TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 04b/NQ-TLĐ
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 07 năm 2014
|
NGHỊ QUYẾT
HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ
BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM KHÓA XI
VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
TRONG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Nhằm nâng cao tỷ lệ công nhân, viên
chức, lao động được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao năng lực
đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng
yêu cầu đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và
người lao động, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) ban hành Nghị quyết về “Nâng cao hiệu
quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên
chức, lao động trong tình hình mới” như sau:
I. TÌNH HÌNH CÔNG
TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO
ĐỘNG
1. Kết quả đạt được
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Đối với tổ chức công đoàn, công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động có nhiều đổi mới
về nội dung và hình thức, từng bước phù hợp với thực tiễn của cơ sở, sát nhu cầu của đoàn viên và người lao động,
đã tập trung hơn vào đối tượng công nhân, lao động trong các doanh nghiệp ngoài
nhà nước. So với chỉ tiêu 70% công nhân lao động (4 triệu người) được tuyên
truyền, phổ biến pháp luật theo chỉ tiêu của Chính phủ tại Quyết định số
31/2009/QĐ-TTg ngày 24/2/2009, đạt tỷ lệ trên 53%.
2. Hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động
còn hạn chế về số lượng, chất lượng, phạm vi và hiệu quả tuyên truyền.
Nguyên nhân chủ quan: Phương thức
tuyên truyền chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo. Tài liệu tuyên truyền còn thiếu về số lượng, hình thức chưa sinh động. Một bộ
phận cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật yếu
về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền.
Nguyên nhân khách quan: Trình độ học
vấn, kiến thức hiểu biết về pháp luật của công nhân, lao động còn nhiều hạn chế,
cường độ lao động căng thẳng, điều kiện sống khó khăn, chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến tìm hiểu pháp luật.
Người sử dụng lao động chưa tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn thực hiện công
tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Kinh phí cho công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được đầu tư thỏa đáng.
Từ tình hình trên, tổ chức công đoàn cần nâng cao hơn nữa hiệu quả
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức,
lao động.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU
1. Quan điểm
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật trong công nhân, viên chức, lao động, đặc biệt là công nhân, lao động
trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các bộ,
ngành, đoàn thể liên quan, của người sử dụng lao động, trong đó có vai trò quan
trọng của tổ chức công đoàn, với trách
nhiệm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
2. Mục tiêu
Nâng cao tỷ lệ công nhân, viên chức,
lao động, đặc biệt là công nhân, lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước
được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao năng lực đội ngũ cán
bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo sự chuyển biến
mạnh mẽ về ý thức của công nhân, viên chức,
lao động và người sử dụng lao động tôn trọng và chấp hành pháp luật, trong đó
có pháp luật lao động, pháp luật công đoàn, góp phần xây dựng quan hệ lao động
hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
3. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2018
- 80% trở lên số cán bộ, công chức,
viên chức trong các cơ quan, đơn vị được phổ biến Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước, các Nghị quyết của Công đoàn.
- 70% trở lên số công nhân lao động
trong các loại hình doanh nghiệp được phổ biến pháp luật, đặc biệt là Bộ luật
Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.
- 60% trở lên số doanh nghiệp đã
thành lập công đoàn đưa nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho
công nhân, lao động của người sử dụng lao
động vào nội dung thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.
- Phấn đấu 50% trở lên số khu nhà trọ
đông công nhân lao động có “giỏ sách pháp luật”; 50% trở lên số doanh nghiệp đã
thành lập công đoàn có “tủ sách pháp luật”, trong đó có báo, tạp chí của công
đoàn.
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nâng cao nhận
thức của các cấp công đoàn về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện sống và làm việc của từng nhóm đối
tượng công nhân, viên chức, lao động.
- Tuyên truyền để công nhân, viên chức,
lao động tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật,
tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
- Tuyên truyền, vận động người sử dụng
lao động có trách nhiệm tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
cho công nhân, lao động, thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng
của công nhân, lao động.
- Xây dựng mô hình điểm, nhân rộng và
khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật.
2. Xây dựng đội
ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vững
vàng về chính trị - tư tưởng, am hiểu pháp luật, có kỹ năng và chuyên môn, nghiệp
vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tốt
- Củng cố, xây dựng, phát triển đội
ngủ cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
theo hướng chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp
vụ và kỹ năng tuyên truyền.
- Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ
báo cáo viên pháp luật trong hệ thống công đoàn. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt
động các tổ chức tư vấn pháp luật của
công đoàn như Trung tâm, Văn phòng, Tổ tư vấn pháp luật. Thành lập mới các tổ
chức tư vấn pháp luật ở những nơi có điều kiện.
- Củng cố, kiện toàn, nâng cao vai
trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp phổ
biến, giáo dục pháp luật Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam và các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành
Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc TLĐ.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng
tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật, bảo đảm tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến công
đoàn cơ sở.
- Nghiên cứu xây dựng các chế độ,
chính sách khuyến khích đội ngũ báo cáo viên pháp luật, thành viên Hội đồng phối
hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của hệ thống công đoàn.
3. Đổi mới và đa
dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong
CNVCLĐ
- Phát huy vai trò các cơ quan báo
chí trong hệ thống công đoàn trong tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính
sách, văn bản pháp luật mới; phản ánh
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cấp công đoàn; phát
hiện kịp thời và định hướng dư luận phê phán những hành vi vi phạm quyền và lợi
ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.
- Biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật với nội dung, hình thức phù hợp với trình độ, điều kiện
sống, điều kiện làm việc của người lao động.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động, đặc biệt trong “Ngày
pháp luật 9/11” và “Tháng công nhân” hàng năm; tổ
chức thi tìm hiểu pháp luật; lồng ghép tuyên truyền pháp luật với các hoạt
động văn hóa, văn nghệ và các hình thức
phù hợp.
- Vận dụng linh hoạt các hình thức,
phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, lao động
như: tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, bảng
tin nội bộ, tài liệu; tận dụng giờ nghỉ giữa ca, ăn ca, tan ca để tuyên truyền;
tuyên truyền tại khu nhà trọ công nhân, thông qua hoạt động của tổ tự quản khu
nhà trọ công nhân, tổ tư vấn pháp luật lưu động.
- Tổ chức đối thoại với người sử dụng
lao động về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công
nhân, lao động; đưa nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể; vận động doanh
nghiệp xây dựng “tủ sách pháp luật”, “giỏ sách pháp luật” để công nhân, lao động
có điều kiện thuận lợi tự tìm hiểu pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Đối với Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam
- Chỉ đạo triển khai Nghị quyết tới
các cấp công đoàn; kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Tổng Liên đoàn; hướng dẫn các Liên đoàn Lao động
tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung
ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng
Liên đoàn kiện toàn, thành lập mới Hội đồng. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động
và thành lập mới các Trung tâm, Văn phòng, tổ tư vấn pháp luật của hệ thống
công đoàn theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn.
- Rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách, quyền và lợi
ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt là Bộ Luật Lao động, Luật
Công đoàn, kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai thực hiện Đề
án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định
pháp luật có liên quan cho người lao động tại các doanh nghiệp” theo Quyết định
số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí trong hệ
thống công đoàn tích cực phản ánh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
trong công nhân, viên chức, lao động; nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, biểu dương tập thể, cá nhân điển hình;
phát hiện kịp thời và định hướng dư luận phê phán những hành vi vi phạm quyền
và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, cản trở gây khó khăn trong
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của
tổ chức công đoàn.
- Các ban của Tổng Liên đoàn chủ động
đề xuất với Đoàn Chủ tịch và hướng dẫn các chuyên đề trong phạm vi được phân
công, tạo điều kiện để các cấp công đoàn tổ chức
thực hiện.
2. Đối với các Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố,
Công đoàn Ngành Trung ương và tương đương
- Tổ chức quán triệt Nghị quyết, xây dựng
kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với thực tiễn địa phương,
ngành, đơn vị, coi đó là một tiêu chí đề xét thi đua đối với các cấp Công đoàn.
- Phối hợp với cơ quan chức năng của
ngành, địa phương tiếp tục triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật
lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật có liên quan cho người
lao động tại các doanh nghiệp”, lập kế hoạch và kinh phí hàng năm theo Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ
tướng Chính phủ.
- Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
công đoàn làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; củng cố,
nâng cao hiệu quả hoạt động và thành lập mới của
các Trung tâm, Văn phòng và tổ tư vấn pháp luật; Kiện toàn, thành lập mới Hội đồng
Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố,
Công đoàn Ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
- Hướng dẫn công đoàn cấp trên trực
tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc
xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân,
viên chức, lao động đưa vào chương trình công tác hàng năm và bố trí kinh phí
cho công tác này.
3. Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện của các đơn vị, doanh
nghiệp được phân cấp quản lý, chỉ đạo.
- Thống kê, xác định số lượng, tình
hình hoạt động và sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn làm cơ sở xây dựng kế
hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, lao động.
Tích cực nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động để kịp thời
hỗ trợ Ban Chấp hành công đoàn cơ sở tư vấn, giải quyết.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật cho công nhân, lao động, tập trung vào dịp “Tháng Công nhân” và “Ngày
pháp luật”. Theo dõi, hướng dẫn hoạt động các tổ tự quản khu nhà trọ công nhân,
tổ tư vấn pháp luật để tổ chức phổ biến
pháp luật. Xây dựng “giỏ sách pháp luật” cho công nhân, lao động. Tùy theo điều kiện, có thể tổ chức cho công
nhân, lao động thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép việc phổ biến pháp luật thông
qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hình
thức sân khấu hóa...
- Hướng dẫn Ban chấp hành công đoàn
cơ sở tổ chức đối thoại với người sử dụng
lao động, đưa trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của người sử dụng lao động
vào thỏa ước lao động tập thể; tạo điều kiện để công đoàn thực hiện công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công nhân, lao động được nghiên cứu,
học tập, tìm hiểu pháp luật.
4. Đối với công
đoàn cơ sở
- Chủ động phối hợp với người sử dụng
lao động, thủ trưởng cơ quan tổ chức thực hiện Nghị quyết và hướng dẫn của công đoàn cấp
trên.
- Thương lượng, đàm phán với người sử
dụng lao động đưa trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của người sử dụng lao động vào thỏa ước lao động
tập thể; bố trí thời gian, đảm bảo các điều kiện cần thiết để công đoàn phổ biến,
giáo dục pháp luật cho công nhân, lao động; xây dựng “tủ sách pháp luật”, “giỏ
sách pháp luật” để công nhân, lao động tự tìm hiểu pháp luật.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, lao động bằng những hình thức phù hợp
với điều kiện cụ thể của cơ sở như: sử dụng loa truyền thanh, bảng tin nội
bộ, tài liệu, tư vấn pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật...
- Phổ biến các văn bản pháp luật mới
có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao
động; vận động công nhân, viên chức, lao động tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật,
tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do
công đoàn tổ chức.
Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam giao cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên
đoàn hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn
triển khai thực hiện. Căn cứ vào quy định của
pháp luật, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, sự chỉ đạo,
hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, các cấp
công đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp triển khai Nghị quyết phù
hợp với đặc điểm của ngành, địa phương; định kỳ tổ
chức kiểm tra, sơ kết, tổng
kết đánh giá tình hình kết quả thực hiện Nghị
quyết, báo cáo Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp và cấp trên theo quy định.
Nơi nhận:
- Các UV BCH TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TW, và tương đương;
- Các ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
Đồng kính gửi:
- Thủ tướng Chính phủ ;
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ
Tư pháp; Bộ Tài Chính;
- Lưu: TG, VT TLĐ;
|
TM. BAN CHẤP
HÀNH
CHỦ TỊCH
Đặng Ngọc Tùng
|