Nghị quyết 101/NQ-CP năm 2013 phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật do Chính phủ ban hành
Số hiệu | 101/NQ-CP |
Ngày ban hành | 20/08/2013 |
Ngày có hiệu lực | 20/08/2013 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 101/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2013 |
PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Ngày 12 và 13 tháng 8 năm 2013, Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Trong đó, đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện thí điểm; đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo các phương án khác nhau; nêu rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, ưu điểm, nhược điểm của từng phương án; dự kiến đề xuất sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về những nội dung liên quan đến chính quyền địa phương tương ứng với mỗi phương án; tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị chỉ đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho ý kiến về các vấn đề trên, đặc biệt là phương án tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Chính phủ về việc tổng kết thí điểm, đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về những nội dung liên quan đến chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đạt được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổng hợp các nội dung quy định về chính quyền địa phương và Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở đó, dự kiến phương án sửa đổi, gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ; khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có văn bản kiến nghị với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trong thời gian qua, chất lượng công tác xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật cũng như hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch còn chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi chưa cao, có một số văn bản mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, thay thế, vì có những phản ứng không đồng thuận trong dư luận xã hội.
Để nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ yêu cầu - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, bố trí đủ kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác phối hợp, tranh thủ ý kiến chuyên gia trong quá trình soạn thảo. Đối với các thông tư có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cơ quan chủ trì soạn thảo cần thực hiện đúng quy trình và chủ động lấy ý kiến của Bộ Tư pháp trước khi ban hành. Bộ Tư pháp cần tăng cường năng lực thẩm định và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật ban hành hợp hiến, hợp pháp và có tính khả thi cao.
Luật bảo hiểm y tế phải thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về bảo hiểm y tế toàn dân; kế thừa những quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả, khắc phục các tồn tại, bất hợp lý để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội.
Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) cần phải đáp ứng kịp thời các yêu cầu khách quan; bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; kế thừa và nâng cao các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, cũng như sự tương thích với thông lệ quốc tế.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội.
Luật công chứng sửa đổi, bổ sung lần này cần tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về hoàn thiện thể chế tổ chức và hoạt động công chứng, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng theo quy hoạch, đề cao giá trị pháp lý của các văn bản công chứng; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của hoạt động công chứng, đội ngũ công chứng viên, mở rộng phạm vi hành nghề công chứng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương; xác định vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của các công chứng viên; tạo điều kiện để công chứng nước ta hội nhập với nghề công chứng quốc tế.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội.
Việc sửa đổi Luật bảo vệ môi trường nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, bổ sung các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, cải thiện môi trường, phát triển bền vững đất nước; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội.
Để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường các lưu vực sông, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thành lập Chi cục bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; sông cầu; hệ thống sông Đồng Nai trên cơ sở sửa đổi Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong tháng 10 năm 2013.
Việc sửa đổi Bộ luật dân sự lần này cần bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước; cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phù hợp với Hiến pháp; có tính kế thừa và phát triển các quy định còn phù hợp; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam; bảo đảm nguyên tắc Bộ luật dân sự là Bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật tư, theo đó Bộ luật dân sự quy định các vấn đề có tính nguyên tắc, các luật chuyên ngành quy định về các vấn đề có tính chuyên ngành.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn chỉnh dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) để trình Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Quốc hội, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ.
Chính phủ nhất trí xây dựng một đạo luật điều chỉnh đồng bộ hoạt động đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu xác định cụ thể tên gọi và phạm vi điều chỉnh và nội dung của dự án Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng lấn với các luật chuyên ngành khác.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự án Luật.