Nghị quyết 05/2003/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2003 do Chính phủ ban hành
Số hiệu | 05/2003/NQ-CP |
Ngày ban hành | 04/04/2003 |
Ngày có hiệu lực | 16/05/2003 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2003/NQ-CP |
Hà Nội , ngày 04 tháng 4 năm 2003 |
Trong hai ngày 31 tháng 3 và 01 tháng 4 năm 2003, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2003, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
Qua hai bước thực hiện cải cách chính sách thuế từ năm 1990 đến năm 2000, nền kinh tế nước ta đã hình thành được một hệ thống chính sách thuế thống nhất, bao quát được hầu hết các nguồn thu, áp dụng cho mọi thành phần kinh tế và từng bước thích ứng với yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính sách thuế hiện hành đã bảo đảm động viên một phần thu nhập quốc dân, đáp ứng yêu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước và trở thành công cụ điều tiết vĩ mô quan trọng của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư và xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bảo hộ sản xuất trong nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, hệ thống thuế hiện hành vẫn còn những hạn chế do chưa bao quát hết đối tượng chịu thuế, nộp thuế; công tác quản lý thuế thiếu nhạy bén, chậm nắm bắt tình hình để đề ra các chính sách phù hợp; trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực thuế chưa nghiêm, tình trạng thất thu thuế, trốn thuế, gian lận thuế, tiêu cực trong quản lý thuế còn khá phổ biến.
Thuế là vấn đề phức tạp, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, vì vậy cần được nghiên cứu kỹ để có giải pháp đổi mới, khắc phục những tồn tại, xây dựng hệ thống thuế vừa đồng bộ vừa hoàn thiện cả về chính sách cũng như công tác quản lý thuế.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh đề án Chiến lược Cải cách hệ thống thuế trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Bộ Chính trị.
Kể từ năm 1994 đến nay, Nhà nước đã ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu nhằm tăng cường quản lý vốn và tài sản nhà nước trong đầu tư, xây dựng. Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tích cực và trở thành công cụ để kiểm soát việc chi tiêu, sử dụng vốn của Nhà nước một cách có hiệu quả, bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, Quy chế đấu thầu đến nay đã phát sinh những điểm không phù hợp như quy trình tổ chức đấu thầu còn phức tạp, kéo dài, không rõ trách nhiệm, nhiệm vụ trong tổ chức đấu thầu, quản lý nhà nước về đấu thầu... làm cho việc đấu thầu một số dự án, công trình trở nên hình thức, kém hiệu quả và dễ phát sinh tiêu cực. Những tồn tại trên cần được khẩn trương sửa đổi nhằm nâng cao chất lượng đấu thầu và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ có liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, gửi xin ý kiến thành viên Chính phủ trước khi trình Thủ tướng ký ban hành.
Chính phủ đã thảo luận, xem xét về các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong nội dung các dự án Luật trên.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Thi đua khen thưởng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội. Giao các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho xây dựng và phát triển Hà Nội; yêu cầu các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường phối hợp với các cơ quan của Hà Nội trong các lĩnh vực công tác liên quan, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, quản lý đô thị... theo đúng quy định của pháp luật.
Quý I năm 2003, nước ta phải đương đầu với nhiều khó khăn do thời tiết khô hạn trên diện rộng, đặc biệt ở một số tỉnh Tây Nguyên và miền Trung, nguy cơ cháy rừng cao; giá cả hàng hoá thị trường thế giới biến động, một số nguyên, nhiên, vật liệu tăng giá; chiến tranh tại I-rắc gây tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta, nhất là hoạt động xuất khẩu, du lịch.
Dự báo được tình hình, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2003 và các giải pháp ứng phó. Vì vậy, nhìn chung, các hoạt động kinh tế đến nay vẫn duy trì được đà tăng trưởng của năm 2002. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhất là khu vực ngoài quốc doanh. Hoạt động dịch vụ đa dạng, thị trường trong nước sôi động. Kim ngạch xuất khẩu bằng 26% kế hoạch năm và tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt khá, nhất là đầu tư của dân cư, tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước có chuyển biến tích cực. Hoạt động tiền tệ có một số tiến bộ. Nhiều hoạt động xã hội được triển khai tốt, quyết liệt, kịp thời và có hiệu quả, đặc biệt trong việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, bảo đảm trật tự an toàn, chống ùn tắc và tai nạn giao thông. Công tác chuẩn bị cho Seagames 22 tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Khó khăn về thời tiết còn tiếp tục tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp ở miền Trung và Tây Nguyên. Giá cả một số nguyên vật liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư. Đặc biệt, cuộc chiến tranh tại I-rắc nếu kéo dài sẽ gây tác động không thuận cho xuất khẩu, thương mại, đầu tư và du lịch nước ta.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1) Theo dõi, bám sát tình hình trong nước và quốc tế, đề ra và triển khai thực hiện tốt các giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của nền kinh tế nước ta, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
2) Chỉ đạo sát sao việc thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu. Giao Bộ Thương mại chủ trì cùng các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng phương án bảo đảm thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng như gạo, chè, sữa, dầu ăn...
3) Tập trung chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chú trọng đẩy mạnh tiến độ thi công của các dự án quan trọng, các dự án có thể hoàn thành trong năm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ODA, huy động đa dạng nguồn vốn, bảo đảm đủ vốn cho đầu tư phát triển.
4) Tìm các giải pháp hữu hiệu phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả hạn hán và những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
5) Tăng cường các biện pháp về hành chính và kinh tế để quản lý tốt thị trường, quản lý xã hội. Đặc biệt chú trọng phòng ngừa và xử lý hiệu quả dịch viêm đường hô hấp cấp; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kiềm chế và đầy lùi tệ nạn xã hội.