Nghị quyết 108/NQ-HĐND năm 2013 thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 108/NQ-HĐND
Ngày ban hành 24/09/2013
Ngày có hiệu lực 24/09/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Đức Long
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 24 tháng 9 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHOÁ XII - KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Sau khi xem xét Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 kèm theo Tờ trình số 4955/TTr-UBND ngày 17/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chính sau:

I. Quan điểm phát triển:

1. Phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, chiến lược và quy hoạch phát triển các ngành và các vùng lãnh thổ (đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đồng bằng Sông Hồng). Xây dựng Quảng Ninh là cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế của vùng và cả nước, cung cấp nguyên liệu và năng lượng của quốc gia.

2. Phát triển kinh tế - xã hội bền vững phù hợp với các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Cơ cấu nền kinh tế từng bước dịch chuyển từ các hoạt động “nâu” sang “xanh”, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp phi khai khoáng, đồng thời đảm bảo hoạt động khai thác than được sạch hơn và bền vững hơn.

3. Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nguồn lực bên trong là quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, trên cơ sở phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh, tiềm năng đặc biệt, cơ hội nổi trội như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa độc đáo, đa dạng và khác biệt của Quảng Ninh.

4. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

5. Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân, đảm bảo phát triển và công bằng xã hội giữa các tầng lớp nhân dân, giữa khu vực nông thôn với thành thị và các địa phương trong tỉnh.

6. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, nắm bắt các điều kiện thuận lợi, khắc phục các tác động tiêu cực của các xu thế kinh tế quốc tế và khu vực; bảo đảm đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

II. Mục tiêu phát triển:

1. Mục tiêu tổng quát:

Phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại; giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo môi trường bền vững. Giữ gìn và phát huy tốt bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:

Về kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 12%-13%/năm, trong đó: Giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 9,5%-10,5%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 14%-15%/năm; giai đoạn 2020-2030 đạt khoảng 6,7%/năm.

Cơ cấu GDP: Đến năm 2015 dịch vụ chiếm 45,0% - 45,5%; công nghiệp và xây dựng 49,0%-49,5%; nông nghiệp 5,0%-5,5%; đến năm 2020 dịch vụ chiếm 51%-52%; công nghiệp và xây dựng 45%-46%; nông nghiệp 3%-4%; Đến năm 2030, dịch vụ chiếm 51%; công nghiệp và xây dựng 46%; nông nghiệp 3%.

GDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2015 đạt 3.600 USD - 4.000 USD; năm 2020 đạt 8.000 USD - 8.500 USD; năm 2030 đạt 20.000 USD.

Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn bình quân 11-12%/năm.

Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân trên 10%/năm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 580-600 nghìn tỷ đồng.

Về xã hội:

Tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,11%/năm giai đoạn 2011-2015 và 0,96%/năm giai đoạn 2016-2020.

[...]