Nghị quyết số 06/2000/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 04 năm 2000 do Chính phủ ban hành
Số hiệu | 06/2000/NQ-CP |
Ngày ban hành | 04/05/2000 |
Ngày có hiệu lực | 19/05/2000 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2000/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2000 |
Ngày 26 và sáng 27 tháng 4 năm 2000, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4 năm 2000, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau:
Trong những năm qua, các đối tác nước ngoài mở Văn phòng đại diện và Chi nhánh ở nước ta có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, việc ban hành những quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết, tạo thêm thế và lực cho các doanh nghiệp nước ta trong quá trình hợp tác, cạnh tranh quốc tế. Chính phủ giao Bộ Thương mại chủ trì, cùng với Tổng cục Du lịch, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, nghiên cứu, hoàn chỉnh Nghị định này, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 5 năm 2000.
Trên cơ sở phân loại các Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, nội dung Nghị định cần quán triệt và kết hợp chủ trương tăng cường phân cấp với việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý hoạt động các Văn phòng đại diện và Chi nhánh nói trên.
Luật Giáo dục được Quốc hội khoá X thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 02 tháng 12 năm 1998, là cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự nghiệp phát triển giáo dục của nước ta. Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, bao hàm những nguyên tắc cơ bản của hoạt động giáo dục. Do vậy, cần có những quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, nhằm giải thích, cụ thể hoá nội dung một số Điều của Luật, nhất là những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục như: mô hình về các loại trường Đại học, ngạch công chức của nhà giáo, quản lý ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục... Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong Quí II năm 2000.
Dự án Thuỷ điện Sơn La là dự án có quy mô lớn nhất về thuỷ điện ở nước ta. Dự án này nhằm tăng nguồn cung cấp điện, tham gia chống lũ và bổ sung nguồn nước về mùa khô cho vùng hạ lưu đồng bằng sông Hồng. Dự án còn có tác dụng mở rộng hệ thống giao thông đường thuỷ, nuôi thuỷ sản, phát triển du lịch, cải thiện môi trường, quy hoạch lại dân cư, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. Dự án không chỉ lớn về quy mô, mà còn nhiều những nội dung phức tạp cần được xem xét kỹ trên góc độ kỹ thuật, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng ... vì vậy cần có thêm thời gian nghiên cứu và thẩm định. Giao Hội đồng thẩm định nhà nước Dự án thuỷ điện Sơn La phối hợp với Bộ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, tiếp tục nghiên cứu các phương án đã nêu trong dự án và có kết luận về phương án khả thi. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Quốc hội về kết quả bước đầu chuẩn bị dự án trong thời gian qua và những việc cần phải làm tiếp.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Thuỷ sản, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan xác định cụ thể những công việc cần làm, phân công trách nhiệm và tiến độ thực hiện các biện pháp để giảm nhẹ thiên tai ở các tỉnh miền Trung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 5 năm 2000.
Giao Uỷ ban Thể dục thể thao phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh Pháp lệnh dự thảo trình Chính phủ trong tháng 5 năm 2000 để Chính phủ quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ nhất trí thông qua báo cáo này.
Nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 vẫn duy trì được mức tăng trưởng của 3 tháng đầu năm, nông nghiệp tiếp tục phát triển tốt, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, từng bước lấy lại được nhịp độ tăng trưởng như trước đây, xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ các năm trước. Chính phủ thống nhất nhận định, từ đầu năm đến nay, kinh tế và xã hội nước ta đã thu được kết quả khả quan trên nhiều mặt hoạt động, nổi bật là trong lĩnh vực nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo. Niềm phấn khởi và lòng tin của nhân dân đối với Chính phủ được củng cố qua việc đổi mới phương thức quản lý các dự án đầu tư, thực hiện lồng ghép các dự án, công khai các khoản đầu tư, các công trình, để dân biết và kiểm tra; chỉ đạo tốt khắc phục hậu quả lũ lụt ở các tỉnh miền Trung; hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, đồng thời triển khai tốt Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại. Việc thực hiện các Luật thuế mới bước đầu có nhiều thuận lợi, là năm đầu triển khai nhưng vẫn giữ được giá cả ổn định.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chậm được khắc phục như: tình hình tiêu thụ sản phẩm chưa được cải thiện nhiều, nhất là đối với một số sản phẩm nông nghiệp; vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện thấp, đặc biệt là vốn tín dụng Nhà nước; các giải pháp kích cầu đầu tư triển khai chưa mạnh, hiệu quả hạn chế, giá tiêu dùng và dịch vụ tiếp tục giảm.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương trong những tháng tới tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Đẩy nhanh hơn tiến độ cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và đất đô thị. Bộ Tài chính và Tổng cục Địa chính cần sớm thống nhất kinh phí cho Tổng kiểm kê đất đai cả nước vào năm 2000 để các ngành, các cấp có kinh phí thực hiện theo đúng tiến độ.
Đi đôi với triển khai các chương trình, dự án lớn, cần phải triển khai các giải pháp hỗ trợ để bảo đảm dự án phát huy hiệu quả cao. Phát triển kinh tế trang trại cần định hướng được thị trường tiêu thụ, chú trọng các sản phẩm đầu ra là nguyên liệu của công nghiệp và thay thế nhập khẩu như: bông, thuốc lá, dâu tằm...; đối với ngành thuỷ sản phải phát triển đồng bộ cả 3 chương trình: đánh cá xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản, xuất khẩu thuỷ sản với các hoạt động dịch vụ đi kèm.
Kích cầu đầu tư và tiêu dùng có hiệu quả; có biện pháp xử lý khẩn trương vướng mắc về tài chính cho một số Nhà máy Đường.
Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ gạo, cà phê.
Đánh giá, xem xét kỹ hiệu quả về đầu tư phát triển các đài truyền hình địa phương.
Theo dõi sát tình hình giá cả và có biện pháp khắc phục hiện tượng giảm phát.
Chấn chỉnh lại và tăng cường kiểm tra khâu hoàn thuế giá trị gia tăng, xử lý nghiêm những tiêu cực; chống thất thoát tiền của của Nhà nước.
Tăng cường kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm. Xúc tiến mạnh hơn nữa công tác xuất khẩu lao động; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu xây dựng đề án về xuất khẩu lao động từ nay đến năm 2005 trình Chính phủ vào tháng 6 năm 2000.
Thực hiện triệt để chủ trương cải cách hành chính, tinh giảm bộ máy quản lý Nhà nước.