Nghị quyết số 04/2009/NQ-HĐND về nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Thành phố Hà Nội đến năm 2015 do Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 04/2009/NQ-HĐND
Ngày ban hành 17/07/2009
Ngày có hiệu lực 27/07/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Ngô Thị Doãn Thanh
Lĩnh vực Giáo dục

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 04/2009/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC MẦM NON THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 18
(Từ ngày 14 đến ngày 17/7/2009)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;
Căn cứ Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015”;
Xét Tờ trình số 33/TTr-UBND ngày 29/6/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kèm theo Đề án về Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thành phố Hà Nội đến năm 2015, Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố, ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án về Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thành phố Hà Nội đến năm 2015, với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chung

Tạo bước chuyển biến toàn diện về chất lượng giáo dục mầm non Hà Nội. Nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non. Ưu tiên đầu tư ngân sách cho giáo dục mầm non ở khu vực ngoại thành. Phấn đấu đến năm 2010 hầu hết trẻ em đều được chăm sóc, giáo dục bằng những hình thức thích hợp. Thực hiện phổ cập một năm trẻ mẫu giáo 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1. Xây dựng hệ thống chuẩn hóa giáo dục mầm non theo hướng tiên tiến và hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và Quốc tế, tương xứng với vị thế của Thủ đô.

2. Mục tiêu cụ thể

Năm 2010: Tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 28% trở lên, trẻ từ 3 - 5 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt 85% trở lên, trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non ra lớp đạt 65% trở lên. Thực hiện phổ cập một năm trẻ mẫu giáo 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1. Cơ bản xây dựng mới thay thế các phòng học tạm, học nhờ, tiếp tục gom các điểm lẻ, chung với nhà dân thành các trường, nhóm, lớp đủ diện tích theo chuẩn quy định. Phấn đấu 15% số trường mầm non đạt chuẩn quốc giá. 100% trường mầm non được kết nối Internet. 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 40% đạt trên chuẩn.

Năm 2015: Tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 35% trở lên, trẻ từ 3 - 5 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt 95% trở lên, trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non ra lớp đạt 70%, 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp. 60% giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn. Xây dựng mới để thay thế toàn bộ phòng học cấp 4; xây dựng 100% trường, nhóm, lớp, mầm non đủ điều kiện. Phấn đấu 50% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; mỗi xã, phường, thị trấn có từ 1-2 trường mầm non công lập. Khắc phục 6 phường hiện chưa có trường mầm non công lập để có trường.

3. Nhiệm vụ và các giải pháp

3.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức

Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng, gia đình về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

3.2. Ổn định, sắp xếp hợp lí mô hình, đa dạng hóa các loại hình trường lớp theo quy định, từng bước đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân.

Xây dựng hệ thống trường, lớp mầm non hợp lý, đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất từ 1 đến 2 trường mầm non công lập. Từng bước gom các điểm lẻ, xây dựng các khu trung tâm đủ điều kiện. Khuyến khích phát triển các loại hình trường dân lập, tư thực. Hoàn thành quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

3.3. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non.

Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non từ nay đến năm 2015, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn theo chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bảo đảm chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non theo quy định hiện hành của Nhà nước. Bổ sung các chính sách ưu đãi đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non ở khu vực miền núi và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3.4. Hoàn thiện công tác tổ chức và cơ chế quản lý các trường mầm non. Tăng cường quản lý Nhà nước và hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn Thành phố

Hoàn thiện tổ chức bộ máy các trường mầm non bán công nông thôn sau khi chuyển sang loại hình công lập thực hiện quyền tự chủ một phần theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Các sở, ngành Thành phố và chính quyền quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục mầm non. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo yêu cầu về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và an toàn cho trẻ.

3.5. Thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non

Triển khai chương trình đổi mới giáo dục mầm non. Từng bước nâng độ đồng đều về chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trong các loại hình giáo dục mầm non. Đổi mới phương thức theo dõi, đánh giá chất lượng phát triển của trẻ.

3.6. Tăng cường nguồn lực tài chính cho việc phát triển giáo dục mầm non

Nâng dần tỷ trọng đầu tư ngân sách, ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non, đặc biệt ưu tiên mầm non khu vực nông thôn. Thực hiện cấp định mức/ trẻ đảm bảo công bằng trong giáo dục mầm non. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục mầm non. Tiếp tục thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường lớp: Hoàn thành xây dựng mới để thay thế phòng học tạm, học nhờ, phòng học cấp 4. Triển khai thực hiện tốt chương trình chiếu sáng học đường. Quan tâm đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch trong các trường mầm non. Hàng năm bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố để đảm bảo thực hiện chương trình mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

3.7. Đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ để đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và xã hội cho giáo dục mầm non.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ