Nghị quyết 10-NQ/TW năm 1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 10-NQ/TW
Ngày ban hành 05/04/1988
Ngày có hiệu lực 05/04/1988
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Nguyễn Văn Linh
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ CHÍNH TRỊ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 10-NQ/TW

Hà Nội, ngày 5 tháng 4 năm 1988

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ KINH TẾ NÔNG NGHIỆP

I. Tình hình tổ chức sản xuất và quản lý nông nghiệp hiện nay 

Hiện nay, chế độ chiếm hữu ruộng đất và bóc lột phong kiến ở nông thôn đã hoàn toàn bị xoá bỏ, đại bộ phận nông nghiệp nước ta đã được hợp tác hoá. Công cuộc hợp tác hoá và việc phát triển các cơ sở quốc doanh nông, lâm, ngư nghiệp, các hệ thống tổ chức nghiên cứu, thực nghiệm và đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp đã có tác dụng tích cực mở mang thuỷ lợi, đưa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, thực hiện thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích, xây dựng nông thôn mới và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh. Những chủ trương, chính sách đối với nông nghiệp từ Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khoá IV) đến nay, nhất là chủ trương "khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp", đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, bước đầu khơi dậy tinh thần làm chủ, phấn khởi của người lao động, tạo nên động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Việc trồng rừng và thực hiện nông - lâm kết hợp có tiến bộ. Sản lượng khai thác, xuất khẩu thuỷ sản tăng khá; nuôi trồng thuỷ sản gần đây được chú ý. Trong sản xuất và quản lý, xuất hiện một số mô hình tốt và những nhân tố mới. 

Nhưng trong những năm qua, nông nghiệp nước ta phát triển chậm, tỷ suất hàng hoá thấp, nhiều vùng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tự cấp, tự túc, chia cắt và độc canh. Vài ba năm gần đây, trên một số mặt sản xuất, nhất là lương thực, giảm sút. Rừng tiếp tục bị phá hoại nghiêm trọng; môi trường sinh thái không được bảo vệ tốt. Hủ tục mê tín, dị đoan và tệ nạn xã hội rượu chè, cờ bạc v.v… có chiều hướng phát triển. 

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do lãnh đạo và chỉ đạo đã có những khuyết điểm chính như sau : 

- Chưa có chiến lược đúng về phát triển kinh tế - xã hội để từng bước tạo ra cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý. Chưa tập trung đúng mức cho mặt trận hàng đầu là nông nghiệp, đặc biệt là cho phát triển lương thực, thực phẩm. Chưa kết hợp chặt chẽ nông, lâm, ngư nghiệp. Chưa gắn công nghiệp với nông nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất cho nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Chưa đầu tư thoả đáng cho việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Việc sử dụng vốn đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp lãng phí lớn, ít hiệu quả. Đến nay, trình độ kỹ thuật của sản xuất nông nghiệp còn rất thấp, chưa bảo đảm tưới, tiêu chủ động và hợp lý cho các vùng trọng điểm lúa, cung ứng đủ công cụ, vật tư cần thiết cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. 

- Trong tổ chức lại sản xuất và cải tạo xã hội chủ nghĩa nông nghiệp, đã nhận thức giản đơn về chủ nghĩa xã hội, về chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, không nắm vững quy luật quan hệ sản xuất nhất định phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, không nắm vững đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, và không quán triệt nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Đã chủ quan, nóng vội trong cải tạo, gò ép nông dân vào hợp tác xã, tập đoàn sản xuất; đưa hợp tác xã lên quy mô to, trình độ cao, tập thể hoá triệt để tư liệu sản xuất trong khi chưa có đủ điều kiện; áp dụng máy móc những hình thức tổ chức và quản lý giống nhau vào các vùng và các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất khác nhau. Trong một thời gian dài, thiếu chính sách khuyến khích kinh tế gia đình, chưa có chính sách sử dụng đúng đắn kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân; chưa tổ chức tốt việc liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế. Chậm hình thành và củng cố các công ty, liên hiệp xí nghiệp vùng và một số tổng công ty cần thiết. Chưa có điều tra, nghiên cứu về tình hình chuyển biến giai cấp và xã hội ở nông thôn để có chính sách kinh tế, xã hội đúng đắn nhằm tăng cường, củng cố công - nông liên minh, tăng cường đoàn kết nhân dân lao động, ngăn ngừa và khắc phục tình trạng tư nhân cho vay nặng lãi và tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa nông nghiệp theo những hình thức và bước đi thích hợp. 

- Chưa có chủ trương đồng bộ để củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông, lâm, ngư nghiệp về cả ba mặt : quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối. Trong các cơ sở quốc doanh cũng như tập thể, đã duy trì cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp và chế độ phân phối bình quân quá lâu. Nhiều cơ sở kinh tế quốc doanh nông, lâm, ngư nghiệp thua lỗ kéo dài. Trong các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, việc phân chia ruộng đất quá manh mún, tệ rong công, phóng điểm, tình trạng phân phối lương thực và thu nhập bình quân, hợp tác xã và xã viên phải gánh chịu quá nhiều khoản "bao cấp cho xã hội", "bao cấp qua giá" và nạn chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, tham ô, lợi dụng của cán bộ nhiều nơi đang làm cho nông dân xã viên thiếu phấn khởi, gây trở ngại cho phát triển sản xuất. 

- Có nhiều sai lầm trong các chính sách lớn đối với nông nghiệp. Chưa có chính sách khuyến khích thoả đáng đối với vùng và người trồng cây lương thực. Các chính sách trong quan hệ giữa nhà nước với hợp tác xã và nông dân đã được đề ra trong các nghị quyết của Đảng chưa được thể chế hoá kịp thời và thực hiện một cách triệt để, nhất quán. 

- Hệ thống cung ứng vật tư chậm sửa đổi tổ chức và phương thức hoạt động, có nhiều tiêu cực; vật tư của nhà nước chạy vòng vèo quá nhiều tầng nấc trung gian và bị thất thoát lớn, nông dân phải mua với giá cao, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất. 

- Hệ thống tổ chức quản lý từ trung ương xuống cơ sở có nhiều bất hợp lý, ngày càng cồng kềnh, quan liêu, kém hiệu lực. Đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật đông, tập trung nhiều ở các cơ quan bên trên và chưa được bố trí, sử dụng đúng đắn. Đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở yếu, chậm được đào tạo, bồi dưỡng. 

- Công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao kiến thức văn hoá, khoa học kỹ thuật cho nông dân và vận động thực hiện nếp sống mới ở nông thôn chưa tốt. 

- Tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn và trong các đơn vị kinh tế nông nghiệp ở nhiều nơi còn yếu. Nhiều chi bộ nông thôn gồm các đảng viên được phát triển theo dòng họ, theo bè cánh thôn, xóm, thậm chí để cả những phần tử xấu lợi dụng chui vào đảng; sinh hoạt chi bộ thiếu tính chiến đấu và tính giáo dục; không kiên quyết và kịp thời xử lý những phần tử thoái hoá, biến chất, những cán bộ, đảng viên phạm sai lầm tham ô, lợi dụng, ức hiếp quần chúng nghiêm trọng, làm cản trở cho việc thực hiện thông suốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. 

Các nhược điểm, khuyết điểm trên đây cùng với các sai lầm về chính sách giá, lương, lưu thông hàng hoá và tình trạng lạm phát quá cao hiện nay làm cho việc phát triển sản xuất và đổi mới quản lý nông nghiệp thêm trì trệ. 

II. Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp 

Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp phải đạt yêu cầu : 

- Thực sự giải phóng sức sản xuất; gắn sắp xếp, tổ chức lại sản xuất với cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật và đưa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp. Phát huy được mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, các vùng, các ngành; chuyển nền nông nghiệp nước ta còn mang nặng tính chất tự cung, tự cấp ở nhiều vùng sang sản xuất hàng hoá theo hướng chuyên môn hoá kết hợp kinh doanh tổng hợp phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; nhằm : giải quyết nhu cầu cơ bản về lương thực, thực phẩm, tăng thêm nguyên liệu cho công nghiệp, hàng hoá cho tiêu dùng và xuất khẩu, phục vụ tốt ba chương trình kinh tế lớn; xây dựng và bảo vệ môi trường sinh thái; không ngừng mở rộng thị trường nông thôn cho công nghiệp phát triển, gắn nông nghiệp với công nghiệp và giao thông-vận tải thành cơ cấu kinh tế thống nhất. 

- Giải quyết đúng đắn các mối quan hệ về lợi ích, nhất là bảo đảm lợi ích chính đáng của người sản xuất, trước hết là đối với người trồng lúa; không ngừng cải thiện đời sống nhân dân lao động, góp phần tích luỹ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

- Mở rộng dân chủ, đề cao pháp chế, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa. 

- Đổi mới về tổ chức và cán bộ phù hợp với cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý mới. Làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo yêu cầu và nội dung của cuộc vận động chính trị lớn. 

A- Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp 

Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên môn hoá kết hợp với kinh doanh tổng hợp, gắn trồng trọt với chăn nuôi, nông nghiệp với lâm nghiệp và ngư nghiệp, gắn nông - lâm - ngư nghiệp với công nghiệp và giao thông-vận tải, đặc biệt là công nghiệp chế biến và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, gắn phát triển sản xuất với mở rộng lưu thông giữa các vùng trong nước và với thị trường quốc tế, đồng thời không ngừng tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp và đưa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, chế biến, để tăng nhanh năng suất, khối lượng, chất lượng và giá trị hàng hoá trong nông nghiệp. 

Trước hết, cần tập trung đúng mức cho các vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các vùng lúa của các địa phương khác; đồng thời phát triển các vùng màu tập trung có năng suất cao, có tỷ suất hàng hoá lớn đi đôi với tổ chức tốt chế biến màu và đưa màu vào cơ cấu bữa ăn để tăng nhanh nguồn lương thực hàng hoá. Mở rộng nhanh diện tích cây vụ đông ở đồng bằng, trung du, miền núi Bắc Bộ và Bắc Khu 4 cũ, diện tích các cây ngắn ngày ở các vùng, tạo ra lợi thế mới về xuất khẩu rau, quả và sản phẩm cây ngắn ngày ở những nơi có điều kiện, trước hết là ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Chuyển các diện tích xưa nay trồng cây lương thực hiệu quả thấp sang nuôi, trồng các thứ khác có giá trị cao hơn. 

Xây dựng và phát triển các vành đai thực phẩm xung quanh thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố, khu công nghiệp quan trọng khác. 

Đối với miền núi, đi đôi với ra sức thâm canh tăng năng suất lúa và phát triển màu trên diện tích đất đai có điều kiện, phải tích cực phát huy các thế mạnh về lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày và chăn nuôi đại gia súc; phát triển giao thông, mở rộng giao lưu hàng hoá với các vùng khác trong nước và xuất, nhập khẩu để đổi lấy lương thực và các nhu cầu khác của sản xuất và đời sống nhân dân. Gắn việc thực hiện tốt các chính sách xã hội với phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn. Làm tốt công tác định canh, định cư. 

Vùng ven biển và hải đảo tổ chức khai thác tổng hợp các nguồn tiềm lực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, vận tải thuỷ dưới nhiều hình thức; đẩy mạnh việc nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản. 

Phát triển mạnh cây công nghiệp ngắn ngày thu hút nhiều lao động, sớm cho hiệu quả (đỗ tương, lạc, mía đường, bông, đay, cói, thuốc lá…), mở rộng các vùng cây công nghiệp dài ngày quan trọng (cà phê, chè, cao su, dừa, quế, hồ tiêu v.v…), cây ăn quả tập trung, gắn với các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chế biến. 

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ