Nghị quyết 10/2003/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2003 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 10/2003/NQ-CP
Ngày ban hành 04/08/2003
Ngày có hiệu lực 30/08/2003
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2003/NQ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2003

 

NGHỊ QUYẾT 

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 10/2003/NQ-CP NGÀY 04 THÁNG 8 NĂM 2003 PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 7 NĂM 2003

Trong ngày 30 và sáng 31 tháng 7 năm 2003, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 năm 2003, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh.

Mục tiêu của Chương trình, kế hoạch là tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng; hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hoá tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của các nông, lâm trường quốc doanh; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần xoá đói giảm nghèo; thúc đẩy ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp.

Nội dung chính của Chương trình là rà soát chức năng, nhiệm vụ đối với từng nông, lâm trường, đồng thời tách bạch rõ từng loại nông, lâm trường có nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với loại nông, lâm trường hoạt động công ích hay đảm nhận một phần chức năng về xã hội, quốc phòng và an ninh; kiên quyết giải thể hoặc chuyển sang loại hình sở hữu khác các nông, lâm trường hoạt động không có hiệu quả, bị thua lỗ; rà soát, thu hồi đất của các nông, lâm trường sử dụng không đúng mục đích và quy hoạch, đổi mới các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, cơ chế khoán trong các nông, lâm trường quốc doanh; bổ sung các chính sách phù hợp về khoa học, công nghệ, tài chính, lao động, phân cấp quản lý đối với các nông, lâm trường quốc doanh.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Chương trình, kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định để triển khai thực hiện.

Các Bộ, ngành và địa phương cần quán triệt đầy đủ Chương trình, kế hoạch của Chính phủ; có kế hoạch cụ thể nhằm thể chế hoá các quan điểm, mục tiêu và nội dung đã được đề ra thành các quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình dự án Pháp lệnh Thi hành án dân sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình các dự án Pháp lệnh Giống cây trồng, Pháp lệnh Giống vật nuôi; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về các dự án Pháp lệnh trên.

Chính phủ đã thảo luận, xem xét về các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong nội dung các dự án Pháp lệnh trên.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh thi hành án dân sự (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh Giống cây trồng và dự án Pháp lệnh Giống vật nuôi; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 2 dự án Pháp lệnh này.

3. Chính phủ đã xem xét báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2003 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2003 tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực: sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao, nhất là khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; các hoạt động dịch vụ có nhiều tiến bộ, một số lĩnh vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh SARS bước đầu được phục hồi; vốn đầu tư phát triển thực hiện khá; xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao; thu ngân sách nhà nước có triển vọng vượt dự toán năm; giá cả ổn định; giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, phòng, chống dịch bệnh, phong trào đền ơn đáp nghĩa, công tác xoá đói, giảm nghèo, khắc phục ùn tắc và tai nạn giao thông có tiến bộ; hoạt động giáo dục, văn hoá, thông tin và thể dục thể thao được tăng cường. Tuy nhiên, một số vấn đề xã hội vẫn còn có diễn biến phức tạp như tình hình nhiễm HIV/AIDS, mại dâm, ma tuý...

Trong 5 tháng còn lại của năm 2003, nền kinh tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn: thời tiết có thể diễn biến khó lường, giải ngân vốn tín dụng nhà nước đạt thấp, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chưa có chuyển biến mạnh, một số khó khăn mới xuất hiện như vấn đề xuất khẩu cá tra, cá ba sa, hàng dệt may...

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP, đồng thời, tiến hành kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ công tác 3 năm thực hiện kế hoạch 2001 - 2005, giải quyết tốt các vấn đề mới nảy sinh, bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2003 và kế hoạch 5 năm 2001 - 2005.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì làm việc với các Tổng Công ty 91 rà soát lại năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu.

Giao Bộ Thương mại làm việc với các doanh nghiệp có giá trị sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu lớn, tìm ra giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, giảm nhập siêu năm 2003 và xây dựng kế hoạch cho năm 2004.

4. Chính phủ đã xem xét báo cáo Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm 2003.

Nhìn chung, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm trên phạm vi toàn quốc có chuyển biến tốt hơn so với cùng kỳ năm trước, song chưa cơ bản, tình trạng tụ tập đông người, đeo băng-rôn đến Trụ sở tiếp công dân và đến nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước để khiếu kiện vẫn diễn biến phức tạp.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kiên quyết nhằm thực hiện tốt các giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2003 (Nghị quyết số 03/2003/NQ-CP), tập trung chỉ đạo tốt việc thực hiện trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là cấp cơ sở xã, huyện; khẩn trương rà soát, xem xét, kết luận về các vụ việc khiếu tố tồn đọng, các vụ khiếu tố đông người, phức tạp, kéo dài và các vụ việc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị sớm giải quyết dứt điểm.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)