NGHỊ QUYẾT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ KẾT CẤU
HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban
nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số
30/2005/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2005 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010); Nghị quyết số 64/2003/NQ- HĐND ngày 13 tháng
12 năm 2003 của HĐND tỉnh về Chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã
hội trọng điểm đến năm 2010;
Sau khi xem xét Tờ trình
số 753/TTr-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban
nhân dân tỉnh về Chương trình huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng
kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và
Ngân sách, và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành thông qua Chương trình huy động nguồn lực đầu tư
kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 của Uỷ ban nhân dân
tỉnh; Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:
1. Về đánh giá kết quả huy
động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 -
2005.
Bám sát các chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ,
ngành; xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách về huy động nguồn
lực; cộng với sự cố gắng nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ
tỉnh đến cơ sở, nên đầu tư kết cấu hạ tầng những năm qua đạt được kết quả tích
cực từ chủ trương đến khai thác, quản lý và sử dụng vốn.
Tổng vốn huy động cho đầu tư kết cấu hạ
tầng 5 năm (2001 - 2005) đạt 8.166 tỷ đồng, chiếm 53% tổng vốn đầu tư phát triển,
tăng bình quân 37,6%/năm; trong đó: Đầu tư từ ngân sách Nhà nước 6.475 tỷ đồng,
tăng bình quân 34,6%/năm (đầu tư qua tỉnh 3.902 tỷ đồng, tăng 43,9%/năm; đầu tư
qua các bộ, ngành 2.573 tỷ đồng, tăng 19,2%/năm); đầu tư của dân cư, tư nhân
1.575 tỷ đồng, tăng 52%/năm; đầu tư trực tiếp nước ngoài 116 tỷ đồng, tăng
29,2%/năm.
Việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng
kinh tế - xã hội đã có tác động tích cực, trực tiếp đến thu hút các nguồn vốn
khác cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Năng lực của các ngành kinh tế
(công nghiệp, nông lâm nghiệp, dịch vụ) được nâng lên; kết cấu hạ tầng kinh tế
- xã hội từng bước được tăng cường, đến nay
đã hình thành cơ bản các kết cấu hạ tầng thiết yếu. Công tác bố trí vốn đã từng bước khắc phục tình
trạng phân tán, dàn trải; coi trọng huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu
hạ tầng. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng có nhiều chuyển biến,
đã tăng cường phân cấp, tạo điều kiện cho các cấp ngân sách chủ động trong đầu
tư và xây dựng.
Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, dự
án còn nhiều bất cập, một số dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và dự án giao
đất cho nhà đầu tư hiệu quả còn thấp. Công tác triển khai quy hoạch, kế hoạch
và cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế; chưa tích cực tìm kiếm các nguồn vốn
đầu tư để thực hiện quy hoạch, kế hoạch; nhất là quy hoạch liên quan đến đầu tư
của các Bộ, ngành Trung ương trên địa bàn. Quản lý nhà
nước về đầu tư và xây dựng còn hạn chế. Bố trí vốn cho các công trình, dự án
vẫn còn dàn trải. Công tác tư vấn khảo sát lập dự án, thiết kế, thẩm định và thực
hiện dự án chưa tốt; giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư chậm.
Việc phân cấp quản lý đầu tư chưa gắn với nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ
cán bộ; một số Ban quản lý dự án còn buông lỏng kiểm tra, giám sát nên chất
lượng công trình, dự án thấp; còn xảy ra thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây
dựng. Chưa có dự án lớn mang tính liên vùng, đa mục tiêu có tác động lan tỏa
lớn. Đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp quy mô còn nhỏ, công nghệ ở mức
trung bình thấp, chưa có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế; xử lý vấn đề
môi trường còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng thiết yếu đầu tư chưa đồng bộ.
Những tồn tại hạn chế nêu trên có nguyên
nhân khách quan, do Phú Thọ vẫn là tỉnh miền núi nghèo, vốn đầu tư hàng năm chủ
yếu dựa vào sự trợ giúp của ngân sách Trung ương; ngân sách tỉnh chưa có khả
năng bố trí đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các chương trình, dự án. Các nguồn
lực đầu tư đã hạn hẹp lại chịu sức ép lớn giữa nhu cầu đầu tư của các cấp, các
ngành, tạo nên sự co kéo trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về đầu tư và
xây dựng. Song cũng còn nhiều nguyên nhân chủ quan, đó là:
- Trách nhiệm, trình độ cán bộ của một
số chủ dự án, cơ quan quản lý nhà nước chưa cao, thiếu cán bộ có trình độ năng
lực; chưa kiên quyết đấu tranh với những tiêu cực trong quản lý đầu tư và xây
dựng, còn tư tưởng ỷ lại, ngại va chạm, nể nang xuôi chiều. Phân công, phối hợp
giữa các cấp, các ngành để thực hiện các nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng
còn hạn chế, dẫn đến vừa buông lỏng, vừa chồng chéo, làm chưa tốt chức năng,
nhiệm vụ được giao.
- Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát
tổ chức thực hiện chưa thường xuyên, nhất là quản lý chất lượng công trình, quản
lý sử dụng vốn và thực hiện chế độ thông tin báo cáo; xử lý các vi phạm chưa
nghiêm.
- Chưa xây dựng được cơ chế thống nhất,
tạo phối hợp chặt chẽ trong thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để
đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là vốn nước ngoài, tỉnh ngoài.
2. Phương
hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chương trình huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ
tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010.
a) Phương hướng chung:
Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư
kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư phát triển các hạ tầng trọng điểm; cải thiện mạnh
mẽ môi trường thu hút đầu tư, nhất là nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trong tổ
chức thực hiện. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các công trình, dự án đi đôi
với đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư và xây dựng. Phấn
đấu đến năm 2010, hoàn thiện cơ bản các kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng văn
hóa - xã hội chủ yếu, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực khác cho đầu tư phát
triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
b) Mục tiêu:
- Về huy động nguồn lực: Phấn đấu giai đoạn 2006 - 2010 thu hút 19 - 20 nghìn tỷ đồng cho đầu tư
kết cấu hạ tầng.
- Về đầu tư các hạ tầng trọng điểm:
+ Giao thông: Đầu tư các tuyến quốc lộ,
tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn. Trọng tâm là nâng cấp các tuyến có
vai trò kết nối liên thông giữa các vùng có sản xuất hàng hóa lớn với các tuyến
đường hành lang kinh tế quốc gia; những tuyến quan trọng để phát triển các khu
kinh tế, dịch vụ du lịch trọng điểm.
+ Hạ tầng nông lâm nghiệp: Tập trung đầu
tư các trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; các dự án thủy lợi vùng
đồi đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và giảm
nhẹ thiên tai.
+ Mạng lưới điện: Đầu tư nâng công suất
các trạm nguồn, lưới truyền tải, đảm bảo trên 90% số hộ được dùng điện, cung
ứng đủ nhu cầu điện năng phục vụ sản xuất kinh doanh.
+ Thông tin liên lạc: Đầu tư hạ tầng về
công nghệ thông tin, đảm bảo trên 70% số xã có điểm truy nhập Internet công
cộng; 100% các điểm bưu điện văn hóa xã, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, các
trường THCS, THPT và 50% trường tiểu học có kết nối Internet.
+ Thương mại, dịch vụ: Tập trung đầu tư
hạ tầng du lịch, dịch vụ tạo các tuyến du lịch của tỉnh như: Khu du lịch Đền Hùng,
Khu du lịch Văn Lang, Khu nước khoáng nóng Thanh Thủy, Vườn quốc gia Xuân Sơn,
Ao Châu (Hạ Hoà)...; nâng cấp hệ thống khách sạn, nhà hàng, xây dựng chợ đầu
mối ở các huyện và Trung tâm thương mại ở Việt Trì.
+ Hạ tầng đô thị: Đầu tư nâng cấp các
tuyến đường nội thị thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ; các điểm vui chơi, quảng
trường và các khu đô thị mới.
+ Hạ tầng các cụm, khu công nghiệp: Tập trung thu hút
vốn đầu tư phát triển hạ tầng các cụm, khu công nghiệp, trọng tâm là Khu công
nghiệp Thụy Vân, Khu công nghiệp Trung Hà, Cụm công nghiệp Phú Hà (thị xã Phú
Thọ).
+ Các lĩnh vực xã hội: Đầu tư Khu di tích lịch sử Đền
Hùng, Trường Đại học Hùng Vương, các cơ sở đào tạo dạy nghề phục vụ chương trình
đào tạo phát triển nguồn nhân lực; các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và nâng cấp
các Trạm y tế cơ sở. Cải tạo nâng cấp, xây dựng mới các công trình văn hóa,
phúc lợi công cộng, các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao cấp tỉnh.
c) Nhiệm vụ chủ yếu:
- Rà soát, đánh giá lại tổng thể các quy hoạch, các
chương trình, dự án đang thực hiện để lựa chọn, xây dựng, điều chỉnh danh mục các
dự án trọng điểm cho cả giai đoạn 2006 - 2010. Cơ cấu lại các nguồn vốn đảm bảo
theo định hướng của Chính phủ; chú trọng các công trình quan trọng, thiết yếu
và hiệu quả cao, đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng của các nguồn
vốn.
- Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, công
tác chuẩn bị thực hiện dự án, nhất là trong công tác tư vấn lập dự án, thiết kế
dự toán, xây dựng đơn giá vật liệu, tư vấn đấu thầu và giám sát thi công đảm
bảo theo đúng quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn của Nhà nước.
- Tiếp tục cụ thể hóa và sửa
đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để tranh thủ tối đa các nguồn vốn đầu tư từ các
cơ chế, chính sách, định hướng của Nhà nước và huy động nguồn lực khác. Đa dạng
hóa và vận dụng linh hoạt các hình thức thu hút vốn, nhất là vốn từ dân cư, tư
nhân, vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh ngoài cho đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình
thức BT, BOT...
- Đẩy nhanh tiến độ triển
khai và thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án đầu tư của Bộ, ngành trên địa
bàn, trọng tâm là phối hợp làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường, giải
phóng mặt bằng, thực hiện đúng tiến độ.
- Nâng cao trách nhiệm của
các chủ đầu tư; chấn chỉnh và nâng cao năng lực, ý thức kỷ luật của đội ngũ cán
bộ thực thi nhiệm vụ các ngành, các cấp. Tăng cường kiểm tra thực hiện cơ chế
“một cửa” đối với các thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ
tục đầu tư theo quy định.
3. Các giải pháp chủ yếu:
a) Nâng cao chất lượng công tác quy
hoạch, gắn quy hoạch với kế hoạch; xây dựng các chương trình, dự án đảm bảo chất
lượng và hiệu quả.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các dự
án trọng điểm về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010, đảm bảo
phù hợp với quy hoạch phát triển của các ngành và chính sách của Nhà nước đối
với vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; đảm bảo đầu tư có trọng điểm, cân đối giữa nhu
cầu và khả năng đáp ứng của các nguồn vốn. Tập trung đầu tư các dự án trọng điểm
về giao thông, đô thị, hạ tầng du lịch, giáo dục, y tế, môi trường...
- Quy hoạch quỹ đất sạch, quỹ đất để tổ
chức đấu giá tạo vốn đầu tư hạ tầng dịch vụ (giao thông, điện, nước, bưu chính
viễn thông...) nhằm thu hút đầu tư phát triển sản xuất.
- Công khai quy hoạch các ngành và lĩnh
vực, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; danh
mục chương trình các dự án đầu tư thuộc các nguồn vốn, định hướng cho các nhà
đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn, làm cơ sở cho việc huy động các nguồn vốn
đầu tư.
- Tổ chức lại, tăng cường đào tạo, bồi
dưỡng đội ngũ cán bộ tư vấn có chất lượng, trang bị thêm phương tiện làm việc
phù hợp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch phát triển; đồng
thời tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện theo đúng quy hoạch, bảo đảm kỷ cương
trong công tác quy hoạch.
b) Cơ cấu lại các nguồn vốn và nâng
cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn.
- Đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước:
+ Vốn XDCB tập trung hàng năm: Ưu tiên bố trí vốn đối
ứng, đầu tư hạ tầng tạo khả năng thu hút vốn cho các dự án phát triển sản xuất
có tỷ lệ thu ngân sách cao. Đối với các công trình do cấp huyện, xã làm chủ đầu
tư, quản lý và sử dụng, giao cho cấp huyện bố trí từ ngân sách cấp huyện, xã
(nguồn thu tiền sử dụng đất được để lại theo phân cấp).
+ Vốn hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình mục
tiêu: Bố trí thực hiện theo hướng tập trung cho các công trình dự án trọng
điểm, đảm bảo theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, dự án. Thực
hiện lồng ghép các nguồn vốn, để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng
vốn.
+ Vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA): Tập trung
cho các dự án giao thông, thủy lợi, bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trạm y tế xã;
nước sinh hoạt cho đô thị và nông thôn, xử lý nước thải, chất thải rắn, vệ sinh
môi trường; các dự án phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển lưới điện
nông thôn, hạ tầng đô thị; các trường đại học, cao đẳng, dân tộc nội trú...
nhằm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực quản lý hành
chính các cấp.
Rà soát, đánh giá các dự án đang triển khai để có giải
pháp đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng. Tập trung thu hút các
dự án có tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thấp (không quá 25- 30%).
Chú trọng tranh thủ các dự án mới cho giai đoạn sau năm 2010.
+ Đối với nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác từ
ngân sách Nhà nước: Tiếp tục vay đầu tư các chương trình, dự án đang thực hiện
như Chương trình giao thông nông thôn, đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp...;
nghiên cứu mở rộng hình thức cho vay các dự án đầu tư hạ tầng theo phương thức
BOT, BT,... khi xác định dự án đầu tư có hiệu quả.
Đối với những dự án quan trọng về giao thông, hạ
tầng đô thị có khả năng thu hồi vốn như: sử dụng quỹ đất hoặc công trình tạo
vốn hoàn trả nguồn vốn vay cần có cơ chế tài chính cụ thể đối với từng dự án để
vay vốn trong và ngoài nước lãi suất thấp, hoặc vay vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà
nước để đầu tư. Thực hiện chính sách tiết kiệm chi, giành 50% nguồn vượt thu từ
ngân sách tỉnh hàng năm để bổ sung vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng.
+ Đối với nguồn vốn đầu tư của các Bộ, ngành: Chủ động
phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, nhất là phối hợp bồi thường, giải phóng
mặt bằng, trong đó công tác quy hoạch, tái định cư, vốn đối ứng cần được tính
trước một bước, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về giao thông, các
dự án thủy lợi, điện v.v...
- Đối với nguồn vốn dân cư, tư nhân (trong và ngoài
tỉnh): Tập trung huy động, khuyến khích đầu tư vào các dự án phát triển hạ
tầng dịch vụ, du lịch; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị, vệ
sinh môi trường; các lĩnh vực Y tế, Giáo dục đào tạo, Văn hóa, Thể thao v.v...
theo chính sách xã hội hóa. Tiếp tục huy động các nguồn lực từ dân cư để thực
hiện các chương trình: Giao thông nông thôn, điện, tăng cường cơ sở vật chất
giáo dục - đào tạo...
- Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Hướng trọng tâm là thu hút đầu tư hạ tầng các cụm, khu công nghiệp; cho vay tín
dụng ưu đãi hoặc liên doanh thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng (của các tập đoàn
kinh tế, tài chính) nhất là giao thông đô thị, các khu đô thị mới, hạ tầng du
lịch, dịch vụ...
c) Tiếp tục cụ thể hóa và điều chỉnh, bổ sung
các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong đầu tư xây dựng
hạ tầng.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư xã hội nhằm xã
hội hóa trong đầu tư xây dựng, nhất là thu hút các nguồn lực trong dân cư và tỉnh
ngoài để đầu tư hạ tầng kinh tế, hạ tầng văn hóa - xã hội. Thực hiện một số chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất,
tiền thu từ đất để khuyến khích đầu tư theo quy hoạch; hàng năm ngân sách tỉnh
cân đối bố trí hỗ trợ cho các dự án do dân cư, tư nhân đầu tư theo chính sách
khuyến khích của tỉnh.
- Khuyến khích các huyện, thành, thị khai thác nguồn
lực từ quỹ đất và các nguồn lực khác để chủ động bố trí vốn đầu tư cho các công
trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Nâng cao khả năng tự cân đối, bố trí đầu tư
hạ tầng thiết yếu trên địa bàn huyện, xã.
- Xây dựng quy định cụ thể trách nhiệm của từng sở,
ngành trong việc huy động, tranh thủ nguồn lực đầu tư từ các cơ chế, chính sách
của nhà nước, từ các dự án theo quy hoạch ngành trên địa bàn.
- Xây dựng và cụ thể hóa chính sách khen thưởng, có
chế độ đãi ngộ hợp lý đối với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc
vận động, thu hút được các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các dự
án đầu tư của các doanh nghiệp tỉnh ngoài và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trực
tiếp nước ngoài.
d) Khai thác có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao
chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, vận dụng phù
hợp các chủ trương, chính sách của Nhà nước để xây dựng các dự án có quy mô lớn,
có tính liên vùng nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về vốn đầu tư từ ngân sách Trung
ương và các nhà tài trợ quốc tế đối với các chương trình, dự án đầu tư của tỉnh.
- Tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng, đảm
bảo đầu tư có hiệu quả, nâng cao chất lượng công trình. Các cấp, các ngành đôn đốc
các chủ đầu tư thực hiện công tác giám định đầu tư; chịu trách nhiệm đối với
mọi phát sinh do không xử lý kịp thời và không thực hiện đầy đủ các quy định về
giám định đầu tư.
- Rà soát các công trình, dự án theo quy hoạch được
duyệt. Các cấp có thẩm quyền chỉ xem xét và phê duyệt quyết định đầu tư những dự
án nằm trong quy hoạch được duyệt và đảm bảo nguyên tắc: Chỉ quyết định đầu tư
khi đã xác định rõ nguồn vốn và trong phạm vi nguồn vốn được phân cấp; chịu trách
nhiệm về chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế và
tổng dự toán; thực hiện đúng quy định về quản lý đầu tư và xây dựng.
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực
hiện dự án, tăng khả năng huy động các nguồn vốn cho công tác duy tu bảo dưỡng
các công trình, nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư, gắn với khai thác, sử
dụng có hiệu quả công trình, dự án sau đầu tư.
đ) Đổi mới công tác chỉ đạo, nâng cao hiệu quả
công tác quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng.
- Tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, công khai
hóa các thủ tục, quy trình, thực hiện cơ chế "một cửa" hiệu quả hơn
nữa và đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong từng khâu
công việc để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư.
- Củng cố và chấn chỉnh lại các cơ quan quản lý đầu
tư, các Ban quản lý dự án theo hướng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đảm bảo cán bộ có
đủ năng lực chuyên môn, năng lực điều hành. Sắp xếp lại các đơn vị tư vấn đầu
tư, tư vấn thiết kế; chống khép kín trong đầu tư, trước hết là trong tư vấn,
giám sát dự án; xem xét, giải thể những đơn vị không đủ năng lực hoạt động trong
lĩnh vực này.
- Đẩy mạnh phân cấp quản lý một cách hợp lý giữa tỉnh
và huyện, nhất là những dự án lồng ghép nhiều nguồn vốn, dự án huy động nguồn
lực tại chỗ. Đề cao tính kỷ luật của các cấp, các ngành trong việc thực hiện
các chủ trương, các quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền; xác định rõ trách
nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện triển khai dự án, có chế tài phù hợp để việc quản lý vừa rõ ràng,
không phiền hà nhưng chặt chẽ.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xây dựng
chế độ kiểm tra, kiểm soát và giám sát cụ thể trong việc lựa chọn dự án, tổng hợp
kế hoạch, triển khai thực hiện; điều chỉnh bổ sung, ban hành các cơ chế và nội
dung cụ thể của từng khâu công việc để nhanh chóng nắm bắt, kịp thời tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
- Tăng cường công tác cán bộ, đảm bảo đội ngũ cán bộ
có đủ năng lực chuyên môn và khả năng điều hành. Đảm bảo tính ổn định cán bộ theo
hướng chuyên nghiệp, tránh chồng chéo.
e) Phát huy vai trò giám sát của các tổ chức đoàn
thể, của nhân dân trong tổ chức thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn:
Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao
vai trò giám sát của nhân dân, các tổ chức hội, đoàn thể đối với các hoạt động
đầu tư xây dựng trên địa bàn. Động viên các tổ chức đoàn thể phát động các phong
trào thi đua trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là cấp xã, phường, thị trấn.
Điều 2: Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện
Nghị quyết;
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban
và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân
tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ mười thông qua ngày 30 tháng 5 năm 2007./.