HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
11/NQ-HĐND
|
Thái
Nguyên, ngày 18 tháng 5 năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG
QUA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Y TẾ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN,
GIAI ĐOẠN 2017-2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số
73/NQ-CP, ngày 26/8/2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương
trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số
122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc
gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm
nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số
768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy
hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số
2992/QĐ-BYT ngày 17/7/2015 của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch phát triển nhân lực
trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2015 - 2020;
Căn cứ Kế hoạch số 139/KH-BYT
ngày 01/3/2016 của Bộ Y tế về Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Nghị quyết số
11/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề
án củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số
04/2013/NQ-HĐND ngày 26/4/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề
án phát triển y tế chuyên sâu tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số
65/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề
án duy trì và mở rộng Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện
bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 - 2020;
Xét Tờ trình số 53/TTr-UBND
ngày 10/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Chương trình
phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo thẩm
tra của Ban văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua
Chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Thái Nguyên, giai
đoạn 2017 - 2020.
(Có Chương trình tóm tắt kèm theo)
Điều 2. Giao Ủy ban
nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết, định kỳ hằng năm báo cáo Hội đồng
nhân dân tỉnh.
Điều 3. Giao Thường
trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội
đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 18 tháng
5 năm 2017./.
TÓM TẮT
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Y TẾ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN TỈNH THÁI
NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 11 /NQ-HĐND ngày 18 tháng 5 năm 2017 của
Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử
vong do bệnh, dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm, góp phần
tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Nâng cao năng
lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để phát
triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng các
yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng thủ đô
Hà Nội theo hướng hài hòa và bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Hoàn thiện mô
hình tổ chức và sắp xếp lại hệ thống y tế; đầu tư có trọng điểm và hoàn thiện
dần các công trình y tế, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực, chất
lượng cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn, khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ.
Đến năm 2020 toàn tỉnh đạt ít nhất 12,5 bác sỹ/10.000 dân, trên 90% xã đạt tiêu
chí quốc gia về y tế xã.
2.2. Giảm tỷ lệ mắc
bệnh, tử vong và tàn tật; khống chế các bệnh truyền nhiễm, các bệnh gây dịch
thường gặp và mới nổi, không để dịch lớn xảy ra; hạn chế tới mức thấp nhất các
vụ ngộ độc thực phẩm. Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe theo hướng toàn diện, chú
trọng dự phòng tích cực và chủ động, sàng lọc phát hiện sớm và điều trị kịp
thời bệnh tật. Đến năm 2020, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ
các loại vắc xin đạt trên 95%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi ở mức dưới
10%; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận giảm còn dưới 05 trường
hợp/100.000 dân.
2.3. Tiếp tục duy trì
và mở rộng Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng
Methadone. Đến năm 2020, số người được điều trị nghiện các chất dạng thuốc
phiện bằng Methadone đạt 3.600 người.
2.4. Nâng cao chất
lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, giảm tình trạng quá
tải bệnh viện ở tất cả các tuyến, phát triển y tế chuyên sâu cùng với y tế phổ
cập, mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh cho y tế cơ sở. Đẩy mạnh xã hội hóa y tế,
phối hợp công - tư. Đến năm 2020, đạt ít nhất 44 giường bệnh/10.000 dân, trong
đó số giường bệnh công lập là 41 giường bệnh/10.000 dân, số giường bệnh ngoài
công lập là 3,0 giường bệnh/10.000 dân, 100% bệnh viện ngoài công lập có khám
chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
2.5. Nâng cao chất
lượng dân số, duy trì mức sinh hợp lý, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe
sinh sản có chất lượng. Đến năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 115
bé trai/100 bé gái.
II. GIẢI PHÁP
1. Tăng cường công tác
quản lý Nhà nước về y tế, thực hiện tốt quy tắc ứng xử và nâng cao đạo đức nghề
nghiệp
- Quản lý và phát huy hiệu
quả các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, khám bệnh, chữa
bệnh, quản lý sức khỏe tại cộng đồng.
- Từng bước hoàn thiện hệ
thống y tế trên địa bàn toàn tỉnh, hoàn thiện cơ cấu tổ chức các đơn vị sự
nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế.
- Nâng cao năng lực quản lý,
đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển hệ thống thông tin y tế, xây dựng quy
chế thi đua, khen thưởng.
- Đẩy mạnh việc thực hiện
quy chế dân chủ và quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, tổ chức học tập và làm theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong công chức, viên chức, người lao động ngành
y tế, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ y tế tại các cơ sở y tế trong và ngoài
công lập; triển khai cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp”, “đổi mới phong cách, thái
độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
2. Đẩy mạnh công tác y tế
dự phòng và các chương trình y tế, đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu
- Đẩy mạnh các hoạt động y
tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, không để dịch lớn xảy ra. Nâng cao năng
lực điều phối, phản ứng nhanh với thảm họa, thiên tai, tai nạn.
- Tăng cường quản lý an toàn
vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng lực và phát triển đội ngũ quản lý, thanh tra
và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại tất cả các tuyến. Đầu tư kinh phí xây
dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm nghiệm an toàn thực
phẩm, xây dựng trung tâm
kiểm nghiệm an toàn thực phẩm để đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát chất lượng
an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai có hiệu quả
Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức
khỏe sinh sản, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em, đặc biệt là tử vong trẻ sơ
sinh. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; tăng khả năng
tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, các can thiệp
dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và
người chưa kết hôn.
- Xây dựng và phát triển mô
hình bác sỹ gia đình; quản lý các bệnh mãn tính, chăm sóc sức khỏe người cao
tuổi tại cộng đồng.
3. Nâng cao chất lượng
dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng
- Tiếp tục đầu tư, củng cố,
nâng cấp đồng bộ và hoàn thiện mạng lưới khám chữa bệnh, ưu tiên đầu tư cho y
tế cơ sở. Kết hợp phát triển dịch vụ khám chữa bệnh phổ cập với phát triển kỹ
thuật cao, y tế chuyên sâu, giữa y tế công lập và y tế tư nhân.
- Nâng cao chất lượng dịch
vụ khám chữa bệnh, tập trung cho các chuyên khoa quá tải như tim mạch, ung
bướu, chấn thương, sản, nhi. Phát huy vai trò và phát triển mạng lưới bệnh viện
vệ tinh, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới bằng nhiều hình thức.
- Xây dựng và triển khai kế
hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài
lòng của người bệnh”; đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ
y tế công tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020”; duy trì và đẩy mạnh phong
trào xây dựng cơ sở y tế “xanh, sạch, đẹp”.
- Tiếp tục củng cố và hoàn
thiện mạng lưới y tế cơ sở, hoàn thiện bộ máy tổ chức theo Nghị định
117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ quy định về y tế xã, phường, thị
trấn; sửa chữa, xây mới các trạm y tế xã theo Quyết định 4667/QĐ- BYT ngày
07/11/2014 của Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến
2020; xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế
cơ sở trong tình hình mới” theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của
Thủ tướng Chính phủ.
4. Đào tạo và phát triển
nguồn nhân lực y tế
- Tăng cường đào tạo và nâng
cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế; đẩy mạnh đào tạo sau đại học, phát
triển đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu, cán bộ y tế chất lượng cao cho các lĩnh
vực hoặc chuyên ngành theo định hướng.
- Tranh thủ hợp tác quốc tế
trong lĩnh vực đào tạo của các dự án, các đối tác nước ngoài.
- Đào tạo chuyên môn cho cán
bộ dân số và sinh sản theo hướng chuyên nghiệp; nâng cao năng lực và thực hiện
nghiên cứu khoa học về dân số, sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng.
- Xây dựng cơ chế, chính
sách thu hút bác sỹ cho tuyến huyện, tuyến xã.
5. Đảm bảo công tác dược,
trang thiết bị và cơ sở hạ tầng y tế
- Bảo đảm cung ứng đủ thuốc,
vắc xin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu và trang thiết bị y tế có chất
lượng; quản lý, sử dụng thuốc và trang thiết bị hợp lý, an toàn và hiệu quả.
- Đầu tư mở rộng, phát triển
cơ sở hạ tầng y tế phù hợp với quy hoạch và các tiêu chuẩn xây dựng, trong đó
đảm bảo về quy mô, vệ sinh môi trường, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống xử lý
chất thải lỏng và chất thải rắn, chất thải nguy hại của y tế theo đúng quy định
hiện hành.
6. Phát triển, ứng dụng
khoa học công nghệ và thông tin y tế, tăng cường công tác truyền thông
- Tăng cường các hoạt động nghiên
cứu khoa học và phát triển công nghệ y tế; ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên
tiến.
- Từng bước phát triển và
ứng dụng công nghệ chẩn đoán, điều trị từ xa, tiến tới thiết lập Bệnh viện điện
tử, theo dõi, phân tích dữ liệu bệnh án điện tử và hệ thống thông tin phục vụ
công tác quản lý sức khỏe, theo dõi tình hình bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cho
người dân tại cộng đồng nhằm xác định các loại bệnh phổ biến và khuyến nghị
phương pháp phòng, chống, hướng dẫn cộng đồng tự chăm sóc sức khỏe.
- Tăng cường truyền thông
nâng cao nhận thức cho nhân dân về lối sống, hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến sức
khỏe, chú trọng các yếu tố liên quan đến các bệnh không lây nhiễm và lây nhiễm,
dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng.
7. Tài chính và đầu tư
- Tăng cường đầu tư cho y
tế, lồng ghép giữa đầu tư ngân sách Nhà nước cho y tế với các nguồn vốn hợp
pháp khác; đảm bảo ngân sách cho hoạt động y tế; tiếp tục huy động các nguồn
đầu tư của xã hội cho y tế, đặc biệt nguồn đầu tư xã hội hóa.
- Tăng cường và mở rộng hợp
tác quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế để huy động sự giúp đỡ về kỹ thuật và
đầu tư nguồn lực của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ;
nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn viện trợ, xây dựng và phát triển ngành theo
hướng các khu điều trị chất lượng cao.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí thực hiện
chương trình (đối với các đơn vị do Sở Y tế Thái Nguyên trực tiếp quản lý): 3.154.900
triệu đồng.
Trong đó:
- Ngân sách Trung ương (vốn
đầu tư): 1.177.704 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương:
1.977.196 triệu đồng.
+ Vốn đầu tư: 482.126 triệu
đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 1.495.070
triệu đồng.
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN