Nghị quyết 07/NQ-TLĐ năm 2020 về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 07/NQ-TLĐ
Ngày ban hành 15/01/2020
Ngày có hiệu lực 15/01/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khang
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/NQ-TLĐ

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRONG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN

I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng trong công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn cả nước tiếp tục có bước phát triển mới. Phong trào thi đua yêu nước được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức phát động, bám sát thực tiễn, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động hưởng ứng tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và đất nước. Tổng Liên đoàn tiếp tục phát động mới một số phong trào, cuộc vận động nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”; “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” và cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”. Việc phát hiện, tuyên truyền, tôn vinh và nhân rộng điển hình tiên tiến được quan tâm hơn và có nhiều đổi mới. Công tác khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, hướng tới kịp thời, chặt chẽ, công khai và minh bạch.

2. Tuy nhiên, phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều ở các khu vực, đối tượng; nhiều nơi phong trào còn mang nặng tính hình thức, chưa thiết thực, chưa đến được với số đông đoàn viên, người lao động; nội dung thi đua còn chung chung, không được cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, hình thức tổ chức còn dập khuôn, chậm đổi mới. Việc duy trì và nuôi dưỡng phong trào không thường xuyên, liên tục, chưa lan tỏa đều khắp giữa các khu vực, nhất là ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực vùng sâu, vùng xa. Sự phối hợp giữa công đoàn với thủ trưởng ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế.

Công tác phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm đúng mức. Việc xét khen thưởng, bình xét và công nhận danh hiệu thi đua có nơi, có lúc chưa công bằng, thiếu chặt chẽ, còn nể nang, cào bằng, một số nơi chưa kịp thời, thủ tục khen thưởng còn rườm rà; việc khen thưởng thành tích đột xuất chưa nhiều, tỷ lệ khen thưởng đối với công nhân, lao động trực tiếp sản xuất, công chức viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý còn thấp. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ công tác khen thưởng còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hoạt động Cụm, Khối thi đua còn đơn điệu, chậm đổi mới; nội dung thiếu sáng tạo, thiết thực, chưa tạo được động lực thi đua giữa các đơn vị; còn có tình trạng cào bằng, luân phiên khi xét, tôn vinh danh hiệu thi đua. Đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong toàn hệ thống còn thiếu, không ổn định, trình độ chuyên môn có mặt còn hạn chế, chưa được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng.

3. Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của các cấp công đoàn về công tác thi đua, khen thưởng, nhất là ở cấp cơ sở chưa đầy đủ, toàn diện. Công tác chỉ đạo về thi đua, khen thưởng của nhiều lãnh đạo công đoàn chưa quyết liệt, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác thi đua, khen thưởng hầu hết kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, không được tập huấn thường xuyên. Phong trào thi đua ở nhiều nơi chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng và sự phối hợp của thủ trưởng cơ quan; nhiều chủ doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa quan tâm đến các phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa hiệu quả; hệ thống văn bản về thi đua, khen thưởng chưa hoàn thiện, có nội dung không sát thực tế.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm chỉ đạo

- Việc tổ chức phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn phải thực sự trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, vị thế và uy tín của tổ chức Công đoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

- Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng phải có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung đổi mới nội dung tổ chức phong trào thi đua và hình thức tổ chức thi đua; đổi mới khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, hướng về người lao động trực tiếp; tạo chuyển biến mạnh trong toàn hệ thống, tập trung đối với công đoàn tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

- Triển khai đồng bộ phong trào thi đua trong nội bộ tổ chức Công đoàn góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; đồng thời công đoàn phối hợp với thủ trưởng cơ quan, người sử dụng lao động tổ chức phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Đổi mới việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực hiệu quả, sát hợp từng đối tượng, hướng về cơ sở, khẳng định rõ vai trò của tổ chức Công đoàn và đoàn viên, người lao động, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, công tác, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, xây dựng văn hóa công sở, tạo sức lan tỏa đối với toàn hệ thống và xã hội.

- Khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, mang tính nêu gương, giáo dục, tập trung cho người lao động trực tiếp, khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong thi đua, khen thưởng.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng sáng tạo, công tâm, trách nhiệm, đảm bảo đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Hoàn thiện các văn bản quy định về công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo chặt chẽ, khoa học, khả thi, phù hợp với các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

2.2. Chỉ tiêu phấn đấu hàng năm

- 100% công đoàn cấp trên cơ sở trở lên và 85% công đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn chỉ đạo.

- 100% các phong trào thi đua sau khi được phát động, đều được duy trì, nuôi dưỡng, được sơ tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến.

- Ít nhất 15% tổng số cá nhân được khen thưởng hàng năm là công nhân, lao động trực tiếp sản xuất, công chức, viên chức không giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.

- 100% cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác thi đua, khen thưởng.

- 100% các Cụm, Khối thi đua thuộc Tổng Liên đoàn có mô hình mới, cách làm hay được giới thiệu, nhân rộng trong các cấp công đoàn cả nước. Mỗi năm các Cụm, Khối thi đua có ít nhất 01 chuyên đề tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm thiết thực, hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thi đua

- Cách thức phát động, phương pháp triển khai, công tác kiểm tra, đôn đốc các phong trào thi đua phải khoa học, chặt chẽ, đảm bảo tính thường xuyên, liên tục. Trọng tâm thi đua phải hướng về cơ sở, gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và hiệu quả quản lý nhà nước. Việc đề xuất tên gọi, nội dung phong trào thi đua mới (hoặc cụ thể hóa phong trào của cơ quan cấp trên) phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, căn cứ vào thực tiễn, đặc thù của địa phương, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, đảm bảo tên gọi dễ nhớ, có chủ đề, tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực; bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động thi đua. Đổi mới, đa dạng hóa phương thức tổ chức phát động, tuyên truyền sâu rộng các phong trào thi đua phù hợp với đặc thù, điều kiện tiếp cận thông tin của từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng.

- Trong quá trình tổ chức phong trào thi đua, cần xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua, nội dung, chỉ tiêu thi đua, biện pháp tổ chức vận động tham gia phong trào thi đua đối với: phong trào thi đua áp dụng riêng trong hoạt động công đoàn; phong trào thi đua dành cho công nhân, viên chức, lao động; phong trào thi đua dành cho công nhân, viên chức, lao động nhưng được phát động trong cơ quan chuyên trách công đoàn hoặc cán bộ công đoàn.

[...]