Nghị quyết số 08/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2000 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 08/2000/NQ-CP
Ngày ban hành 08/06/2000
Ngày có hiệu lực 23/06/2000
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2000/NQ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2000

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 5 NĂM 2000

Trong hai ngày 31 tháng 5 và 01 tháng 6 năm 2000, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 năm 2000, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau:

Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày dự thảo đề án về thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hoá gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đáp ứng cơ bản nhu cầu lương thực và thực phẩm cho nhân dân cả nước, ổn định an ninh lương thực quốc gia, tỷ suất hàng hoá nông sản tăng nhanh, một số sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thử thách lớn, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ sản phẩm đang gặp khó khăn. Các Bộ, ngành, địa phương và người sản xuất cùng có trách nhiệm tìm ra giải pháp, đặc biệt là giải pháp tìm kiếm thị trường. Để khắc phục tình trạng này một cách cơ bản, phải đánh giá chuẩn xác hơn tình hình thị trường trong và ngoài nước, trên cơ sở đó cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với nhu cầu thị trường, vừa bảo đảm tiêu dùng trong nước vừa hướng về xuất khẩu và thay thế nhập khẩu; áp dụng đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, quản lý, cơ chế chính sách để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng tỷ trọng mặt hàng là sản phẩm nông nghiệp chế biến.

Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh bản đề án và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Giao các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp có kinh doanh xuất khẩu và chế biến nông sản thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước phải có kế hoạch và chủ động ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất nông sản. Giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Bộ Thương mại và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ phát triển đối với các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cùng với các chính sách, giải pháp kèm theo để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ nông dân có nhu cầu vay vốn lớn có thể vay vốn từ ngân hàng để phát triển sản xuất. Chính phủ yêu cầu các Hiệp hội ngành hàng cần nhanh chóng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động nhằm phát huy đầy đủ hơn vai trò của Hiệp hội đối với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng quy chế khuyến khích các Hiệp hội ngành hàng thành lập các Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cho từng loại hàng hoá trên tinh thần tự nguyện, tự quản và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động.

Chính phủ nghe Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình bày đề án phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005. Chính phủ nhận định, công nghiệp phần mềm là một trong những ngành công nghệ cao mà chúng ta có tiềm năng cần được đặc biệt chú trọng phát triển. Những năm qua, thành tựu đạt được trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin trên cả nước đã tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp rất mới này thành một ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, tăng trưởng cao còn phải vượt qua nhiều khó khăn và thách thức. Chính phủ thiết lập khung pháp lý và có chính sách ưu đãi, khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư, mở rộng thị trường... để phát triển công nghiệp phần mềm. Đồng thời, tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và tư nhân tham gia vào chương trình sản xuất phần mềm, tạo bước đi đón đầu trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia.

Giao Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Công nghiệp, Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thành các việc sau đây:

Hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành sớm.

Hoàn chỉnh đề án triển khai xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005 trình Chính phủ phê duyệt trong quý 3 năm 2000. Nội dung đề án phải gắn với việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 49/CP trong những năm vừa qua và kế hoạch tiếp tục phát triển công nghệ thông tin của đất nước trong những năm tới.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách ưu đãi nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2000.

Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình bày về dự thảo 3 pháp lệnh: Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão (sửa đổi), Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi (sửa đổi), Pháp lệnh Đê điều (sửa đổi); nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ về 03 dự thảo Pháp lệnh nói trên.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh các Pháp lệnh trên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày các báo cáo về "Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2000" và "Tình hình thi hành Luật Doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2000".

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực quan trọng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu tăng cao, thu ngân sách đạt khá. Một số hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, xã hội có tiến bộ. Môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đã tạo lòng tin và thúc đẩy các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh mạnh dạn mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội còn một số mặt không thuận, nổi lên là vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn chậm, giá cả tiếp tục giảm, đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp, một số tệ nạn xã hội vẫn còn chậm được khắc phục.

Trong việc chỉ đạo điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện triệt để các giải pháp kích cầu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chú trọng các vấn đề sau đây:

Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình phải khởi công, các công trình phải hoàn thành năm 2000 và đầu năm 2001.

Tập trung giải quyết khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản, thiết lập cơ chế hợp đồng dài hạn giữa các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu và chế biến với người sản xuất nông sản. Khắc phục dần tình trạng tách biệt giữa sản xuất với tiêu thụ; tổ chức lại công tác thông tin thị trường; hoạt động hiệp hội của các ngành hàng phải góp phần tích cực hơn vào việc thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hoá của các doanh nghiệp hội viên.

Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, tiếp tục bãi bỏ các giấy phép gây khó khăn, cản trở sản xuất kinh doanh và thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký kinh doanh. Công bố và hướng dẫn kịp thời điều kiện kinh doanh của một số ngành, nghề cần phải có sau khi bãi bỏ giấy phép kinh doanh.

Chấn chỉnh kỷ luật hành chính, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Đổi mới và kiện toàn công tác thanh tra, kiểm tra đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)