Nghị quyết 11/NQ-HĐND năm 2018 về nội dung chủ yếu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020

Số hiệu 11/NQ-HĐND
Ngày ban hành 02/08/2018
Ngày có hiệu lực 02/08/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Phạm Thị Thanh Trà
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 02 tháng 8 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP, GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVIII - KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Xét Tờ trình số 67/TTr-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Nghị quyết cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua một số nội dung chủ yếu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020, với những nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và định hướng phát triển ngành nông nghiệp của cả nước; gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân.

2. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh từ sản xuất ly số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, theo yêu cầu của thị trường. Phát huy hiệu quả lợi thế đa dạng các vùng sinh thái của tỉnh để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đi đôi với phát triển các sản phẩm đặc sản, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

3. Huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế, xã hội trong quá trình tái cơ cấu để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và phát triển của các thành phần kinh tế. Tăng cường hợp tác công tư, tạo sự gắn kết bền chặt giữa người sản xuất với các tổ chức, doanh nghiệp theo hình chuỗi giá trị hàng hóa, đảm bảo nguyên tắc phát triển bình đẳng, bền vững.

4. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của người nông dân, nhằm xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển mạnh các sản phẩm hàng hóa chủ lực theo vùng tập trung đi đôi với sản xuất các sản phẩm đặc sản bản địa, hữu cơ gắn với điều kiện sinh thái và bản sắc văn hóa của từng địa phương. Duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Cải thiện nhanh hơn mức sống của dân cư nông thôn, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững; quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng chng thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Mc tiêu cthể đến năm 2020

a) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5%/năm. Cơ cấu nội ngành: Nông nghiệp chiếm 67%, lâm nghiệp chiếm 28%, thủy sản chiếm 5%.

b) Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 7.660 tỷ đồng. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.135 tỷ đồng (Trồng trọt đạt 3.349 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 1.720 tỷ đồng, dịch vụ nông nghiệp đạt 66 tỷ đồng), Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 2.145 tỷ đồng; Giá trị sản xuất thủy sản đạt 380 tỷ đồng.

Giá trị sản xuất tính trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 85 triệu đồng/01 ha/năm; Giá trị sản xuất tính trên một đơn vị diện tích đất nuôi trồng thy sản bình quân đạt 160 triệu đồng/01 ha/năm; Giá trị sản xuất tính trên một đơn vị diện tích đất rừng trồng bình quân đạt 50 triệu đồng/01 ha/năm.

c) Các sản phẩm chủ lực:

(1) Lương thực có hạt: Diện tích gieo cấy lúa cả năm đạt trên 42.000 ha, diện tích ngô cả năm khoảng 30.000 ha, trong đó vùng ngô chuyên canh đạt 12.500 ha; sản lượng lương thực có hạt đạt trên 320.000 tấn/năm.

(2) Chè: Diện tích đạt 8.500 ha; sản lượng chè búp tươi đạt 85.000 tấn/năm.

(3) Cây ăn quả: Phấn đấu diện tích cây ăn quả đạt 10.000 ha. Trong đó, vùng cây ăn quả có múi tập trung đạt trên 4.500 ha, sản lượng quả có múi đạt 45.000 tấn/năm.

(4) Tổng đàn gia súc chính (trâu, bò, lợn) đạt 765.000 con, đàn gia cầm 5 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 55.000 tấn/năm.

(5) Nuôi trồng và khai thác thủy sản: Diện tích đạt 22.500 ha, nuôi cá lồng đạt 2.000 - 2.500 lồng, nuôi cá eo ngách 400 ha; sản lượng thủy sản đạt 12.300 tấn/năm.

[...]