Nghị quyết số 04/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2000 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 04/2000/NQ-CP
Ngày ban hành 01/03/2000
Ngày có hiệu lực 16/03/2000
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2000/NQ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2000 

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 02 NĂM 2000

 Trong hai ngày 23 và 24 tháng 02 năm 2000, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 02 năm 2000, đã thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ đã nghe các báo cáo có liên quan đến sắp xếp và phát triển doanh nghiệp nhà nước, gồm "Đề án tiếp tục đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước" do Phó trưởng ban thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Minh Thông trình bày; "Đề án xử lý, thanh toán công nợ" do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trình bày; "Đề án giải quyết lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp doanh nghiệp nhà nước" do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng trình bày.

Chính phủ khẳng định, ở nước ta các doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, bảo đảm phần lớn các điều kiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội, cung cấp những sản phẩm thiết yếu cho đời sống và sản xuất, là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần tích cực trong việc đảm bảo ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay chưa cao, số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng quy mô nhỏ bé, kỹ thuật và công nghệ lạc hậu; tình trạng lực lượng lao động dôi dư và nợ quá hạn tồn đọng lớn đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Vì vậy, cần phải tiếp tục sắp xếp lại và phát triển các doanh nghiệp nhà nước nhằm hợp lý hoá về cơ cấu ngành nghề và khu vực, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Giao Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương chủ trì, cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh đề án tổng thể về “Tiếp tục sắp xếp lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để trình Bộ Chính trị trong tháng 3 năm 2000. Nội dung đề án cần đánh giá đầy đủ và cụ thể về hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; làm rõ mục tiêu, phương hướng, biện pháp và lộ trình thực hiện; đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm vấn đề công nợ và lao động dôi dư đối với các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt đối với các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hoá và giao, bán, khoán, cho thuê.

2. Chính phủ đã xem xét Tờ trình về Chương trình hành động chống tệ nạn mại dâm giai đoạn năm 2000-2005 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình; Tờ trình về Chương trình quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý giai đoạn 2000-2005 do Bộ Công an trình.

Phòng, chống tệ nạn mại dâm và ma tuý là nhiệm vụ bức xúc và cần được tiến hành kiên quyết, đồng bộ. Với phương châm lấy phòng ngừa là chính, phải tổ chức phối hợp các lực lượng để quản lý chặt các địa bàn dân cư, tăng cường giáo dục và truyền thông về tác hại của mại dâm và ma tuý; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm những vi phạm; gắn việc phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma tuý với việc thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội khác để công tác này trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, các đoàn thể và trách nhiệm của mỗi người dân. Giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, đoàn thể xã hội có liên quan, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh hai dự thảo Chương trình trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 03 năm 2000.

3. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá trình bày Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Chính phủ đặt mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư nước ngoài lần này là nhằm tăng khả năng cạnh tranh, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cản trở cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp đầu tư trong nước. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong tháng 3 năm 2000.

4. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao trình bày Tờ trình Chính phủ và Báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí Việt Nam.

Môi trường đầu tư trong ngành Dầu khí ở nước ta đã và đang có những thay đổi so với những năm trước. Luật dầu khí ban hành năm 1993 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới, tạo thuận lợi và tăng tính hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển khai thác và sản xuất dầu khí ở Việt Nam. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Luật này trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong tháng 3 năm 2000.

Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2000.

Tình hình kinh tế, xã hội 2 tháng đầu năm diễn biến thuận lợi và đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 1999. Các hoạt động phục vụ Tết Canh thìn được tổ chức tốt với tinh thần tiết kiệm, lực lượng hàng hoá phục vụ nhân dân trong dịp Tết dồi dào, mức tiêu thụ khá, giá cả ổn định. Tuy nhiên, tình hình sản xuất trong tháng biến chuyển chưa mạnh và chưa đều, tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tích cực chủ động hơn tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, tăng xuất khẩu, đặc biệt tháo gỡ khó khăn đối với xuất khẩu gạo; theo dõi sát tình hình giá cả và có biện pháp ngay từ đầu năm để ngăn chặn hiện tượng giảm phát; chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp, tiếp tục rà soát các loại giấy phép và kiến nghị Chính phủ bãi bỏ những giấy phép trái với quy định của Luật doanh nghiệp; triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ cứu đói cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt.

Chính phủ giao Bộ kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức hội nghị chuyên đề về xây dựng cơ bản để xác định nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện vốn đầu tư ; giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra an toàn giao thông, thực hiện nghiêm Nghị định 36-CP đảm bảo an toàn giao thông trên cả nước.

 


Nơi nhận:

- Thường vụ Bộ Chính trị,
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ,
- HĐND, UBND các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương,
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
- Toà án nhân dân tối cao,
- Cơ quan TW của các đoàn thể,
- Công báo,
- VPCP: BTCN, các PCN,các Vụ,
Cục, đơn vị trực thuộc,
- Lưu: TH (5), VT.

TM.CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

 



Phan Văn Khải