giao kỹ thuật
cho tuyến tỉnh, tuyến huyện.
- Người làm công tác y tế tuyến tỉnh về chuyển giao
kỹ thuật cho tuyến huyện, tuyến xã.
- Người làm công tác y tế tuyến huyện về chuyển
giao kỹ thuật cho tuyến xã.
4.2. Hình thức thanh toán:
Hỗ trợ kinh phí theo hợp đồng giữa chuyên gia (đối
với trường hợp đã nghỉ hưu) hoặc giữa chuyên gia và đơn vị trực tiếp quản lý
chuyên gia với đơn vị nhận chuyển giao kỹ thuật, mức chi tính theo hợp đồng trọn
gói trên từng kỹ thuật hoặc gói kỹ thuật.
5. Chế
độ hỗ trợ đối với người được cử đi học ở nước ngoài:
Hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo theo hình thức tạm ứng
kinh phí cho cán bộ được cử đi đào tạo. Bao gồm:
+ Học phí và các khoản chi phí đào tạo theo quy định
của các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
+ Chi phí ăn, ở.
+ Chi phí đi lại (một lượt đi và về) cho cả khóa học.
+ Chi phí bảo hiểm y tế trong thời gian đào tạo (nếu
có).
+ Chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh.
+ Chi phí dịch vụ phải trả cho tổ chức thực hiện dịch
vụ đào tạo ở trong nước.
+ Kinh phí hỗ trợ thêm đối với học viên là nữ.
6. Quyền
và nghĩa vụ của người được cử đi học:
6.1. Quyền lợi:
- Trong thời gian đào tạo: Được hưởng lương và các
chế độ phụ cấp theo quy định của nhà nước. Việc chi thưởng, chi tăng thu nhập
thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Được trợ cấp kinh phí đào tạo
theo quy định.
- Sau khi tốt nghiệp được bố trí, sử dụng đúng
ngành, nghề đào tạo và được tạo điều kiện để phát huy khả năng chuyên môn.
6.2. Nghĩa vụ:
- Trong thời gian đào tạo: Có bản cam kết triển
khai kỹ thuật và công tác lâu dài tại đơn vị sau khi kết thúc khóa đào tạo; chấp
hành quy định, nội quy, quy chế về đào tạo của nhà nước, của tỉnh và của cơ sở
đào tạo.
- Sau khi kết thúc khóa học trở về đơn vị công tác
đúng thời gian quy định; triển khai được kỹ thuật đã cam kết.
- Phải bồi thường chi phí đào tạo trong các trường
hợp: Tự ý bỏ học, không trở về công tác hoặc trở về công tác tại cơ quan, đơn vị
cử đi học không đủ thời gian theo quy định, không triển khai được kỹ thuật đã
cam kết, bỏ việc hoặc xin thôi việc. Mức bồi thường theo quy định hiện hành của
nhà nước.
7. Nguồn kinh phí hỗ trợ và hình thức thanh quyết toán:
7.1. Nguồn kinh phí hỗ trợ:
- Đối với trường hợp đào tạo để thực hiện kỹ thuật
trong phân tuyến của đơn vị: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%; kinh phí còn lại do đơn
vị hỗ trợ từ quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị.
- Đối với trường hợp đào tạo để thực hiện kỹ thuật
vượt tuyến: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 60%; kinh phí còn lại do đơn vị hỗ trợ từ quỹ
phát triển sự nghiệp của đơn vị.
- Đối với trường hợp đào tạo tiếp nhận kỹ thuật mới
ở nước ngoài: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 90%; kinh phí còn lại do đơn vị hỗ trợ từ
quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị.
- Trường hợp đào tạo cho tuyến xã do ngân sách của
ngành đảm bảo theo kế hoạch và dự toán kinh phí của Trung tâm y tế cấp huyện.
- Trường hợp đào tạo ở nước ngoài:
+ Ngân sách tỉnh và đơn vị chỉ hỗ trợ trong trường
hợp có quyết định cử đi đào tạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
+ Trường hợp do các công ty, đơn vị mời đi đào tạo,
tập huấn do đơn vị mời và cá nhân tự túc toàn bộ.
7.2. Hình thức thanh quyết toán:
Đơn vị tạm ứng kinh phí đào tạo cho cá nhân mức tối
đa tương ứng với mức hỗ trợ của đơn vị quy định tại khoản 7.1 điều này. Sau khi
kết thúc khóa học, được Hội đồng chuyên môn của đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền
thẩm định đánh giá triển khai được kỹ thuật thì lập hồ sơ đề nghị tỉnh hỗ trợ
phần kinh phí còn lại. Thủ tục, hồ sơ đề nghị hỗ trợ do Giám đốc Sở Y tế quy định
sau khi thống nhất ý kiến với Sở Tài chính.
Điều 2. UBND tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị
quyết này, thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi ban hành quyết định
thực hiện. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thường kỳ cuối năm của
HĐND tỉnh.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 05/5/2014.
Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và
đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện
Nghị quyết.
Nghị quyết được HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 11
thông qua./.